Từ năm 2014 đến nay, “đến hẹn lại lên”, tháng tư được người yêu sách trên cả nước náo nức chờ đón bởi đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa hưởng ứng Ngày sách Việt Nam.
Sôi nổi tại các địa phương
Chiều 5-4, tại khu vực Công viên hồ điều hòa Văn Miếu (Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), hàng trăm học sinh, sinh viên đã hào hứng tham dự tọa đàm “Bạn có đọc sách đúng cách”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày sách Việt Nam 2019 với chủ đề “Sách - nguồn tri thức vô tận” do UBND tỉnh tổ chức. Nhiều câu hỏi thú vị đã được các bạn trẻ nêu ra như: cách chọn sách như thế nào cho hiệu quả, làm thế nào để giúp các học sinh yêu thích môn Sử, các kỹ năng cần có khi đọc sách...? Diễn ra trong 3 ngày, từ 5 đến 7-4, Ngày sách Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh diễn ra nhiều hoạt động phong phú như: trao tặng sách, trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách, tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm, trao đổi về sách, ngày hội Stem...
Độc giả nhí tại lễ hội Đường sách ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019. |
Không chỉ ở tỉnh Bắc Ninh, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam cũng bắt đầu diễn ra sôi nổi, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tại tỉnh Bình Dương, ngay từ tháng 3, Ngày sách đã lan tỏa đến các trường học dưới nhiều hình thức thiết thực như: phát động phong trào đọc sách trong học đường, thi vẽ tranh, kể chuyện theo sách, ủng hộ sách vở cho các trường học vùng khó khăn, thi trưng bày sách đẹp, giới thiệu cuốn sách yêu thích... Tại Hà Nội, từ ngày 4-4 thư viện Quân đội đã tổ chức Tuần lễ Văn hóa đọc 2019 gồm nhiều hoạt động: triển lãm, trưng bày sách báo với chủ đề “Hành trang người chiến sĩ”, tọa đàm, giao lưu “65 năm - Bản hùng ca Điện Biên” và “Bí quyết khai thác mỏ vàng trong những cuốn sách”... Tại tỉnh Hà Tĩnh, Ngày sách Việt Nam 2019 sẽ được tổ chức từ 18 đến 21-4 với các hoạt động tiêu biểu như: tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, trưng bày, giới thiệu những cuốn sách có giá trị,...
Nhìn lại một chặng đường
Từ năm 2014, Quyết định số 284/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó ngày 21-4 chính thức được chọn là Ngày sách Việt Nam. Đây không chỉ là niềm vui của giới xuất bản và những người yêu sách mà còn góp phần khẳng định vai trò, ý nghĩa của sách trong đời sống cộng đồng. Qua mỗi năm tổ chức, Ngày sách Việt Nam ngày càng phát huy sức lan tỏa mạnh mẽ và thật sự trở thành một hoạt động văn hóa có ý nghĩa. Hàng nghìn tủ sách đã được xây dựng trên khắp cả nước. 63/63 tỉnh, thành phố đều tổ chức Ngày sách với nhiều hoạt động thiết thực, giúp lan tỏa những giá trị của sách và khuyến khích xây dựng một xã hội học tập. Hệ thống thư viện công cộng tại nhiều tỉnh, thành phố đã có những chuyển biến tích cực trong cách thức hoạt động như: nâng cấp phần mềm quản lý thư viện, số hóa sách, phát triển sách nói phục vụ người khiếm thị, tổ chức những chuyến xe lưu động đưa sách về các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo để phục vụ nhân dân...
Tham gia Ngày sách không chỉ có ngành thư viện mà còn thu hút sự nhập cuộc của nhiều ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội... Các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào đọc sách, lan tỏa giá trị của sách được tiếp tục nhân rộng. Tiêu biểu như tỉnh Thanh Hóa, phong trào đọc sách đã được phát động trong 100% trường học. Hoặc ở tỉnh Quảng Trị, mạng xã hội đã được sử dụng hiệu quả để phục vụ công tác tuyên truyền Ngày sách. Từ năm 2015, chương trình sách hóa nông thôn của tỉnh đã xây dựng được 63 tủ sách lớp học với hơn 5.000 đầu sách từ các nguồn xã hội hóa. Tại tỉnh Nam Định, Đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định đã có sáng kiến tổ chức Trạm đọc tại các giảng đường, hành lang lớp học để phục vụ tốt nhất nhu cầu đọc của sinh viên. Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội cho biết đang nghiên cứu để đăng ký trở thành Thủ đô sách thế giới vào năm 2022.
Trên đây là những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ, cho thấy một chủ trương đúng đắn đã phát huy hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, để Ngày sách Việt Nam không chỉ dừng lại như một hoạt động có tính mùa vụ mà phải thật sự trở thành một phong trào rộng khắp, góp phần thay đổi nhận thức, tư duy, hành động của cộng đồng. Thiết nghĩ mỗi cá nhân, tổ chức cần không ngừng có những sáng kiến, giải pháp mang tính ứng dụng cao để sách luôn hiện diện trong đời sống hàng ngày như một giá trị không thể thay thế./.
Thi Phong