Là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) có 203 người anh dũng hy sinh, nhiều người để lại một phần xương máu trên khắp các chiến trường, có 11 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 2.000 người được tặng huân, huy chương, bằng khen. Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Hải luôn luôn thực hiện tốt các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước và chăm lo, tạo điều kiện cho các đối tượng, gia đình chính sách cải thiện cuộc sống.
|
Cụ Nguyễn Thị Gương, là mẹ liệt sĩ, ở xóm 2, thôn Nam Hải, xã Nghĩa Hải được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng sửa chữa nhà. |
Đồng chí Trần Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 396 đối tượng chính sách và người có công được hưởng trợ cấp thường xuyên gồm: 1 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 53 thương binh, 51 bệnh binh, 58 thân nhân liệt sĩ, 141 người bị nhiễm chất độc da cam và các đối tượng chính sách khác… Để thực hiện tốt công tác thương binh - liệt sĩ, chăm sóc người có công với cách mạng, những năm qua, cùng với việc thực hiện đúng, đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công với cách mạng, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với người có công, tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Hằng tháng, xã tổ chức chi trả trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng chính sách tổng số tiền gần 610 triệu đồng, đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đến tận tay đối tượng. Các chế độ ưu đãi khác đối với người có công như: cấp thẻ BHYT, chế độ điều dưỡng, trang cấp thiết bị chỉnh hình cho thương binh, chế độ mai táng phí cho đối tượng chính sách từ trần, hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên là con đối tượng chính sách… đều được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Năm học 2015-2016, có 19 học sinh, sinh viên là con em thương binh, liệt sĩ được hưởng ưu đãi trong giáo dục - đào tạo nghề. Năm 2016 có 7 thương binh được cấp dụng cụ chỉnh hình; 216 người có công và thân nhân người có công được thực hiện chế độ điều dưỡng theo quy định của Nhà nước. Cán bộ LĐ-TB và XH xã thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, tâm tư nguyện vọng của các đối tượng, tham mưu với lãnh đạo xã hỗ trợ kịp thời các trường hợp gặp khó khăn đột xuất như bị ốm đau, tai nạn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai… Đặc biệt, khi có các chế độ, chính sách mới của Nhà nước đối với người có công, xã đều tổ chức hội nghị mời các đối tượng có liên quan để phổ biến nội dung; tổ chức tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh; tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị của UBND xã, các đoàn thể và các xóm nên cán bộ, nhân dân, nhất là đối tượng chính sách trong diện điều chỉnh đều nắm được nội dung của chính sách mới và được hướng dẫn làm thủ tục theo quy định. Ngoài 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã được phong tặng, từ năm 2014 đến nay, xã đã hướng dẫn làm thủ tục đề nghị và đã được Nhà nước phong tặng, truy tặng 9 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Các trường hợp tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam được cán bộ LĐ-TB và XH hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục và đã có 2 người được hưởng chế độ, 3 người đang hoàn thiện các thủ tục; 29 trường hợp người có công, thân nhân người có công được cấp bổ sung thẻ BHYT. Triển khai thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, xã đã tổ chức khảo sát thực tế điều kiện nhà ở của người có công trên địa bàn, lập danh sách các trường hợp người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở và đã được các cấp, các ngành chức năng thẩm định. Đến nay, đã có 8 trường hợp nhận được tiền hỗ trợ, trong đó 7 trường hợp người có công xây nhà mới được hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà; 1 trường hợp người có công sửa chữa nhà được hỗ trợ 20 triệu đồng, góp phần cải thiện điều kiện nhà ở cho người có công. Vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), ngoài việc chuyển quà của Chủ tịch nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và của huyện đến các đối tượng chính sách, xã Nghĩa Hải đều tổ chức họp mặt, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; tổ chức các đoàn đến thăm các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh nặng, gia đình liệt sĩ tiêu biểu và động viên các gia đình phát huy truyền thống, vượt lên khó khăn, ổn định cuộc sống, tiếp tục đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, xã phát động và duy trì phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, các hoạt động chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Xã xây dựng, duy trì Quỹ An sinh, tạo nguồn lực chăm lo cho đối tượng bảo trợ, hộ nghèo, tổ chức các hoạt động tri ân, thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách khi ốm đau, gặp khó khăn đột xuất. Nghĩa trang liệt sĩ xã hằng năm đều được tôn tạo, sửa chữa. Năm 2015, bằng nguồn ngân sách địa phương và huy động trong cộng đồng, xã đã đầu tư xây dựng nghĩa trang liệt sĩ khang trang với tổng kinh phí xây dựng 4,85 tỷ đồng, trong đó nhân dân địa phương đóng góp 1,2 tỷ đồng, con em quê hương làm ăn sinh sống ở xa tự nguyện đóng góp trên 1 tỷ đồng. Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hằng năm, Đoàn Thanh niên xã đều trang trọng tổ chức lễ thắp nến tri ân tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Hướng tới kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-2016), Đảng bộ, chính quyền xã Nghĩa Hải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách./.
Bài và ảnh:
Minh Tân