Bảo vệ thanh, thiếu niên trên không gian mạng

08:07, 02/07/2021

Thời gian gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của internet và các thiết bị thông minh đã trở thành phương tiện cung cấp kiến thức, phương thức học tập, giải trí và tăng cường tương tác với xã hội. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều hoạt động học tập, làm việc, tiếp xúc xã hội trực tiếp theo cách truyền thống phải tạm dừng, chuyển sang hình thức trực tuyến thì vai trò của internet càng được khẳng định. Tuy nhiên thế giới mạng phong phú đa dạng nguồn tin và dạng thông tin cũng mang lại không ít cám dỗ, tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống tâm lý, vật chất của lớp trẻ nếu không được khai thác sử dụng đúng cách. Làm thế nào để bảo vệ thanh, thiếu niên trên môi trường mạng đang là vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng, nhà trường, cộng đồng và mỗi gia đình.

Trẻ em háo hức với mô hình xe ô tô thư viện lưu động của Thư viện tỉnh tổ chức.
Trẻ em háo hức với mô hình xe ô tô thư viện lưu động của Thư viện tỉnh tổ chức.

Năm học 2020-2021 kết thúc sớm hơn so với lịch trình mọi năm bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải tiếp tục học để hoàn thành chương trình năm học, ôn thi online; các lớp học ngoại khóa như ngoại ngữ, năng khiếu cũng đồng loạt chuyển sang trạng thái trực tuyến để đảm bảo chương trình. Do đó việc để cho trẻ tự sử dụng mạng internet càng trở nên phổ biến và không thể thiếu đối với thanh, thiếu niên trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích thì thực tế cũng cho thấy nhiều thanh, thiếu niên bị lôi kéo, dụ dỗ sa đà vào những thông tin ngoài lề, không đúng với mục đích học tập. Các thông tin trào lưu hot, hit, drama… thiên về khai thác bí mật đời tư, chuyện kín,… khiến trẻ chểnh mảng học hành, bị kích động bạo lực, tình dục hay bị lôi kéo vào những trò lừa đảo. Chị Trần Thị Thành, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định cho biết: Thời gian gần đây, con gái chị đang học lớp 9 thường xuyên xin tiền bà ngoại để sử dụng vào việc cá nhân. Ban đầu tôi chỉ nghĩ là cháu dùng tiền mua sách vở, tặng quà sinh nhật bạn… nhưng khi tìm hiểu qua trang facebook cá nhân của cháu tôi mới thấy cháu đang bị dẫn dắt vào một trò lừa đảo để trục lợi. Theo đó trong messenger, cháu nhận được một tin nhắn của đối tượng thông báo trúng điện thoại Iphone đời mới nhất nhưng phải nạp tiền theo hình thức nạp thẻ điện thoại để đóng các loại phí giao dịch, gửi hàng… mỗi lần từ vài ba trăm đến năm trăm nghìn đồng. Khi chị phát hiện sự việc thì số tiền cháu nạp đã lên đến 3,5 triệu đồng. Chị Thành trực tiếp nói chuyện với con nhưng cháu không công nhận mình bị lừa. Chỉ bằng vài thao tác nhắn tin lại cho địa chỉ đó để làm rõ sự việc thì đầu đằng kia ngừng hoạt động và chuyển sang trạng thái “người dùng facebook”. “Sau việc này cháu tỏ ra ngại, ít tiếp xúc, trao đổi tình cảm với mọi người trong gia đình và cả tôi”. Phải động viên mãi tâm lý cháu mới trở lại bình thường. Nhiều phụ huynh khác cho biết việc con cái họ bị dụ dỗ tham gia vào những cuộc thi ảnh đẹp qua mạng, chơi game tích lũy điểm, đua xe trái phép, sử dụng ma túy... Không ít phụ huynh lo ngại những tấm ảnh, dữ liệu cá nhân của các cháu với đầy đủ ngày tháng năm sinh, địa chỉ nhà riêng và cả chứng minh thư bị lợi dụng dùng vào những việc sai trái… Cá biệt hơn, nhiều thanh, thiếu niên do thiếu hiểu biết pháp luật liên quan đến sử dụng mạng xã hội đã trở thành tội phạm gây rối trật tự, tống tiền người khác. 

Theo cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh ta thanh, thiếu niên sử dụng Internet chiếm khoảng trên 90%. Thế nhưng, các đối tượng này lại chưa có đầy đủ nhận thức về nguy cơ, mặt trái của internet, về kỹ năng sống cũng như kiến thức trong việc sử dụng internet, đặc biệt là việc phân biệt tin thật giả dẫn đến các nguy cơ chia sẻ, lan truyền thông tin trái pháp luật; nguy cơ bị bắt nạt qua mạng; lộ thông tin cá nhân; bị  gạ gẫm, xâm hại tình dục; bị dụ dỗ, lôi kéo truy cập vào trang có thông tin xấu độc, hoặc nội dung lừa đảo. Từ năm 2017 đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết hàng trăm tin báo, vụ việc có liên quan đến an ninh mạng, trong đó tỷ lệ bị can trong độ tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên chiếm 81,9%. Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lực lượng Công an đã phát hiện 3 đối tượng ở thành phố Nam Định, các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng đăng tin sai sự thật về dịch COVID-19 lên facebook cá nhân gây hoang mang dư luận. Các đối tượng đã bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật, buộc phải gỡ bỏ bài viết và đăng tải thông tin đính chính. Gần đây nhất, Công an tỉnh đã quyết định tạm giữ hình sự nam sinh lớp 12 Trường THPT Mỹ Lộc do có hành vi lắp đặt camera để quay lén hình ảnh giáo viên trong nhà vệ sinh nhà trường rồi gửi qua mạng xã hội facebook để tống tiền nạn nhân. 

Trước thực trạng báo động này, các ngành Công an tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Sở TT và TT, Sở GD và ĐT đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch liên tịch: “Phối hợp phát động đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng” để tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi đoàn viên, thanh niên, học sinh trên không gian mạng; nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy vai trò nòng cốt, tính chủ động, xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên, học sinh tự giác chấp hành các quy định của pháp luật trên không gian mạng. Hiện tại các ngành, các địa phương cũng tích cực triển khai Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng (giai đoạn 2021-2025) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1-6-2021. Bên cạnh đó với phương châm “phòng ngừa tốt” các ngành chức năng khuyến cáo, để có thể khai thác triệt để những tiện ích đồng thời ngăn ngừa các nguy cơ xấu trên không gian mạng thì gia đình là yếu tố quan trọng góp phần chủ động phòng ngừa giúp thanh, thiếu niên tránh được những hiểm họa, những hệ lụy khôn lường. Các gia đình cần tìm hiểu và có giải pháp khoa học để chung sống với xu hướng  chuyển đổi số trên mọi mặt đời sống, không cấm đoán tuyệt đối trẻ mà trao đổi với con cái, đưa ra những nguyên tắc sử dụng internet như thế nào là an toàn và hợp lý./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com