Địa chỉ "đỏ" - Nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

06:03, 24/03/2021

Toàn tỉnh hiện có 8 huyện đã xây dựng công trình Đền thờ Liệt sĩ Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên. Các công trình Đền Liệt sĩ được xây dựng thể hiện lòng tri ân thành kính, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc với các Anh hùng liệt sĩ, đồng thời là địa chỉ “đỏ” góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Toàn cảnh công trình Đền Liệt sĩ huyện Vụ Bản khánh thành tháng 12-2019 (ảnh 1); Một buổi học ngoại khoá của học sinh Trường THCS Giao Thủy tại Đền Liệt sĩ huyện (ảnh 2).
Toàn cảnh công trình Đền Liệt sĩ huyện Vụ Bản khánh thành tháng 12-2019.

Đến Đền Liệt sĩ huyện Vụ Bản vào đúng mùng 1 đầu tháng âm lịch, chúng tôi chứng kiến nhiều đoàn khách, là những người con xa quê đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Trong khói hương trầm ấm cúng, giọng nói của ông Đặng Văn Thi, người được giao bảo vệ, chăm sóc khu đền vang lên giới thiệu về truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng của quân và dân huyện Vụ Bản. Người đến viếng nghiêm cẩn đứng vào hàng lối, nghiêm trang lắng nghe, rưng rưng xúc động khi ông Thi nhắc đến sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ. Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, huyện Vụ Bản có hơn 40 nghìn người con quê hương tham gia chiến đấu ở các chiến trường, trong đó, có 3.794 người đã anh dũng hy sinh. Chị Nguyễn Thị Thanh (29 tuổi), xã Hiển Khánh lần đầu đến dâng hương tại Đền Liệt sĩ huyện Vụ Bản chia sẻ: “Tôi cũng như tất cả những người lần đầu đặt chân đến Đền thờ liệt sĩ huyện đều vô cùng xúc động, tự hào với truyền thống cách mạng quê hương. Thế hệ chúng tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong thời bình, có cuộc sống ấm no hạnh phúc như hiện nay luôn tự nhủ phải nhớ ơn những bậc tiền nhân đã hy sinh quên mình bảo vệ Tổ quốc. Tôi cũng như các bạn trẻ khác sẽ phấn đấu học tập tốt, lao động tốt, góp phần để xây dựng quê hương giàu đẹp…”. Để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ huyện Vụ Bản, đồng thời thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Vụ Bản với công lao, đóng góp của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, năm 2016, Đền thờ Liệt sĩ huyện Vụ Bản được xây dựng tại thị trấn Gôi trên diện tích khoảng 4.687m2 với tổng giá trị đầu tư gần 32 tỷ đồng. Năm 2019 công trình Đền thờ Liệt sĩ huyện đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Khuôn viên Đền thờ được thiết kế tỉ mỉ, thoáng đãng, thuận lợi cho người đến hành lễ, thăm viếng. Không gian hành lễ, không gian thờ các liệt sĩ bao gồm 20 bia ghi danh, trong đó có 18 bia ghi danh các liệt sĩ của 17 xã và thị trấn trong toàn huyện, còn lại 2 bia ghi tên các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của địa phương đã tạ thế. Mọi chi tiết kiến trúc và bài trí trong Đền đều hướng tới tôn vinh truyền thống cách mạng, ý chí quyết tâm của người dân Vụ Bản vì sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự do, hạnh phúc của đất nước và tấm lòng tri ân của các thế hệ nhân dân trong huyện đời đời ghi ơn công lao của các anh hùng liệt sĩ.

Toàn cảnh công trình Đền Liệt sĩ huyện Vụ Bản khánh thành tháng 12-2019 (ảnh 1);  Một buổi học ngoại khoá của học sinh Trường THCS Giao Thủy tại Đền Liệt sĩ huyện (ảnh 2).
Một buổi học ngoại khoá của học sinh Trường THCS Giao Thủy tại Đền Liệt sĩ huyện.

