Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 cơ sở điều trị và 1 cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại trung tâm y tế các huyện: Giao Thuỷ, Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh, Thành phố Nam Định, Trung tâm cai nghiện huyện Nam Trực, Trung tâm Bảo trợ và phòng chống tệ nạn xã hội huyện Giao Thuỷ, Phòng khám Đại Đồng huyện Giao Thuỷ và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Các cơ sở này hiện đang điều trị cho hơn 1.900 người nghiện chất dạng thuốc phiện; trong đó, tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh có 680 bệnh nhân, Phòng khám Đại Đồng huyện Giao Thuỷ có 255 bệnh nhân, Trung tâm Y tế huyện Xuân Trường 252 bệnh nhân, Trung tâm Bảo trợ và phòng chống tệ nạn xã hội huyện Giao Thuỷ 234 bệnh nhân, Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu 204 bệnh nhân...
Trong bối cảnh khó khăn về nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng tỉnh ta đã có nhiều phương pháp hay, cách làm sáng tạo, đổi mới trong công tác điều trị Methadone. Sau 10 năm điều trị Methadone cho người nghiện ma túy, chương trình được đánh giá đem lại hiệu quả nhiều mặt cho người nghiện, gia đình của họ và cộng đồng xã hội; góp phần khống chế dịch HIV/AIDS, bảo đảm an ninh trật tự và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Bệnh nhân Vũ Văn H. hiện đang điều trị Methadone tại Trung tâm Cai nghiện huyện Nam Trực cho biết, từ khi điều trị cai nghiện ma tuý bằng Methadone, tôi thấy người khỏe, tăng cân, đầu óc thoải mái, không còn bị vật vã vì những cơn thèm thuốc như trước. Bác sĩ Nguyễn Quang Trung, Phòng khám chuyên khoa HIV và điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Trong chương trình điều trị, người cai nghiện phải đến các cơ sở điều trị hàng ngày để uống Methadone. Liều lượng thuốc sẽ do bác sĩ quyết định tùy theo nhu cầu của bệnh nhân. Vì Methadone có thể nguy hiểm khi bắt đầu bằng liều lượng cao, nên bác sĩ thường cho liều thấp và sau đó tăng liều lượng cho tới khi đạt mức thích hợp cho người cai. Người cai nghiện sẽ ổn định sau khi đạt được liều lượng thích hợp và phải gặp bác sĩ thường xuyên để điều chỉnh thuốc sao cho không bị vã thuốc hoặc không dùng liều quá cao. Thông thường phải sau một vài tuần người cai nghiện mới cảm thấy thoải mái và quen dần với việc điều trị bằng Methadone.
Tư vấn cho bệnh nhân trước khi điều trị tại Phòng khám chuyên khoa HIV và điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. |
Để việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đạt hiệu quả cao, các cơ sở điều trị Methadone đã phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của việc điều trị bằng Methadone; vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc giúp người bệnh điều trị, hồi phục chức năng để nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị tăng cường tư vấn, giáo dục bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trước, trong quá trình điều trị. Năm 2018 và 2 tháng đầu năm 2019, các cơ sở điều trị Methadone trong tỉnh đã tổ chức trên 550 buổi tư vấn nhóm, gần 700 buổi giáo dục nhóm thu hút hàng nghìn lượt bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tham gia. Nhờ đó, hầu hết bệnh nhân sau khi được tư vấn, giáo dục, vận động tham gia điều trị bằng Methadone đều chấp hành tốt phác đồ điều trị; đã chuyển sang giai đoạn điều trị theo liều duy trì, có sự cải thiện về sức khỏe, tâm lý ổn định, giao tiếp tự tin, tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều người đã từ bỏ được ma túy, đi học nghề, tìm được việc làm và có thu nhập ổn định để giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế. Theo thống kê của các cơ sở điều trị, số bệnh nhân tham gia tuân thủ điều trị đạt 90%, tỷ lệ bệnh nhân còn sử dụng hêrôin trong 6 tháng đầu khi tham gia điều trị là 48%, sau 6 tháng điều trị giảm còn 12% và sau 12 tháng điều trị tỷ lệ này chỉ còn 9%. Sức khỏe thể chất, tinh thần của bệnh nhân được nâng cao rõ rệt.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay chương trình điều trị Methadone đang gặp khó khăn về nguồn lực, nhận thức. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy diễn ra ở một số địa phương; công tác tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy tham gia chương trình chưa được triển khai sâu rộng dẫn đến kết quả còn hạn chế. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế chủ động phối hợp với các Bộ: Công an, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về cai nghiện, điều trị nghiện ma túy trong quá trình sửa đổi bổ sung các Luật: HIV/AIDS, phòng, chống ma túy, xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực tổ chức, thực hiện chương trình; bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị; chỉ đạo việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của chương trình; chủ động cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến chương trình cho các cơ quan truyền thông. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền về lợi ích của điều trị Methadone đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện, thường xuyên rà soát, phát hiện và vận động người nghiện đăng ký tham gia điều trị Methadone. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở điều trị Methadone tăng cường quản lý bệnh nhân tại địa bàn cư trú; quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho bệnh nhân hòa nhập cộng đồng, giải quyết việc làm ổn định để cải thiện cuộc sống. Tổ chức tốt việc tiếp nhận bệnh nhân bảo đảm đủ chỉ tiêu theo quy định; bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc Methadone, hoàn thành triển khai phần mềm liên thông quản lý bệnh nhân điều trị theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Tăng cường phối hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện hiệu quả chương trình điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh; có biện pháp hỗ trợ cải thiện điều kiện làm việc và chế độ chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức, người lao động tại các cơ sở điều trị Methadone./.
Bài và ảnh: Minh Thuận