Ngày hội STEM và cuộc thi KHKT cấp tỉnh năm học 2020-2021: Nâng cánh những ước mơ, ý tưởng sáng tạo của học sinh

08:02, 05/02/2021

Ngay trước thềm năm mới Tân Sửu 2021, những ước mơ, ý tưởng sáng tạo của học sinh trong tỉnh lại có dịp được chia sẻ trong Ngày hội STEM và cuộc khi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh phổ thông cấp tỉnh năm học 2020-2021. Đây là sân chơi trí tuệ trong môi trường học đường được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích hoạt động tư duy sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn đời sống.

Đề tài KHKT
Đề tài KHKT "Thiết bị báo độ ồn trong thư viện và phòng ngủ bán trú" của nhóm học sinh Trường THCS Xuân Trường (Xuân Trường).

Ngày hội STEM và cuộc thi KHKT dành cho học sinh phổ thông cấp tỉnh năm học 2020-2021 diễn ra trong 2 ngày 18 và 19-1 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định. Trước đó, sau 4 tháng phát động cuộc thi đã được hưởng ứng sôi nổi ở các Phòng GD và ĐT, các trường THCS và các trường THPT trong toàn tỉnh. Từ cuộc thi cấp cơ sở, các đơn vị đã tuyển chọn được các sản phẩm tiêu biểu tham dự Ngày hội STEM và cuộc thi KHKT cấp tỉnh với sự tham gia của 55 đơn vị gồm 10 phòng GD và ĐT, 45 trường THPT; số lượng sản phẩm dự thi nhiều nhất từ trước đến nay gồm 98 sản phẩm KHKT và 92 sản phẩm STEM. Các sản phẩm KHKT tập trung vào 4 nhóm lĩnh vực: Nhóm lĩnh vực Tin học và điều khiển có 9 dự án; nhóm lĩnh vực Hóa - Sinh - Y học - Môi trường có 14 dự án; nhóm lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi có 30 dự án; nhóm lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí - Vật lý có 45 dự án. Các dự án KHKT năm nay chú trọng nghiên cứu ứng dụng giải quyết các vấn đề mang tính thời sự trong năm 2020 như: “Chế tạo một số thiết bị phòng và chống COVID-19” của Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Nam Định); “Máy rửa tay sát khuẩn tự động, đo nhiệt độ, cảnh báo khi tiếp xúc với người sốt cao” của Trường THCS Nguyễn Hiền (Nam Trực); “Giải pháp hạn chế hành vi sử dụng ngôn ngữ mạng” của Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh); “Khắc phục hiện tượng tâm lý tiêu cực trong học đường của học sinh nữ” của Trường THPT Mỹ Tho (Ý Yên); “Một số giải pháp giúp học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học đạt hiệu quả” của Trường THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc)… Đặc biệt, nhiều đề tài mang tính ứng dụng thực tế phục vụ trong lao động, sản xuất như: “Sử dụng rác thải hữu cơ và xốp nuôi sâu gạo nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và mang lại giá trị kinh tế cho hộ chăn nuôi tại xã Hải Nam” của Trường THPT A Hải Hậu (Hải Hậu); “Nghiên cứu quy trình sản xuất thạch gạo lứt” của Trường THPT Giao Thủy B (Giao Thủy); “Nghiên cứu xử lý tồn lưu DDT trong đất bằng nấm mục trắng” của Trường THCS Liên Bảo (Vụ Bản); “Máy phun, lăn sơn tự động” của Trường THCS Nghĩa Hưng (Nghĩa Hưng)… Ngoài ra rất nhiều đề tài tập trung vào vấn đề bảo vệ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường như: “Chế tạo thùng rác xanh xử lý rác thải hữu cơ nhờ tác nhân sinh học thân thiện với môi trường” của Trường THPT Lý Nhân Tông (Ý Yên); “Tổng hợp phân bón nhả chậm hướng tới ứng dụng trong nông nghiệp xanh” của Trường THPT Xuân Trường B (Xuân Trường); “Thuốc đuổi muỗi từ thảo dược thiên nhiên” của Trường THCS Yên Hồng (Ý Yên)… Một số sản phẩm quan tâm đến vấn đề bảo tồn văn hóa, truyền thống cũng như những vấn đề trong cuộc sống, gia đình như: “Kỹ năng sinh tồn và một số giải pháp rèn luyện kỹ năng sinh tồn cơ bản cho học sinh nếu gặp phải những tình huống hiểm nguy trong cuộc sống” của Trường THPT Nam Trực; “Giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy không gian văn hóa quần thể di tích Phủ Dầy trong thời đại cách mạng 4.0” của Trường THPT Nguyễn Đức Thuận (Ý Yên); “Bảo tồn nghệ thuật hát Chầu văn thông qua hình thức Câu lạc bộ” của Trường THCS Phùng Chí Kiên (thành phố Nam Định); “Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của làng nghề trên quê hương Ý Yên” của Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên)… Đặc biệt trong cuộc thi năm nay, một số dự án đầu tư nghiên cứu sâu, sáng tạo, đột phá, có triển vọng giải quyết yêu cầu cấp thiết như: “Nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng thiết bị định lượng tử ngoại UV-rank cho học sinh mầm non” của Trường THPT Nguyễn Khuyến; “Thiết kế tủ sách thông minh 4.0” của Trường THPT A Hải Hậu; “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo xây dựng công cụ hỗ trợ chẩn đoán và tư vấn thừa cân béo phì ở trẻ em” của Trường THCS Trần Bích San (thành phố Nam Định)… Các dự án STEM năm nay xuất phát từ thực tiễn và có khả năng nhân rộng như: “Hệ thống tự động xử lý không khí trong nhà vệ sinh” của Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu); “Máy khử khuẩn đa năng” của Trường THCS Giao Phong (Giao Thủy); “Giá treo ti vi di chuyển tự động ở trường học” của Trường THCS Tân Thành (Vụ Bản)… Đặc biệt, một số dự án có nhiều tiện ích sử dụng trong cuộc sống như: “Chế tạo túi giấy từ bẹ chuối” của Trường THPT Phạm Văn Nghị (Ý Yên); “Tách chỉ tơ từ cây chuối” của Trường THPT Tống Văn Trân; “Chế tạo máy băm dây thìa canh” của Trường THCS Hải Lộc; “Sản xuất CO2 xây dựng hệ sinh thái thuỷ cảnh” của Trường THCS Đào Sư Tích; “Đèn trang trí 3D” của Trường THPT Tống Văn Trân…

