Nhằm giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa cho môi trường tự nhiên và sức khoẻ con người, thực hiện các chương trình hành động, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã chủ động rà soát thực trạng, xác định lộ trình, các vấn đề trọng điểm cần ưu tiên giải quyết trong quản lý, xử lý chất thải nhựa. Đó là các vấn đề: đa số người dân vẫn giữ thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày (cốc, ống hút, hộp xốp, túi nilon... khó phân hủy); tình trạng vứt bừa bãi rác thải sinh hoạt còn lẫn rác thải nhựa ra vệ đường giao thông, bãi đất trống ven đê và các tuyến sông kênh, biển; tỷ lệ phân loại chất thải nhựa tại nguồn rất thấp; hoạt động tái chế nhựa đã bước đầu phát triển nhưng hiệu quả thấp, chất lượng không cao do đa số các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ thô sơ, lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do khói bụi tái chế...
Rác thải nhựa trôi dạt ven biển xã Giao Hải (Giao Thủy). |
Các ngành, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về các loại đồ dùng sinh hoạt sử dụng vật liệu thân thiện, có khả năng phân hủy, không gây hại cho môi trường, phổ biến nhất là các loại túi thân thiện góp phần từng bước hạn chế sử dụng sản phẩm nilon trong sinh hoạt hàng ngày; nhất là khi đi mua sắm tại các siêu thị, các trung tâm thương mại nhiều người dân đã tích cực sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường, túi sử dụng nhiều lần. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các địa phương thành lập mô hình "Chi hội Phụ nữ chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường", huy động hội viên phụ nữ trở thành lực lượng nòng cốt, gương mẫu đi đầu trong việc nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế sử dụng túi nilon bằng việc sử dụng túi vải, làn nhựa khi đi chợ và tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động dọn vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại và đổ rác thải, trong đó có rác thải nhựa đúng nơi quy định. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh, Sở Y tế đã tổ chức ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa với các đơn vị y tế trực thuộc. Trong đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế phải ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa; phải hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế và tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn; tiến tới thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng; phấn đấu chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và nilon khó phân hủy… Để xử lý tình trạng vứt bỏ chất thải nhựa bừa bãi ra ngoài môi trường, các địa phương chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh thu vớt, dọn dẹp rác thải nhựa; tăng cường giám sát, xử lý vi phạm vứt túi nilon, rác thải nhựa bừa bãi ra các tuyến đường giao thông, bãi đất trống, các tuyến sông, kênh; thành lập tổ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn; triển khai thực hiện thu gom, bố trí nơi lưu giữ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường; hợp đồng với các đơn vị chức năng xử lý rác thải nhựa theo quy định. Nhằm giảm lượng chất thải nhựa ra ngoài môi trường các địa phương đã tăng cường vận động người dân thực hiện phân loại rác ngay tại các hộ gia đình; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành khu xử lý rác thải bằng lò đốt. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo các giải pháp thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế rác thải, trong đó có rác thải nhựa theo công nghệ tiên tiến, hiện đại; đồng thời quan tâm hỗ trợ các cơ sở sản xuất tái chế nhựa quy mô nhỏ khắc phục các nhược điểm của công nghệ thô sơ lạc hậu giảm thiểu tác hại cho môi trường. Tiêu biểu như mô hình xử lý khí thải độc hại trong sản xuất nhựa bằng công nghệ thu gom, hấp thụ các khí độc như CO, SO2, Vinylclorua... phát sinh ra ngoài môi trường trong quá trình sản xuất nhựa đã được chuyển giao hiệu quả cho nhiều cơ sở sản xuất nhựa trên địa bàn thành phố Nam Định, huyện Nghĩa Hưng, một số hộ sản xuất, tái chế nhựa tại làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) và các tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Dương…
Hiện nay, các ngành, các địa phương của tỉnh đang phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thực hiện dự án “Thí điểm quản lý rác thải đô thị theo dòng chảy từ sông ra biển nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở tỉnh Nam Định, Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng, Việt Nam”. Dự án hướng tới hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan chính quyền và nâng cao nhận thức của 109 nghìn người dân có sinh kế, sức khỏe phụ thuộc vào sông và biển tại 4 phường, xã ven sông Đào thuộc địa phận thành phố Nam Định, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), cửa Ba Lạt (Giao Thủy). Theo đó, dự án thiết kế và thử nghiệm một số mô hình thu gom và xử lý chất thải rắn từ các tuyến đường thủy và cửa sông, tài liệu hóa hiệu quả về mặt chi phí của các mô hình này cũng như những bài học rút ra trong quá trình thực hiện, từ đó giúp tỉnh tìm ra những cách tiếp cận thực tế, sáng tạo để cải thiện công tác quản lý chất thải rắn nói chung, rác thải nhựa nói riêng hiện nay; giảm tốc độ ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng tăng tại các tuyến đường thủy trong khu vực, đặc biệt là tuyến sông Hồng./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy