Tháng 1-2021, Sở GD và ĐT đã tổ chức vòng chung kết Hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh năm học 2020-2021. Tham dự Hội thi có 196 học sinh được tuyển chọn từ 390 học sinh các cấp học trong toàn tỉnh (gồm 121 học sinh tiểu học, 125 học sinh THCS, 144 học sinh THPT) thuộc 56 đơn vị gồm 10 phòng GD và ĐT các huyện, thành phố và 46 trường THPT trong toàn tỉnh.
Một giờ học tiếng Anh của cô và trò Trường Tiểu học Trực Khang (Trực Ninh). |
Điểm nổi bật của hội thi năm nay là ngay ở vòng sơ khảo (cấp trường, cấp huyện), số học sinh vượt cấp dự thi tăng so với những năm học trước với 95/390 em dự thi (chiếm 24,3% trong tổng số học sinh dự thi). Trong đó khối tiểu học có 14 học sinh thi vượt cấp; khối THCS có 45 học sinh thi vượt cấp; khối THPT có 36 học sinh thi vượt cấp (cả 36 em đều là học sinh lớp 10). Từ vòng sơ khảo với tổng số 390 học sinh tham dự, Ban tổ chức đã chọn 196 học sinh xuất sắc nhất “tranh tài” tại vòng chung kết, gồm 63 học sinh khối tiểu học, 55 học sinh khối THCS và 78 học sinh khối THPT. Tại vòng chung kết, học sinh tiểu học bốc thăm câu hỏi theo chủ đề và có 3 phút trình bày, học sinh THCS có 4 phút trình bày, học sinh THPT có 5 phút trình bày và các thí sinh đều phải trả lời các câu hỏi mà giám khảo bất ngờ đặt ra. Tại hội thi, hầu hết các thí sinh đều thể hiện tốt năng lực nghe, hiểu và trình bày tiếng Anh của mình; khả năng phát âm tiếng Anh có nhiều tiến bộ, đặc biệt là học sinh khối tiểu học. Nét nổi bật tại vòng chung kết năm nay, khối tiểu học có 12 học sinh thi vượt cấp được vào vòng chung kết (chiếm 19% số học sinh khối tiểu học lọt vào vòng chung kết), trong đó có 2 học sinh lớp 3, 10 học sinh lớp 4. Khối THCS có 14 học sinh thi vượt cấp lọt vào vòng chung kết (chiếm 25,5% số học sinh THCS lọt vào vòng chung kết), trong đó có 1 học sinh lớp 7 và 13 học sinh lớp 8. Khối THPT có 19 học sinh thi vượt cấp vào vòng chung kết (chiếm tỷ lệ 24,4% số học sinh THPT lọt vào vòng chung kết). Như vậy, học sinh thi vượt cấp tại vòng chung kết năm nay là 45/196 học sinh (chiếm 22,96% trong tổng số học sinh lọt vào vòng chung kết).
Ghi nhận tại hội thi năm nay là sự “bứt phá” của học sinh khu vực nông thôn trong phần nghe và từ vựng đã thể hiện xuất sắc. Nhiều học sinh khu vực nông thôn thi vượt cấp, mặc dù có nhiều khoảng cách về độ tuổi so với các thí sinh khác cùng khối nhưng các em rất mạnh dạn, tự tin và đều đoạt giải cao. Tiêu biểu như các em: Nguyễn Gia Bảo, lớp 3, Trường Tiểu học thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); Nguyễn Thu Phương, lớp 3, Trường Tiểu học Hải Hà (Hải Hậu); Ngô Việt Anh, lớp 7, Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh)... Điều đáng nói là 4 học sinh đạt điểm cao nhất của vòng sơ khảo ở phần nghe và từ vựng đều ở khu vực nông thôn. Ở khối THCS, 4 em đạt điểm cao nhất cũng là học sinh khu vực nông thôn, là các em: Lê Thị Hương Giang và Nguyễn Phạm Ngọc Hà, Trường THCS Lê Quý Đôn (Ý Yên), Nguyễn Phương Linh, Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh), Nguyễn Phương Thúy, Trường THCS Nghĩa Hưng (Nghĩa Hưng); khối THPT có 4 em đạt điểm cao nhất, trong đó có 3 học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, 1 học sinh Trường THPT A Hải Hậu là em Nguyễn Lục Quốc Anh...
Năm nay, do tình hình dịch COVID-19, Sở GD và ĐT mời 1 giám khảo người Mỹ, 1 giám khảo người Ca-na-đa, 4 giám khảo đến từ Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tại hội thi lần này, tỉnh gây “ấn tượng” với Ban giám khảo bởi khả năng nghe, nói tiếng Anh của học sinh giỏi, đặc biệt là học sinh tiểu học. Theo đánh giá của Ban giám khảo, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của học sinh trong tỉnh rất tiến bộ, thể hiện ở việc các em có năng lực nghe, hiểu, trả lời câu hỏi nhanh, nhạy, có nhiều kiến thức, thông tin để trả lời, nhất là các kiến thức về kỹ năng sống, gia đình, xã hội, sức khỏe, môi trường... Nhiều học sinh sử dụng được từ vựng và cấu trúc ở mức cao, khối tiểu học sử dụng ngôn ngữ bậc 1, nhưng nhiều em đã sử dụng được từ vựng và cấu trúc ở bậc 2, bậc 3, thậm chí bậc 4, bậc 5. Một số học sinh khối THCS sử dụng ngôn ngữ và cấu trúc ở bậc 5, bậc 6 của năng lực ngôn ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc châu Âu... Tuy nhiên, hiện tượng “học vẹt” vẫn còn tồn tại ở một số học sinh, một số trường; một số học sinh còn “áp lực” trong quá trình trả lời (run, thiếu tự tin); học sinh khối THCS, THPT chưa chú trọng tới trang phục; một số học sinh chưa tương tác tốt với khán giả và ban giám khảo...
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao 195 giải, trong đó có 21 giải Nhất, 54 giải Nhì, 61 giải Ba và 59 giải Khuyến khích. Đặc biệt, khối tiểu học có 3/6 giải Nhất là của học sinh thi vượt cấp; 4/15 giải Nhì của học sinh thi vượt cấp; 4/6 giải Nhất là của học sinh khu vực nông thôn. Khối THCS có 2/6 giải Nhất là của học sinh thi vượt cấp; 4/19 giải Nhì là của học sinh thi vượt cấp; 2/6 giải Nhất thuộc về học sinh khu vực nông thôn. Khối THPT có 1/9 giải Nhất thuộc về học sinh thi vượt cấp; 8/20 giải Nhì là của học sinh thi vượt cấp; 3/9 giải Nhất thuộc về học sinh khu vực nông thôn.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, ở Hội thi Hùng biện tiếng Anh năm nay, chất lượng thí sinh tham gia được nâng lên rõ rệt. Học sinh không chỉ có vốn kiến thức bộ môn vững mà còn vững về kiến thức xã hội và có nhiều cách vận dụng sáng tạo. Hội thi cũng cho thấy phong trào dạy và học tiếng Anh ở tỉnh đang rất phát triển, không chỉ tập trung ở thành phố, thị trấn mà còn lan rộng ra các khu vực nông thôn trong tỉnh, góp phần tạo động lực, niềm say mê để các em cần cù, chịu khó, quyết tâm học tiếng Anh. Hội thi cũng nhằm phát hiện những học sinh có năng khiếu tiếng Anh để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh ở các bậc học tiếp theo. Tuy nhiên, các nhà trường cần đa dạng hơn các hình thức tổ chức, phương pháp dạy và học, đồng thời đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất học sinh, tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm rèn luyện tốt các kỹ năng, nhất là kỹ năng nghe, nói cho các em, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho học sinh ở tất cả các cấp học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế./.
Bài và ảnh: Minh Thuận