Thực hiện chương trình phối hợp liên ngành từ giữa năm 2016, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, Công an tỉnh, Ban quản lý các KCN tỉnh tiến hành xây dựng mô hình điểm “KCN Bảo Minh an toàn về an ninh trật tự”. Trong quá trình thực hiện mô hình, các đơn vị đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại KCN; tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng Công an, Công đoàn cơ sở với người sử dụng lao động các doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội cho người lao động; rà soát, bổ sung và xây dựng các nội quy về an ninh, trật tự của doanh nghiệp đồng thời đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”; kịp thời giải quyết tình hình an ninh trật tự ngay từ cơ sở, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Thông qua mô hình, tình hình an ninh trật tự trong KCN và địa bàn giáp ranh có chuyển biến tích cực. Các vụ việc giải quyết kịp thời, không để kéo dài, phức tạp; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội được đẩy mạnh;… góp phần xây dựng môi trường đầu tư an toàn, sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.
Sản xuất ở Công ty TNHH Dệt Chentai miền Bắc Việt Nam (KCN Bảo Minh). |
Từ hiệu quả và những kinh nghiệm rút ra từ mô hình điểm đầu tiên triển khai ở KCN Bảo Minh, mô hình “Khu, CCN an toàn về an ninh trật tự” đã được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã có 5/11 LĐLĐ các huyện, thành phố và Công đoàn các KCN đã xây dựng được mô hình điểm “Khu, CCN an toàn về an ninh trật tự” và triển khai thực hiện hiệu quả. Điển hình như năm 2020, LĐLĐ các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng đã chủ động phối hợp với Công an và Trung tâm phát triển CCN huyện tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huyện triển khai xây dựng mô hình an toàn về an ninh trật tự tại các CCN trên địa bàn huyện. Đó là mô hình điểm “CCN Đồng Côi an toàn về an ninh trật tự” (thuộc địa bàn thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) thu hút 32 doanh nghiệp tham gia; mô hình điểm “CCN Nghĩa Sơn an toàn về an ninh trật tự” (thuộc địa bàn xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng) thu hút 7 doanh nghiệp tham gia. Các mô hình đều thành lập Ban chỉ đạo, Tổ tự quản đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ ở cơ sở, Quy ước xây dựng “CCN an toàn về an ninh trật tự” và tổ chức ký giao ước thi đua giữa các doanh nghiệp trong cụm. Mô hình đã huy động được các cơ quan, đoàn thể và các doanh nghiệp cùng vào cuộc đảm bảo an ninh trật tự tại các CCN và khu vực giáp ranh; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, CNVCLĐ và hiệu quả hoạt động của lực lượng bảo vệ doanh nghiệp; củng cố các nội quy, quy định của doanh nghiệp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Thông qua việc xây dựng mô hình đã nâng cao nhận thức của các chủ doanh nghiệp về trách nhiệm trong công tác bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn đồng thời có sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong CCN, trong cùng địa bàn trong việc giữ gìn an ninh trật tự. Việc đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và triển khai mô hình “CCN an toàn về an ninh trật tự” đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn: Các khu, CCN không để xảy ra trọng án, số vụ phạm pháp hình sự và vi phạm pháp luật giảm so với thời gian trước; hiệu lực quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an ninh trật tự được nâng cao nhất là về phòng chống cháy nổ, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phong trào bảo vệ an ninh trật tự theo hướng “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” được đẩy mạnh...; từ đó tạo môi trường an toàn để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
Cùng với việc chỉ đạo xây dựng mô hình, để thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động về đảm bảo an ninh trật tự cũng như ý thức chấp hành các quy định của địa phương, nội quy quy chế của doanh nghiệp; nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Trong năm qua, các cấp Công đoàn đã tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền, trong đó LĐLĐ tỉnh đã tổ chức và phối hợp với Công an tỉnh, Ban ATGT tỉnh tổ chức 15 hội nghị tuyên truyền về pháp luật lao động và phòng, chống ma túy, pháp luật về ATGT cho trên 2.700 công nhân lao động. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động định kỳ tổ chức hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc theo quy định. Trong năm qua, đã có 77,7% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động, 303 doanh nghiệp xây dựng và ban hành quy chế đối thoại định kỳ, 138 doanh nghiệp tổ chức đối thoại với 231 cuộc đối thoại trong đó có 5 cuộc đối thoại đột xuất..., góp phần hài hòa giữa quyền lợi giữa người lao động và các doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp hoạt động giữa Công an và Công đoàn các cấp trong việc triển khai thực hiện mô hình phong trào. Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh làm nòng cốt thực hiện phong trào. Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các doanh nghiệp thuộc CCN xây dựng mới cũng như nhân rộng mô hình “Khu, CCN an toàn về an ninh trật tự” trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Thu Thủy