Để góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên thời gian qua, Hội Phụ nữ xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) đã thành lập mô hình “Tổ phụ nữ liên kết trồng hoa” với 30 thành viên. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, “Tổ phụ nữ liên kết trồng hoa” đã phát huy được hiệu quả tích cực trong việc bồi dưỡng kiến thức trồng trọt, hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn, tìm đầu ra cho sản xuất…
Hội viên phụ nữ xã Mỹ Tân chăm sóc hoa trên những cánh đồng. |
Về thôn Hồng Hà 2, chúng tôi gặp chị Trần Thị Hậu, thành viên “Tổ phụ nữ liên kết trồng hoa” xã Mỹ Tân đang cắt hoa cúc chuẩn bị cho phiên chợ hôm sau. Từ khi tham gia “Tổ phụ nữ liên kết trồng hoa”, chị đã học hỏi được nhiều kiến thức có ích; được tổ tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi; chia sẻ kinh nghiệm trồng, cách cắt tỉa hoa cho đến các phương thức sản xuất an toàn. Đặc biệt, các thành viên được hướng dẫn kỹ quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sao cho đỡ tốn tiền thuốc, công phun, mà vẫn hiệu quả lại không gây ô nhiễm môi trường... Còn với chị Trần Thị Kéo, trồng hoa cũng đã được hơn chục năm nay nhưng mỗi khi vào vụ thu hoạch, gia đình chị vẫn loay hoay tìm mối để tiêu thụ. Tuy nhiên từ khi tham gia vào Tổ liên kết, chị được giới thiệu đến một số đại lý thu mua và các nhà lạnh bảo quản hoa nên không còn phải lo lắng mỗi khi hoa “ế” hàng. “Nếu không mang đi bán lẻ được thì tôi lại nhập cho các đại lý hoặc gửi vào các nhà lạnh bảo quản, chờ khi được giá trở lại sẽ mang bán. Đây là lợi ích thiết thực nhất khi chúng tôi tham gia vào Tổ phụ nữ liên kết”, chị Kéo phấn khởi cho biết. Có kinh nghiệm trồng hoa gần 20 năm nên khi được Hội Phụ nữ xã vận động tham gia “Tổ phụ nữ liên kết trồng hoa”, chị Đỗ Thị Tuyền nhận lời ngay. Chị chia sẻ: “Tham gia vào Tổ liên kết, được các chuyên gia nông nghiệp phổ biến nhiều kiến thức phòng trừ sâu bệnh cho cây hoa, tôi đã khắc phục được một số bệnh thường gặp, đặc biệt là bệnh lở cỗ rễ do nấm trong đất xâm nhập vào cổ rễ phần sát mặt đất gây thối rễ, héo lá, là nguyên nhân chính gây mất mùa cho ruộng hoa cuả tôi 3 năm trước”… Hạn chế được sâu bệnh, 4 sào cúc của gia đình chị Tuyền hiện nay cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các vụ trước. Nếu trước đây 1 sào cúc của chị Tuyền chỉ cho thu về khoảng 30-35 triệu đồng/vụ, thì nay áp dụng các phương pháp trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh mới, trung bình 1 sào cúc của chị đã cho thu nhập tăng thêm khoảng 3-5 triệu đồng/vụ.
Nghề trồng hoa của xã Mỹ Tân tập trung ở 2 thôn là Hồng Hà 1 và Hồng Hà 2. Tại 2 thôn này hiện có 150 hộ trồng hoa, gồm các loại: cúc, ly, hồng, đồng tiền, thược dược... cung cấp cho thị trường thành phố Nam Định và các huyện lân cận. Hội viên phụ nữ ở 2 chi hội chủ yếu trồng hoa theo kiểu tự mày mò học hỏi, từ kinh nghiệm cá nhân, chưa có sự liên kết giữa các hộ gia đình. Để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm, đặc biệt là giúp hội viên nâng cao kiến thức trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiến tới cùng nhau xây dựng thương hiệu hoa Mỹ Tân, tháng 3-2019 Hội Phụ nữ xã Mỹ Tân đã thành lập mô hình “Tổ phụ nữ liên kết trồng hoa” tại 2 chi hội Hồng Hà 1 và Hồng Hà 2, thu hút 30 thành viên. Tham gia vào tổ phụ nữ liên kết, các thành viên được truyền thông kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm trong trồng trọt; trao đổi, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, vật tư phân bón trong sản xuất; chia sẻ các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm hàng hóa theo hướng sản xuất tập trung, an toàn và hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm… Các thành viên trong tổ thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt do xã, huyện tổ chức. Đặc biệt năm 2020, sau khi được Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, khuyến khích, các thành viên trong “Tổ phụ nữ liên kết trồng hoa” cũng là những người tiên phong đưa giống hoa cúc kép về trồng. Giống hoa cúc kép có các ưu điểm vượt trội so với hoa cúc truyền thống: hoa đẹp và bền màu hơn; thời gian tươi lâu, ít sâu bệnh. Vì vậy, cây hoa cúc kép mang lại hiệu quả kinh tế cao; mỗi sào cúc kép thường cho thu nhập 50 triệu đồng/vụ, cao gấp khoảng 1,5 lần so với trồng hoa cúc truyền thống. Từ hiệu quả kinh tế trồng cây hoa cúc kép của các thành viên trong tổ, nhiều hộ gia đình trồng hoa cúc ở xã Mỹ Tân cũng đã chuyển hướng trồng và nhân rộng. Để hỗ trợ các thành viên trong tổ phát triển nghề trồng hoa, Hội Phụ nữ xã còn đứng ra tín chấp hỗ trợ cho những gia đình hội viên còn khó khăn về vốn được vay qua các kênh: Ngân hàng CSXH, Quỹ TYM, Quỹ Nước sạch, Ngân hàng Bưu điện… để đầu tư mua cây, hạt giống, các thiết bị, lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Theo đó, trên 90% thành viên trong tổ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng để đầu tư cho sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như chị Đỗ Thị Dỡ, có 6 sào hoa cúc và hoa hồng, hiện vay qua các kênh Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Bưu điện trên 100 triệu đồng; chị Đinh Thị Hồng, diện tích trồng hoa trên 1,5 mẫu vay vốn của Ngân hàng CSXH và Quỹ Nước sạch gần 100 triệu đồng…
Các loại hoa từ Mỹ Tân hiện ngày càng được thị trường ưa chuộng. Nghề trồng hoa đang mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây. Hiện toàn xã đã mở rộng diện tích trồng hoa lên 94ha, bình quân mỗi sào hoa mang lại cho người dân thu nhập từ 30-35 triệu đồng/vụ. Việc thành lập mô hình “Tổ phụ nữ liên kết trồng hoa” góp phần định hướng sản xuất, phù hợp trong việc xây dựng đề án mỗi xã một sản phẩm, giúp hội viên chủ động hơn trong sản xuất và đem lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng chuẩn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương. Thông qua việc thực hiện mô hình, không chỉ tạo điều kiện cho chị em hội viên đoàn kết giúp nhau trong phát triển kinh tế, mà còn giúp thay đổi tập quán sản xuất truyền thống chuyển dần sang hướng bền vững, an toàn./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên