Chiếm khoảng 25% dân số, học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng quan trọng của bảo hiểm y tế (BHYT). Trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT, học sinh, sinh viên cũng là một trong những nhóm đối tượng đầu tiên được định hướng bao phủ BHYT vì mục tiêu BHYT toàn dân. Thực hiện tốt chính sách BHYT học sinh, sinh viên còn góp phần định hình nhân cách sống tốt đẹp cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Trong nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hình thức tự nguyện, đối tượng học sinh, sinh viên với tỷ lệ duy trì khá ổn định chiếm khoảng 25% dân số được quan tâm và đưa vào là một trong những nhóm đối tượng cần được triển khai trước nhằm tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT. Mặt khác, thực hiện BHYT học sinh, sinh viên còn có tác động mạnh mẽ tới việc xây dựng, hoàn thiện, đổi mới cơ chế tài chính và hiệu quả hoạt động cho hệ thống y tế trường học vốn chưa được quan tâm đúng mức, từ đó dẫn đến hệ lụy các bệnh về học đường gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập của học sinh, sinh viên.
Từ năm 1992 đến 2005, Điều lệ BHYT đã ba lần được sửa đổi, thay thế để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách cũng như công tác quản lý, điều hành. Sau 15 năm thực hiện chính sách BHYT, nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển BHYT trong tình hình mới, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, ngày 14-11-2008, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Bảo hiểm Y tế (có hiệu lực từ ngày 1-7-2009). Đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, Luật quy định lộ trình thực hiện từ tự nguyện chuyển sang đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, theo đó, từ ngày 1-10-2010, học sinh, sinh viên trở thành nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT.
Sau 4 năm, Luật Bảo hiểm Y tế đã thật sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả cơ bản đã đạt được vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do thực tế nảy sinh, do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Ngày 13-6-2014, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015). Theo đó, trong lộ trình thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân, học sinh, sinh viên với tỷ lệ khá ổn định chiếm khoảng 25% dân số cả nước, tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT.
Với mục tiêu đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân để mọi người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thông qua BHYT, đặc biệt là việc bảo đảm để thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, trên cơ sở Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29-11-2013 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, ngày 28-6-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, theo đó, đến hết năm 2016, cả nước phấn đấu đạt 79% dân số tham gia BHYT (sáu tháng đầu năm đã đạt 78,2%, khoảng 72 triệu người); đến hết năm 2020, đạt 90% dân số tham gia BHYT, cao hơn 10% so với chỉ tiêu mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã đề ra. Riêng đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt: “Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên, đảm bảo đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trong toàn quốc tổ chức thực hiện pháp luật về bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên”. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ đối với việc thực hiện pháp luật BHYT nói chung và pháp luật BHYT đối với nhóm học sinh, sinh viên - thế hệ tương lai của đất nước nói riêng.
Hệ thống quy định pháp luật đầy đủ, chủ trương, định hướng của Đảng về BHYT là nhất quán, chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác BHYT nói chung và BHYT học sinh, sinh viên nói riêng rất rốt ráo và quyết liệt, tuy nhiên còn nhiều thách thức đặt ra đối với việc hoàn thành bao phủ BHYT đến 100% học sinh, sinh viên vào năm 2017, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cơ sở, các ngành chức năng, trong đó đặc biệt lưu ý vai trò của ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội và Bảo hiểm Y tế, cần phối hợp chặt chẽ trong tổ chức, triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động để học sinh, sinh viên nhận thức đúng ý nghĩa của BHYT vẫn là giải pháp quan trọng nhất, trong đó phải đặc biệt gắn quyền lợi và trách nhiệm thực hiện pháp luật của công dân đối với mỗi học sinh, sinh viên.
Thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên của chúng ta hôm nay là những người có trình độ, nhận thức nhanh nhạy, cầu thị, tiến bộ, nếu nhà trường và cơ quan Bảo hiểm Xã hội, cơ quan y tế tổ chức đối thoại, trao đổi trực tiếp với các em để lắng nghe những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của các em, đồng thời tuyên truyền, vận động để các em nhận thức đầy đủ rằng, tham gia BHYT trước hết là trách nhiệm bảo đảm sức khỏe đối với chính bản thân của mỗi người và sau đó là trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng, xã hội. Lứa tuổi thanh niên, học sinh, sinh viên càng cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho mình, bởi có sức khỏe tốt thì mới có thể phát triển toàn diện về trí lực và thể chất, nhân cách. Ai cũng có thể có lúc bị ốm đau, bệnh tật, thậm chí tai nạn bất ngờ, không lường trước được, nếu không có sự chia sẻ, hỗ trợ từ quỹ BHYT thì gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh sẽ là rất lớn đối với nhiều gia đình. Tham gia BHYT chính là cơ chế “bảo đảm an toàn” cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng xã hội khi gặp rủi ro về sức khỏe. Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đã có nhiều trường hợp học sinh, sinh viên không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn… được quỹ BHYT chi trả từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi đợt điều trị, không ít trường hợp được thanh toán khoảng một tỷ đồng mỗi năm.
Cũng theo các báo cáo từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, kinh phí trích lại từ BHYT cho y tế học đường lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm đang là nguồn kinh phí chủ yếu cho hoạt động của y tế nhà trường, góp phần quan trọng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên. Như vậy, hiểu đúng ý nghĩa của BHYT, tích cực thực hiện trách nhiệm tham gia BHYT, học sinh, sinh viên sẽ học được cách chia sẻ, đồng cảm với những người không may gặp rủi ro về sức khỏe chung quanh chúng ta và có thể đó là bạn bè, anh em gần gũi với chúng ta, từ đó góp phần định hình nhân cách sống tốt đẹp của thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước - một thế hệ không chỉ biết sống có trách nhiệm với bản thân mình mà còn sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội./.
Tiến sĩ BÙI SỸ LỢI
Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Theo nhandan.com.vn