Trực Ninh xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

08:01, 29/01/2021

Qua 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, các trường mầm non huyện Trực Ninh đã huy động mọi nguồn lực cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất, trang bị đồ dùng dạy học, đồ chơi; tổ chức các hoạt động trong lớp, ngoài trời khoa học, sáng tạo…, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.

Cô và trò Trường Mầm non Trực Thanh (Trực Ninh) trong một giờ tập múa.
Cô và trò Trường Mầm non Trực Thanh (Trực Ninh) trong một giờ tập múa.

Với 5 tiêu chí: Xây dựng môi trường giáo dục, xây dựng kế hoạch giáo dục, tổ chức các hoạt động giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ và sự phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ và cộng đồng, các cơ sở giáo dục mầm non trong huyện đều làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền quy hoạch, mở rộng diện tích đất cho các trường mầm non theo quy định; giảm quy mô các điểm trường, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; tuyên truyền đến phụ huynh học sinh và nhân dân trong việc xây dựng môi trường và phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục theo quan điểm “Lấy trẻ làm trung tâm”. Toàn huyện đã quy hoạch 21 trường mầm non với 45 điểm trường; 100% số trường đều có không gian sáng - xanh - sạch - đẹp, có sân chơi ngoài trời đảm bảo an toàn. Phòng GD và ĐT tổ chức 27 lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non và chỉ đạo triển khai tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại đơn vị; tổ chức các đợt tham quan các mô hình điểm chuyên đề trong và ngoài tỉnh, đồng thời phát động, hướng dẫn triển khai tổ chức Cuộc thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục mầm non”. Cuộc thi được tổ chức nghiêm túc, đạt hiệu quả cao từ cấp trường, cấp miền đến cấp huyện; qua đó tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã tạo được hiệu ứng, hiệu quả tốt, với sự đồng thuận, quan tâm, ủng hộ của phụ huynh học sinh, của địa phương và các cấp, các ngành. Mô hình đã tạo ra môi trường học tập mở, khuyến khích trẻ tham gia hiệu quả vào các hoạt động vui chơi và trải nghiệm để phát triển toàn diện. Các trường đã tạo không gian rộng rãi, các khu vực ngoài lớp học cho trẻ hoạt động vui chơi, sinh hoạt, học tập khoa học, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi như: Sân tập thể dục, sân bóng mini, khu vực chơi “giao thông”, chơi với cát, nước, đá, sỏi, hạt muồng, đất nện…; khu vực trồng rau, trồng cây và chăm sóc cây cối, con vật nuôi; khu “vườn cổ tích”; khu trồng cỏ, trồng hoa, cây ăn quả, cây bóng mát trên sân trường…; tận dụng những mảng tường, sân chơi, hành lang, khu vực đất trống, thân cây to, khoảng trống chân cầu thang... thiết kế những hoạt động phong phú, trò chơi vận động, trò chơi dân gian, trò chơi phát triển trí tuệ, trải nghiệm làng nghề, trải nghiệm nghệ thuật, khu chăn nuôi, khu vườn ươm thực nghiệm, thư viện mở… và tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, khám phá đa dạng, bổ ích cho trẻ. Khu phát triển vận động được thiết kế liên hoàn các trò chơi vận động, có khu vực dành cho nhà trẻ và mẫu giáo, có đồ chơi theo quy định, đồ chơi do các cô giáo tự làm... Bên cạnh đó, các trường cũng chú trọng xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, cởi mở; tăng cường tổ chức các hoạt động giao tiếp tích cực, các kỹ năng cần thiết cho trẻ tại khu thực hành kỹ năng sống thông qua các hoạt động: Khu spa, tô tượng, vườn cổ tích, chợ quê… Cũng từ việc thực hiện chuyên đề, cán bộ, giáo viên các nhà trường được bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội được thực hiện thường xuyên hơn… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy, giúp trẻ phát triển theo hướng toàn diện. Toàn ngành đã huy động 11.889 trẻ đến trường, lớp, đạt 33,9% ở nhà trẻ và 97,04% ở mẫu giáo; 100% các trường tổ chức nuôi bán trú và phối hợp chặt chẽ với y tế tại địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền về tiêm chủng, theo dõi, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh theo mùa, phòng, chống dịch COVID-19 cho trẻ. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân đối với nhà trẻ còn 1,9%, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 2,95%. Ở mẫu giáo, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 3,2%, suy dinh dưỡng thấp còi còn 4,69%. Đến nay, toàn ngành có 17/21 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, 11 trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn.

Để thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, Phòng GD và ĐT huyện Trực Ninh và các trường mầm non tiếp tục tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nhằm đáp ứng tốt yêu cầu thực tế khi thực hiện chuyên đề. Ngoài việc xây dựng môi trường bảo đảm an toàn về tâm lý cho trẻ, trẻ được thường xuyên giao tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện, được phát triển vận động theo lứa tuổi…, các em còn có được môi trường trong và ngoài lớp học tích cực, giúp trẻ học mà chơi, chơi mà học. Đây cũng là cơ sở để các trường mầm non trong huyện thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục toàn diện “đức, trí, thể, mỹ” cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non hiện nay./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com