Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh - Nơi ươm mầm tài năng

07:03, 25/03/2019

Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phát động triển khai từ năm 2013. Qua 6 năm tổ chức, cuộc thi đã khẳng định vai trò tích cực trong việc phát huy, khơi dậy tiềm năng tư duy sáng tạo của thanh, thiếu niên, nhi đồng. Việc tham gia cuộc thi khuyến khích các em tự học tập, trau dồi kiến thức, rèn luyện các kỹ năng cần thiết như tư duy độc lập, làm việc theo nhóm, vận dụng kiến thức được học trong thực tiễn, thực hiện ước mơ chinh phục đỉnh cao tri thức.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh (Thành phố Nam Định) tham quan mô hình
Học sinh Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh (Thành phố Nam Định) tham quan mô hình "Thiết bị lọc nước biển thu nước ngọt bằng năng lượng mặt trời" đạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VI năm 2018.

Bước sang năm thứ 6 tổ chức, cuộc thi đã thu hút một lượng lớn học sinh ở lứa tuổi tiểu học, bậc học nhỏ nhất tham dự. Trong tổng số 29 giải pháp xuất sắc được trao giải có tới 5 giải pháp của 11 tác giả ở lứa tuổi tiểu học (từ 9 đến 11 tuổi), lứa tuổi vốn vẫn được coi là “ăn chưa no, lo chưa tới”. Điều đáng ghi nhận là các mô hình, giải pháp dự thi của các em bắt nguồn từ việc muốn tìm ra giải pháp giảm bớt vất vả cho ông bà, cha mẹ, thầy cô hay các bạn nhỏ khó khăn trong sinh hoạt, học tập hàng ngày. Chẳng hạn “Mô hình toán học” của các em: Trần Trung Kiên, Nguyễn Thị Phương Anh, học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Hải Xuân (Hải Hậu) đã sử dụng bìa catton cắt thành những con số, thanh dấu và trang trí màu sắc đẹp mắt minh họa các phép tính trong chương trình tiểu học để học sinh dễ dàng nhận biết và học tốt môn Toán. Mô hình “Sa bàn giao thông” của nhóm tác giả Nguyễn Duy Thắng, Nguyễn Khánh Ngọc, Hồ Ngọc Đăng, Trần Văn Dũng, Nguyễn Tài Nhật Duy ở Trường Tiểu học Lê Lợi, xã Thành Lợi (Vụ Bản) được hình thành từ trăn trở của các em mỗi ngày đến trường bởi trường học nằm gần đường sắt Bắc Nam và đường quốc lộ, giao thông phức tạp, nên thường trực nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đe dọa an toàn của học sinh. Nhóm các em đã nghiên cứu xây dựng mô hình sa bàn giao thông để làm dụng cụ học tập cho phần thực hành về “An toàn giao thông” trong nhà trường. Mô hình đã tái hiện hiện trạng giao thông liên quan đến khu vực trường học với đầy đủ các biển báo, đèn tín hiệu giao thông và xây dựng các hướng tuyến tới trường của học sinh, từ đó hướng dẫn hướng lộ trình đi phù hợp, đảm bảo đúng các quy định về an toàn giao thông. Mô hình này được thiết kế kết nối điều khiển qua điện thoại để cảnh báo những học sinh đi sai Luật Giao thông đường bộ khi thực hành, rèn thói quen để đi đúng luật khi ra đường. Hay như mô hình “Ngôi nhà thông minh” của em Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 5A4, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (Thành phố Nam Định) chính là món quà tấm lòng của Ngọc dành cho bà nội. Hàng ngày chứng kiến bà nội đã già yếu rất khó khăn trong việc bật tắt các bóng điện chiếu sáng trong nhà khi cần đi lại. Ngọc muốn tìm cách điều khiển bật, tắt bóng điện từ xa để bà không phải vất vả di chuyển đến tận nơi có công tắc cố định. Giải pháp “Ngôi nhà thông minh” đã ra đời với thiết kế gắn mạch điện điều khiển các thiết bị đèn chiếu sáng của ngôi nhà với điện thoại di động để người sử dụng dễ dàng điều khiển, bật tắt từ xa, tiện dụng cho các em nhỏ, người già yếu, người khuyết tật vận động. Mặc dù các sản phẩm, ý tưởng của học sinh tiểu học chưa đạt giải cao nhưng những thành công ban đầu này là động lực quan trọng để các em nuôi dưỡng tư duy sáng tạo của mình trong các cấp học cao hơn.

Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng năm 2018 đã thu hút sự tham gia của học sinh cả 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với gần 50 mô hình, sản phẩm đăng ký dự thi ở 5 lĩnh vực gồm: Đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Ban tổ chức cuộc thi căn cứ vào các tiêu chí quy định lựa chọn được 29 mô hình, sản phẩm để trao giải; trong đó có 3 giải nhất, 5 giải nhì, 9 giải ba, 12 giải khuyến khích. Các giải pháp đạt giải đều đảm bảo tính mới, tính sáng tạo, biết vận dụng tổng hợp kiến thức đã học trong nhà trường đạt mục tiêu ứng dụng khoa học để cải tiến, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hạn chế phát sinh trong quá trình học tập, đời sống lao động hàng ngày. Tìm hiểu các sản phẩm đạt giải tại cuộc thi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và khâm phục sự sáng tạo của tác giả. Bằng trí tưởng tượng phong phú, các em đã biết tận dụng, tái chế đồ phế liệu để chế tạo ra những sản phẩm vừa đẹp mắt và có tính ứng dụng cao. Ba giải pháp được Ban tổ chức trao giải Nhất đều đáp ứng được các tiêu chí thân thiện với môi trường, tiện ích và mang tính ứng dụng cao gồm: Chế tạo màng bọc thực phẩm đa năng thân thiện với môi trường thay thế túi nilon từ vật liệu 3D-Nano-Cellulose và Berberin của các tác giả Nguyễn Hải Đăng, Phạm Thùy Dung, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến (Thành phố Nam Định); Nghiên cứu và chế tạo bếp lửa thông minh 3T dùng trong hộ gia đình của các tác giả Trần Hoàng Anh, Trần Thị Hồng Trâm, Trường Trung học cơ sở Kim Thái (Vụ Bản); Thiết kế ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời, tác giả Ngô Việt Cường, học sinh Trường Trung học phổ thông Tống Văn Trân (Ý Yên)… Giải pháp chế tạo màng bọc thực phẩm đa năng thân thiện với môi trường thay thế túi nilon từ vật liệu 3D-Nano-Cellulose và Berberin của học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến (Thành phố Nam Định) là công trình vận dụng kiến thức môn Hóa học đưa ra quy trình, công nghệ sản xuất màng bọc, bảo quản thực phẩm bằng vật liệu đa chức năng tạo ra từ vi khuẩn A.xylinum ở các môi trường dinh dưỡng khác nhau (cao nấm men, nước dừa già, nước vo gạo) được hấp thụ Berberin. Sản phẩm màng bọc thực phẩm đa năng có tính ổn định cao, tính kháng khuẩn tốt hơn hẳn so với nhiều sản phẩm màng bọc đang có trên thị trường. Ngoài tính năng dùng làm màng bọc thực phẩm, sản phẩm này còn có thể dùng làm túi nilon hữu cơ thay thế cho các sản phẩm nhựa tái chế khác. Hơn thế, sản phẩm có nguồn gốc sinh học nên có thể tự phân hủy, an toàn tuyệt đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Đồng chí Vũ Đại An, Chánh Văn phòng Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: “Sau nhiều năm duy trì tổ chức, cuộc thi đã tạo ra sân chơi lành mạnh, có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút được đông đảo các em thanh, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh tham gia. Tại đây, các em học sinh có điều kiện được giao lưu, học hỏi các kỹ năng thuyết trình, được rèn luyện tính mạnh dạn, tự tin phát huy tính sáng tạo trong cuộc thi nói riêng và trong cuộc sống nói chung làm nền tảng cho hành trình làm chủ đất nước sau này”.

Kết quả của Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VI đã tiếp tục khẳng định vị trí là một sân chơi trí tuệ, bổ ích và khoa học cho thanh, thiếu niên, nhi đồng, nơi các em học sinh không chỉ thoả mãn niềm đam mê sáng tạo mà còn có ý nghĩa nhân văn hơn khi gửi gắm ước mơ, khát vọng của bản thân trong mỗi sản phẩm. Để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc thi ở những năm tiếp theo, bên cạnh sự nỗ lực của Ban tổ chức, các thí sinh dự thi và các thầy, cô giáo hướng dẫn triển khai ý tưởng nghiên cứu rất cần các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư hoàn thiện kết quả nghiên cứu, thương mại hóa công trình, giải pháp, tạo động lực cho các em tiếp tục phấn đấu, nghiên cứu, sáng tạo./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com