Ở Đền Liệt sĩ huyện Giao Thuỷ, hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30-4, các trường học trên địa bàn huyện đều tổ chức cho học sinh dâng hương, tham quan kết hợp giáo dục truyền thống tại Đền Liệt sĩ. Dẫn đoàn học sinh Trường THCS Giao Thủy vào tham quan Đền Liệt sĩ huyện, cô giáo Vũ Thị Thêm say sưa giảng cho các em về truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, huyện Giao Thủy có trên 24 nghìn người lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu; trong đó có 2.826 liệt sĩ, 235 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2.000 thương, bệnh binh. Em Đặng Phan Nhật Hoàng, học sinh lớp 9C, Trường THCS Giao Thủy cho biết: Được tham quan, dâng hương và tìm hiểu Đền Liệt sĩ của huyện, chúng em đã được bổ sung nhiều kiến thức về truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương, biết ơn trân trọng những hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ cho quê hương, đất nước. Sau buổi học ngoại khóa, học sinh còn sáng tạo những tác phẩm tranh, truyện ngắn, viết cảm nghĩ về những người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Bùi Hữu Nghị, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB và XH huyện Giao Thủy cho biết: Để đáp ứng tốt nhu cầu học tập, tham quan của học sinh các trường học, cán bộ, CNVC và nhân dân trong huyện, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã phối hợp cùng Trường THCS thị trấn Ngô Đồng là đơn vị nhận chăm sóc Đền Liệt sĩ thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh cảnh quan môi trường khu vực Đền. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), từ tối 25 đến 26-7, Huyện Đoàn phối hợp với Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Đền Liệt sĩ huyện và Nghĩa trang Liệt sĩ của 22 xã, thị trấn; qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và khuyến khích các hoạt động chăm lo gia đình chính sách, hậu phương quân đội.

Ở Đền Liệt sĩ huyện Nghĩa Hưng, Phòng LĐ-TB và XH huyện tạo điều kiện để người trông coi đền tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng thuyết trình, hướng dẫn khách tham quan… Phòng GD và ĐT huyện khuyến khích các trường học đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống kết hợp viếng Đền Liệt sĩ. Hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), tại Đền Liệt sĩ, các trường học trên địa bàn huyện đều tổ chức các hoạt động dâng hương, giao lưu trò chuyện cùng các cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sĩ. Đền Liệt sĩ huyện Xuân Trường là nơi tổ chức nhiều hoạt động chính trị xã hội như: lễ báo công, lễ phát động thi đua, lễ kết nạp Đảng, sinh hoạt truyền thống… Trường THPT Xuân Trường B là một trong những trường học tiêu biểu trên địa bàn huyện trong tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống địa phương. Vào những ngày lễ lớn của Đảng, của đất nước, hay vào dịp khai giảng, tổng kết năm học, trường đều tổ chức dâng hương, vinh danh những học sinh có thành tích học tập xuất sắc tại Đền Liệt sĩ huyện. Ở huyện Nam Trực, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức nhiều đợt cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu truyền thống, cách mạng của quê hương. Vào dịp 30-4 hàng năm, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện đều tổ chức cho các lớp đảng viên mới tham quan, tìm hiểu về truyền thống lịch sử quê hương tại Đền Liệt sĩ. Trước ngày giao quân, các địa phương trong huyện đều thăm hỏi, tặng quà động viên, đồng thời tổ chức cho thanh niên chuẩn bị nhập ngũ viếng Đền Liệt sĩ, kể chuyện truyền thống.

Chiến tranh đã qua đi nhưng những chiến công oanh liệt, những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước sẽ không bao giờ phai nhạt trong trái tim các thế hệ hôm nay và mai sau. Những ngôi Đền Liệt sĩ sẽ không chỉ là những công trình tâm linh nghĩa tình mà còn là địa chỉ đỏ giá trị trong giáo dục truyền thống và đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ mai sau./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com