Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

07:03, 26/03/2021

Thời gian qua, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” ở các cấp bộ Đoàn trong tỉnh được triển khai đồng bộ, có sức lan tỏa sâu rộng. Từ phong trào, hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đã được khẳng định, đem lại hiệu quả rõ nét. Nhiều đoàn viên, thanh niên năng động sáng tạo trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.

Mô hình trồng rau sạch của đoàn viên Lê Văn Đạt, xóm 7, xã Hải Cường (Hải Hậu).  Bài và ảnh: Văn Huỳnh
Mô hình trồng rau sạch của đoàn viên Lê Văn Đạt, xóm 7, xã Hải Cường (Hải Hậu).

Xác định đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các tổ chức đoàn cơ sở triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế; tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh Đoàn đã tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu của thanh niên trên địa bàn về việc làm, tổ chức tạo nguồn lao động, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn, giới thiệu thanh niên đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Thường xuyên cung cấp các thông tin về thị trường lao động, nhu cầu đào tạo ngành nghề trên địa bàn đối với thanh niên thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, hệ thống bản tin của các cơ sở đoàn. Tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn tại chỗ gắn với giải quyết việc làm; phát triển các mô hình hỗ trợ giải quyết việc làm, như: Tổ hợp tác thanh niên, trang trại trẻ, hợp tác xã thanh niên, câu lạc bộ “Thanh niên làm kinh tế”, hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Các cơ sở Đoàn đã phối hợp với Phòng LĐ-TB và XH, Trung tâm Văn hóa thể thao tổ chức 2.055 cuộc tuyên truyền về việc làm, học nghề, vay vốn… bằng hình thức phát trên đài truyền thanh của địa phương, dán áp phích tại các Trung tâm học tập cộng đồng của các xã, phường, thị trấn… Bên cạnh đó, các cơ sở Đoàn giới thiệu nhiều gương điển hình tiên tiến để huyện, thành phố nhân rộng. Trong 3 năm (2018-2020) có 4 thanh niên được nhận giải thưởng Lương Định Của. Một số mô hình tiêu biểu trong lập nghiệp như: “Nuôi cá rô phi” của đoàn viên Trần Công Phúc, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc); Công ty Mây tre đan xuất khẩu của đoàn viên Bùi Xuân Thủy, xã Yên Tiến (Ý Yên); Mô hình “Trồng cây cảnh” của đoàn viên Vũ Hoàng Sử, xã Hải Triều (Hải Hậu); Sản xuất máy móc nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp của đoàn viên Trần Văn Kiều, xã Xuân Tiến (Xuân Trường); Mô hình trồng cây đinh lăng dược liệu của anh Đinh Văn Thuận, Bí thư chi đoàn thôn Nam Châu, xã Hải Đông (Hải Hậu)… Ngoài ra, hoạt động tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp được các cấp bộ Đoàn chủ động tận dụng nguồn kinh phí từ Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” để tập huấn, dạy nghề tại chỗ cho thanh niên gắn với các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giúp thanh niên nông thôn có kiến thức lập nghiệp tại địa phương. Đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 5.375 đoàn viên, thanh niên; phối hợp Văn phòng giới thiệu việc làm thanh niên tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 16.780 đoàn viên, thanh niên và đã có 3.137 đoàn viên, thanh niên có việc làm ổn định. Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh còn phối hợp Ngân hàng CSXH thành lập các tổ góp vốn xoay vòng, các tổ hỗ trợ vay vốn cho thanh niên. Tính đến tháng 12-2020 đã ký ủy thác cho vay với tổng số tiền 175 tỷ 624 triệu đồng thông qua 187 tổ tiết kiệm và vay vốn tạo điều kiện cho 5.581 khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm 5 tỷ 334 triệu đồng; vốn vay 120 của Trung ương Đoàn 1 tỷ 450 triệu đồng. 

Ngoài ra, đối với học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động tư vấn việc làm cho học sinh, sinh viên trước khi tham gia thị trường lao động; kết hợp với các hoạt động đào tạo kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng tự tạo việc làm và kỹ năng làm việc cho học sinh, sinh viên; phối hợp tổ chức các ngày hội việc làm định kỳ cho học sinh, sinh viên; triển khai các mô hình việc làm bán thời gian cho học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp thanh niên, trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tìm việc, kỹ năng làm việc; tổ chức các buổi tham quan, làm việc thực tế tại các doanh nghiệp, tổ chức. Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tiến hành tổ chức 67 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về chính sách nghề nghiệp, việc làm, các kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn; tổ chức 6 hội thi nâng tay nghề thu hút gần 2.100 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia; thành lập 255 nhóm, câu lạc bộ giúp nhau lập nghiệp với sự tham gia của trên 17 nghìn đoàn viên, thanh niên. Hàng năm, tư vấn hướng nghiệp cho 150 nghìn đoàn viên, thanh niên, trong đó tập trung đối tượng học sinh cuối cấp trong các trường THCS, học sinh THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giới thiệu việc làm cho 5.400 thanh niên, tập huấn cho 1.000 lượt cán bộ Đoàn, cán bộ Hội về nghề nghiệp, việc làm. Đối với học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, đại học, phối hợp với ngành lao động, các trường tổ chức điều tra, khảo sát nắm bắt tình hình, nhu cầu việc làm của học sinh, sinh viên trong các trường trước khi tham gia thị trường lao động. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp thanh niên, trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên phối hợp với các trường cao đẳng, đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức các hoạt động tạo nguồn lao động, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong các năm học, các đơn vị Đoàn cơ sở đã phối hợp với các trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa hướng nghiệp cho học sinh. Các đơn vị đã tổ chức tốt chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Nam Định”; tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng qua từng năm học để học sinh tìm hiểu thực tế hoạt động của các ngành nghề sản xuất và dịch vụ, qua đó định hướng lựa chọn nghề nghiệp tương lai… 

Với sự giúp đỡ của các cấp bộ Đoàn và sự chủ động của các đoàn viên, thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát huy khả năng sáng tạo của mỗi đoàn viên, thanh niên trong phát triển kinh tế, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và công tác giảm nghèo ở địa phương./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com