Đây là năm thứ 3, Sở GD và ĐT tổ chức Ngày hội STEM cùng với cuộc thi KHKT để mở rộng sân chơi, tạo cơ hội cho sức sáng tạo khoa học của học sinh, đồng thời có định hướng cho việc tổ chức các hoạt động STEM trong các trường phổ thông. Năm nay, số lượng dự án KHKT và sản phẩm STEM đều tăng so với năm học 2019-2020 (tăng 11 dự án KHKT; tăng 19 sản phẩm STEM). Đa số các đề tài có thuyết minh rõ ràng, đảm bảo đúng mẫu, cấu trúc thuyết minh đúng với yêu cầu của Ban tổ chức cuộc thi. Các đề tài đã đặt ra đúng câu hỏi nghiên cứu, nhiều đề tài có thuyết minh trình tự các bước một cách chi tiết, có các minh chứng kèm theo để chứng minh cho các nghiên cứu của mình. Bố cục thuyết minh hợp lý, trình bày đẹp. Poster tại gian trưng bày được trang trí công phu, kích thước và nội dung đảm bảo theo đúng quy định của cuộc thi. Nhiều đề tài ứng dụng CNTT, hệ thống nhúng, điện tử thông minh, sử dụng công nghệ mới vào việc chế tạo, đảm bảo khả năng ứng dụng cao; các sản phẩm hoạt động đúng theo nguyên lý thực tế, phù hợp khả năng của học sinh và thực tiễn địa phương nơi các em đang sinh sống và học tập. Riêng đối với các sản phẩm STEM, so với các năm học trước, các sản phẩm STEM năm nay đã có sự đầu tư và tiến bộ vượt bậc, rất đa dạng ở các lĩnh vực khác nhau. Học sinh đã biết vận dụng các kiến thức đã học vào giải thích, thiết kế, lắp đặt những sản phẩm tham gia dự thi và phần lớn các sản phẩm đều có tính ứng dụng trong thực tiễn. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao 52 giải KHKT trong tổng số 98 sản phẩm KHKT. Ban tổ chức cũng đã lựa chọn 57 sản phẩm STEM tốt nhất trong tổng số 92 sản phẩm để trao giấy chứng nhận và quyết định trao 28 Cờ thi đua cho các đơn vị có phong trào triển khai tổ chức và đạt kết quả tốt.

Việc tổ chức Ngày hội STEM và cuộc thi KHKT đã khuyến khích niềm say mê nghiên cứu khoa học cho học sinh, tạo sân chơi bổ ích khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống, góp phần đổi mới hình thức dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực của học sinh; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục để học sinh có kỹ năng quan sát, phát hiện vấn đề, biết phản biện khoa học, có đam mê trong nghiên cứu khoa học./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com