Thực hiện công cuộc xây dựng NTM, đến nay huyện Trực Ninh có 15/21 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện 4 xã xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 là: Trực Khang, Trực Cường, Trực Tuấn, Liêm Hải đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, dự kiến sẽ được công nhận xã NTM trong năm 2016. Hai xã còn lại là Phương Định, Trực Thuận phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2017.
Trong quá trình xây dựng NTM, các xã, thị trấn trong huyện đã xác định rõ cách làm phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của chi bộ Đảng, thôn, xóm và hộ gia đình vào công cuộc xây dựng NTM. Đến nay, tổng nguồn vốn để xây dựng NTM của huyện đạt 372 tỷ đồng; trong đó, vốn trực tiếp là 155,4 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 38 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 75,2 tỷ đồng, ngân sách huyện 3,4 tỷ đồng, ngân sách xã 38,8 tỷ đồng); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác (chỉ tính các nguồn vốn phục vụ nội dung xây dựng NTM) 2 tỷ đồng, vốn tín dụng 22 tỷ đồng, huy động từ các doanh nghiệp 36 tỷ đồng, huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 133 tỷ đồng, huy động từ con em xa quê hương và từ thiện 22,2 tỷ đồng. Ước tính năm 2016, vốn xây dựng NTM của huyện là 27 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM 15 tỷ đồng, huy động từ doanh nghiệp 2 tỷ đồng, huy động từ đóng góp của cộng đồng dân cư 5 tỷ đồng, huy động từ con em xa quê 5 tỷ đồng. Các xã, thị trấn đều tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng NTM như làm đường giao thông, xây NVH xóm phù hợp với điều kiện của địa phương, các công trình đường, trường học, trạm y tế..., góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đổi mới bộ mặt nông thôn. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 60km đường trục xã, liên xã, 302km đường thôn, xóm, dong ngõ, 400km đường trục chính nội đồng; đào đắp 994.610m
3 bờ kênh mương và nạo vét kênh mương cấp 3; xây mới 82 trạm biến áp, cải tạo và nâng cấp 140 trạm biến áp phục vụ nhu cầu dân sinh, sản xuất, lắp 100km đường dây hạ thế. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển GD và ĐT được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trong huyện quan tâm với việc đầu tư cải tạo, nâng cấp 3 trường mầm non, 12 trường tiểu học; xây mới 1 trường THCS và cải tạo, nâng cấp 9 trường THCS. Về thiết chế văn hoá, toàn huyện đã xây mới, cải tạo, nâng cấp 5 NVH xã, 3 khu thể thao xã; xây mới 13 NVH và khu thể thao thôn (xóm); cải tạo và nâng cấp 8 chợ nông thôn; xây mới, cải tạo và nâng cấp 8 trạm y tế. Về môi trường, huyện đã xây mới 2 công trình cấp nước sạch tập trung, xây dựng 11 bãi xử lý rác thải, 1 lò đốt rác thải… Cơ cấu kinh tế huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực với việc tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm với hàng nghìn lao động các xã, thị trấn được dạy nghề may mặc, mây tre đan xuất khẩu, nghề mộc, thêu ren, cơ khí, kỹ thuật thâm canh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản… đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động. Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế… tiếp tục phát triển. Các chính sách xã hội, an sinh xã hội được bảo đảm, tình làng nghĩa xóm được khơi dậy, đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện…
|
Thị trấn Cổ Lễ được công nhận nông thôn mới năm 2015. |
Thực tế cho thấy, quá trình xây dựng NTM đã cơ bản làm đổi thay bộ mặt nông nghiệp, nông dân và nông thôn của huyện, đời sống người dân được nâng lên. Xã Trực Hưng trước khi xây dựng NTM có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, khoảng 11,2%, kết cầu hạ tầng cơ sở và các công trình thiết yếu như hệ thống điện, đường, trường, trạm y tế phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ. Triển khai xây dựng NTM, xã đã phát động phong trào thi đua trong toàn dân; trong đó xác định rõ lộ trình từng năm, ưu tiên việc đầu tư phục vụ sản xuất trước rồi mới đến các lĩnh vực khác; làm từ đồng ruộng rồi mới về làng, từ hộ gia đình ra thôn, từ thôn lên xã. Toàn xã đã vận động nhân dân hiến hơn 20ha đất để thực hiện các quy hoạch. Người dân đóng góp cộng với sự hỗ trợ của UBND xã xây dựng 6 NVH đạt tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ và tập thể thao của nhân dân. Xã đã bê tông hóa 7,4km trục chính nội đồng tạo cho xe cơ giới đi lại thuận tiện; đầu tư xây dựng bãi thu gom, xử lý rác thải; thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương; thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 6,6%... Trước khi xây dựng NTM xã Việt Hùng chỉ có 4 tiêu chí đạt, 15 tiêu chí chưa đạt (15/42 tiểu mục đạt, 27/42 tiểu mục chưa đạt). Thực hiện xây dựng NTM, xã đã tập trung cải tạo hệ thống giao thông trong xã; trong đó nhựa hoá, bê tông hoá 2,3km đường trục xã, liên xã; cứng hoá 9,56km đường trục thôn, xóm; 38,7km đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Cơ sở vật chất văn hoá được đầu tư xây mới, nâng cấp, bao gồm khu trung tâm VH-TT xã rộng 2.500m
2, hội trường văn hoá xã có 300 chỗ ngồi, khu thể thao xã diện tích 5.000m
2; cả 25 xóm đều có NVH, khu thể thao. Xã Trực Thái bắt tay vào xây dựng NTM với 5 tiêu chí chưa đạt là giao thông, thuỷ lợi, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm và môi trường. Triển khai xây dựng NTM, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,86%, toàn xã có 90,95% tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên; 91,6% tỷ lệ hộ gia đình dùng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy chuẩn quốc gia. Xã đã xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt hợp vệ sinh; có hệ thống thu gom, tiêu thoát nước bảo đảm vệ sinh môi trường trong khu dân cư và có tổ dịch vụ duy trì thường xuyên hoạt động thu gom, xử lý rác thải…, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai xây dựng NTM huyện Trực Ninh có nhiều khó khăn, tồn tại. Đó là tình trạng thiếu nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; các tiêu chí xây dựng NTM liên tục được điều chỉnh gây khó cho các xã, thị trấn thực hiện; chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm; tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thu nhập thấp còn cao; tình hình an ninh, trật tự xã hội một số nơi còn phức tạp… Các xã Phương Định và Trực Thuận xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 còn nhiều tiêu chí chưa đạt, trong đó xã Phương Định có 5 tiêu chí chưa đạt là cơ sở vật chất văn hoá, hộ nghèo, y tế, văn hoá và an ninh, trật tự xã hội; xã Trực Thuận có 7 tiêu chí chưa đạt là: giao thông, cơ sở vật chất văn hoá, hộ nghèo, y tế, văn hoá, môi trường và an ninh, trật tự xã hội. Trong thời gian tới, huyện chỉ đạo các xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân xây dựng NTM; huy động tổng hợp các nguồn lực của địa phương, đóng góp của nhân dân, của các doanh nghiệp theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; lấy thôn, xóm, hộ gia đình làm hạt nhân để vận động xây dựng NTM, phát động thi đua xây dựng NTM… với mục tiêu trở thành huyện NTM trong năm 2017./.
Bài và ảnh:
Đức Thiện