Nguyễn Hồng Vinh - "Cây đại thụ" của nền Báo chí cách mạng Việt Nam

07:06, 21/06/2021

Cùng với các tên tuổi lớn như: Hoàng Tùng, Phan Quang, Hà Đăng, Hồng Hà, Hữu Thọ…, những đóng góp của PGS, TS, Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh cho sự nghiệp báo Đảng xứng đáng là những “cây đại thụ”  của nền Báo chí cách mạng Việt Nam.

PGS, TS, Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh sinh ngày 25-6-1945 ở xã Hồng Quang (Nam Trực). Ông đã từng đảm nhận nhiều chức vụ của Đảng, Nhà nước: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương; đại biểu Quốc hội các khóa X, XI. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân, đồng nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.

Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Hồng Vinh được phân công về làm phóng viên Báo Nhân Dân; được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô (cũ) và trở thành người có học vị Tiến sĩ Báo chí đầu tiên ở Việt Nam. Trong 33 năm làm việc tại Báo Nhân Dân, từ một phóng viên xông xáo, dấn thân, đến khi nhận nhiệm vụ Phó Tổng Biên tập rồi Tổng Biên tập, Nguyễn Hồng Vinh kế tục xứng đáng các thế hệ lãnh đạo báo Đảng. Nhận nhiệm vụ Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, ông đã cùng Bộ Biên tập, tập thể cán bộ, phóng viên triển khai Đề án được Bộ Chính trị phê duyệt: “Cải tiến, nâng cao chất lượng các ấn phẩm của Báo Nhân Dân”. Trên cương vị Tổng Biên tập, Nguyễn Hồng Vinh đưa báo Nhân Dân hằng ngày từ 4 trang lên 8 trang; đổi mới nội dung ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần; xuất bản ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng; xuất bản Nhân Dân điện tử tiếng Việt và tiếng Anh; mở 3 cơ quan thường trú tại Bắc Kinh, Paris, Bangkok...

Tháng 3-2000, Đại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2000-2005, Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội. Dấu ấn quan trọng mà Chủ tịch Nguyễn Hồng Vinh và Ban Chấp hành Hội thời kỳ này để lại là, trên cơ sở Tờ trình và Đề án của lãnh đạo Hội, ngày 18-3-2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 37-CT/TW về “Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới” - một dấu mốc quan trọng, tiền đề thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp - “Mái nhà chung” của giới báo chí Việt Nam hiện nay.

Với Nguyễn Hồng Vinh, về nghề nghiệp, trước hết là một nhà báo sắc sảo, tận tụy, yêu nghề. Dù bận rộn với công việc quản lý, ông vẫn sắp xếp thời gian để đi thực tế ở cơ sở. Ông tâm sự: Để có bài báo hay, đầy ắp hơi thở cuộc sống thì chỉ có cách là thường xuyên tiếp cận cuộc sống”. Ông học tập kinh nghiệm tác nghiệp của Nhà báo Phan Quang là “Đọc, đi, nghĩ, viết”. Đó là đọc kỹ tài liệu, sưu tầm, khảo cứu sâu vùng đất nhà báo sẽ đến. Khi ấy coi như bài viết đã xong một nửa. Khi ấy nhà báo đến tận nơi chỉ là để đối chiếu, kiểm tra, bổ sung tư liệu, gặp gỡ nhân vật, tìm nguồn cảm hứng... Làm như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian trên đường, cho những chuyến đi.

Với trọng trách chỉ đạo, điều hành, quản lý nội dung các ấn phẩm báo Đảng, người đọc cảm nhận rõ dấu ấn của Hồng Vinh qua các bài viết chính luận - thể loại được coi là “súng đại bác” của báo chí. Ngoài việc chỉ đạo, biên tập, tham gia viết các bài chuyên luận, xã luận, bình luận trên Nhân Dân hằng ngày; sau khi xuất bản Nhân Dân hằng tháng, Hồng Vinh còn đảm nhận chuyên mục “Vấn đề tháng này” - mỗi tháng một bài đều đặn đăng trang đầu, độ dài trên dưới 500 chữ, tập trung phân tích, bàn luận, gợi mở định hướng tư tưởng và hành động một vấn đề quan trọng trong tháng. Từ khi ấn phẩm “Nhân dân hằng tháng” ra đời, xuất bản số đầu vào tháng 6-1997 cho đến nay đã hơn 20 năm, chuyên mục “Vấn đề tháng này” vẫn do Nhà báo Hồng Vinh đảm nhiệm viết bài - khi ông là Tổng Biên tập và cả khi ông đã thôi nhiệm vụ Tổng Biên tập. Tháng này qua tháng khác, mỗi bài có nội dung mới, cách lập luận mới, hình thức thể hiện mới. Bạn đọc khâm phục sức nghĩ, sức viết, sức sáng tạo của Hồng Vinh, người Giữ Lửa nghề không ngừng nghỉ.

Khi nói đến lao động sáng tạo của Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, không thể không nói đến lĩnh vực thơ ca. Sau một sự nghiệp báo chí bề thế, từng đảm nhiệm những trọng trách cao, ông gác được sang bên những bổn phận, trách nhiệm để khởi nghiệp sang lĩnh vực thơ ca. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ông xuất bản 9 tập thơ: “Từ những nẻo đường”, “Thao thức dòng đời” (2010), “Nhịp điệu thời gian” (2012), “Miền thương nhớ” (2013), “Màu ký ức” (2015), “Lãng quên thì thầm” (2016), “Thơ và dấu ấn cuộc đời”, “Thơ Nguyễn Hồng Vinh” (tuyển chọn 2020) và gần đây nhất là tập “Tiếng quê” (2021). Với tập thơ mới này, ông tự bạch: “Tiếng quê chính là tấm lòng của tôi với cha mẹ, với tổ ấm gia đình, với quê hương Hồng Quang (Nam Trực), với bạn bè thân thiết, với đất nước, với chế độ mới đã và đang truyền tình yêu thương và niềm tin cho tôi để nuôi dưỡng sự đam mê vừa viết báo, vừa làm thơ”. Xã Hồng Quang (Nam Trực) nơi ông sinh ra và lớn lên là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với Đình Hát nổi tiếng, nơi có nghệ thuật múa rối nước truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ và là quê hương của Trạng nguyên Trần Văn Bảo. Nét đẹp văn hóa của quê hương Hồng Quang đã thấm sâu trong tâm hồn ông và đi sâu vào những bài viết, trang thơ của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh - ông coi thơ là nơi chốn để trải lòng mình với quê hương từ những ngày còn gian khó: “Tôi lại về thăm dòng sông tuổi thơ/ Nơi cùng con trâu ngụp lặn hàng giờ/ Giữa trưa hè nắng như đổ lửa/ Đứng trên đầu trâu ngạo nghễ vui đùa/Đêm đêm lại mải miết kéo vó bè/ Ngọn đèn dầu soi từng trang sách/ Canh năm sương còn giăng mờ mịt/ Vẫn băng đồng tới lớp đúng bình minh”. Nhiều nhà thơ nổi tiếng, nhiều nhà lý luận phê bình văn học đã dành những lời khen cho những tập thơ của ông. Cũng như vậy trong “Thơ và dấu ấn cuộc đời”, có thể thấy bao trùm trong thơ Nguyễn Hồng Vinh là thái độ tri ân của tác giả với cuộc đời, với quê hương, bè bạn, gia đình và những người thân yêu. Ở đó, là sự hoài niệm về một giai đoạn có tác động mạnh đến tư tưởng, tình cảm và cả những hoài bão trong con người Nguyễn Hồng Vinh - thời kỳ ông đi học tại Liên Xô (cũ). Ông có nhiều bài thơ viết về những kỷ niệm trong những năm tháng ấy: “Tôi không thể quên những khóe mắt rưng rưng/ Của những cựu binh Xô Viết/ Đã sang thăm Việt Nam giữa những ngày chống Mỹ gian nan/ Máu và tri thức Liên Xô đã góp vàng mùa gặt/ Đất nước tôi liền dải non sông/ “Giai điệu nước Nga” vẫn vang vang trong trái tim người Việt! (Nước Nga trong tôi). Hay “Nhớ sao đêm lửa trại/ Má em hồng cùng than/ Thịt cừu thơm tỏa khắp/ Vang lời ca tha thiết/ “Chiều Mát-xcơ-va đắm say” (Nhớ nước Nga). Những bài thơ của ông như tiếng lòng của những du học sinh Việt Nam từng một thời du học, gắn bó với đất nước của Lê-nin vĩ đại: “Ba thập niên có lẻ/ Ta tạm xa nước Nga/ Bao thăng trầm dữ dội/ Có lúc thắt tim ta” (Nhớ nước Nga).

Là người làm báo nên Nguyễn Hồng Vinh cũng có nhiều bài thơ mang tính thời sự. Trong bài thơ “Tản mạn đầu xuân”, ông viết “Cửa ra vào phòng sếp/ Dấu chân đè dấu chân/ Quà không còn chỗ đặt”… “Có người một túi sách/ Bằng mười nhà tặng Dân”. Qua những câu thơ trên, người đọc cảm nhận được những vấn đề còn tồn tại trong cuộc sống hôm nay nhưng cách nhìn của ông không cực đoan, phá phách. Trước sự xuống cấp của đạo đức xã hội do tác động bởi mặt trái nền kinh tế thị trường (hình ảnh cụ thể là có một số người tặng túi sách trị giá 500 triệu đồng, bằng 10 ngôi nhà tặng các gia đình chính sách), ông có thái độ nghiêm khắc thông qua những suy lý về cuộc đời: “Những khổ đau, oan trái/ Giữa cái thiện, lòng tham/ Danh lợi và chức quyền/ Cứ đan xen thường nhật/ Càng ngẫm lời kinh Phật/ Đời - sắc sắc không không” (Vô đề 1). Hay “Tiền tài và danh vọng/ Trộn đắng cay xé lòng/ Hòa tan bao nước mắt/ Xóa nhòa nụ cười duyên…/ “Ngẫm ra đều phù vân/ Hão huyền và ảo tưởng/ Chỉ tình người còn đọng/ Giữa bốn bề trái ngang” (Vô đề 3).

Từng là một chính khách nhưng trong ông cũng có một Hồng Vinh rất đời thường, đa tình với những phút giây lãng mạn, xao lòng: “Thấm thoắt nay đã thành bà ngoại/ Tình cờ gặp lại quán ven đường/ Gió áo từng đợt, bao lá rụng/ Trời xanh ngút ngát nỗi bâng khuâng (Bâng khuâng thu). Hay “Duyên kỳ ngộ đưa em lại Sầm Sơn/ Sao chỉ một lặng thầm dạo bước?/ Hàng phi lao năm nào, đã vươn cao vút/ Cát vẫn hằn hai dấu chân xưa?” (Ký ức Sầm Sơn).

Với Nguyễn Hồng Vinh, người đọc cảm nhận trong thơ ông có chất hào sảng của chính khách, sự sắc sảo, nhanh nhạy của người làm báo và đương nhiên là chất tự sự, trữ tình mang đặc trưng cơ bản của thơ ca. Thế mạnh trong thơ ông là việc sử dụng ngôn ngữ dung dị, bật ra từ cảm xúc thực của mình đối với những hoài niệm, sự việc, cảnh vật, con người ở những nơi ông đã đi, đã gặp, đã chứng kiến. Bởi vậy thơ ông rất thật và đời, viết ra từ những ý tưởng hay với một trái tim ấm nóng.

Là một trong những cây đại thụ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, qua hơn 50 năm lao động sáng tạo báo chí, thơ ca, người đọc cảm nhận được tâm hồn Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đa dạng trong sự thống nhất: Đó là một chính khách trí tuệ, hào sảng, một nhà báo nhanh nhạy, sắc sảo, một giọng thơ giàu cảm xúc với những mạch nguồn tươi mới đang dạt dào tuôn chảy./.

Trần Đức Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com