Lão nông "nặng lòng" với các loài chim ở Vườn quốc gia Xuân Thủy

09:05, 07/05/2016

Ông Hoàng Văn Thắng, xã Giao Xuân (Giao Thủy) từ lâu đã được người dân ở khu vực Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy yêu mến gọi là “Vua chim”. Bởi trên 30 năm qua, ông đã gắn bó với việc bảo vệ đàn chim quý dù không có một đồng thù lao nào.

Vào một ngày đầu hè năm 2016, chúng tôi có dịp trở lại VQG Xuân Thủy thuộc địa bàn 5 xã vùng đệm, gồm: Giao Hải, Giao An, Giao Thiện, Giao Xuân và Giao Lạc của huyện Giao Thủy. Dẫn chúng tôi đi thăm Vườn và kể về các loài chim hiện đang sinh sống tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ramsar này, ông Thắng cứ đọc vanh vách tên từng loài, từng họ, bộ chim. Hiện ở đây đang có hàng nghìn loài chim quý nằm trong “sách đỏ” được tổ chức UNESCO công nhận và yêu cầu gìn giữ, bảo tồn. Theo thống kê, các loài chim tại VQG có khoảng hơn 220 loài thuộc 41 họ, 13 bộ. Khu hệ chim ở đây tiêu biểu cho các loài thuộc bộ Hạc, bộ Ngỗng, bộ Rẽ và bộ Sẻ. Hằng năm, cứ từ tháng 10, 11 đến tháng 3, 4 năm sau, hàng chục nghìn cá thể chim di cư tránh rét từ phương Bắc đã chọn VQG Xuân Thủy làm nơi dừng chân kiếm ăn, tích lũy năng lượng cho hành trình di trú dài ngày với hàng nghìn cây số của mình. Qua các đợt khảo sát năm 1988 và 1994 đã quan sát được trên 20 nghìn cá thể chim nước trong khu vực. Trong mùa xuân năm 1996, có khoảng trên 33 nghìn con chim biển qua lại khu vực VQG Xuân Thủy. Nơi đây thường xuyên ghi nhận các loài chim nước quý hiếm nằm trong “sách đỏ” quốc tế như: Rẽ mỏ thìa, Choắt lớn mỏ vàng, Cò thìa mặt đen, Bồ nông chân xám, Cò lạo Ấn Độ… Ghi nhận đáng chú ý nhất ở VQG Xuân Thủy là tồn tại một quần thể loài Cò thìa lớn nhất tại Việt Nam với 74 cá thể. Ngoài ra, ở VQG Xuân Thủy còn là nơi tập hợp, trú chân của nhiều loài chim nước phổ biến di cư trong mùa đông. Do có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn các loài chim, VQG Xuân Thủy được Tổ chức bảo tồn chim quốc tế công nhận là một vùng chim quan trọng của Việt Nam. Vì vậy thời gian qua, VQG Xuân Thủy đã có nhiều hoạt động để bảo tồn và duy trì hệ sinh thái, tạo điều kiện cho các loài động, thực vật sinh sống và phát triển. Ban quản lý VQG đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Đồn Biên phòng Ba Lạt và chính quyền, nhân dân các địa phương các xã vùng đệm bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông Ba Lạt thông qua việc xác lập các quy chế quản lý, trong đó có việc tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia quản lý rừng ngập mặn, chia sẻ lợi ích thủy sản dưới tán rừng ngập mặn và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng như: trồng nấm, phát triển du lịch sinh thái, nuôi ong… đã góp phần thiết thực trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên vùng bãi bồi khu vực VQG Xuân Thủy.

Ông Hoàng Văn Thắng (đứng giữa), xã Giao Xuân (Giao Thủy) hướng dẫn du khách tham quan VQG Xuân Thủy.
Ông Hoàng Văn Thắng (đứng giữa), xã Giao Xuân (Giao Thủy) hướng dẫn du khách tham quan VQG Xuân Thủy.

Đã bước vào tuổi 70 nhưng ông Thắng có thân hình khá săn chắc, khỏe mạnh, nước da rám nắng đặc biệt là đôi mắt tinh tường. Ông Thắng phấn khởi chia sẻ với chúng tôi về quãng thời gian dài gắn bó với việc làm “hướng dẫn viên” du lịch, hướng dẫn các đoàn khách tham quan trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu về các loài chim. Trong câu chuyện với ông Thắng, điều khiến chúng tôi bất ngờ là vài chục năm trước, chính ông là một trong những “thợ săn chim” tại khu vực VQG  vì cuộc sống mưu sinh. Đến một ngày quãng năm 1995-1996, ông chợt nhận ra, nếu mình cứ bắt mãi, rồi chim cũng sẽ hết. Ông “gác súng” trở về với đồng ruộng. Khi VQG Xuân Thủy được hình thành, công tác tuyên truyền bảo vệ động, thực vật, nhất là các loài chim nước quý hiếm được triển khai đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân về việc bảo vệ các loài chim. Ông Thắng là một trong những người tiên phong và tự nguyện nhận công việc bảo vệ và khôi phục để có được đàn chim phong phú như ngày nay. Ông cho biết: “Tôi tự nguyện tham gia bảo vệ đàn chim bởi trước đây, do cuộc sống mưu sinh tôi đã đánh bắt quá nhiều nên bây giờ tôi muốn làm gì đó để bảo vệ đàn chim quý hiếm”. Đến nay, nhờ có những người như ông Thắng nên nhiều loài chim quý ở VQG đã được bảo tồn và VQG Xuân Thủy hiện đang là điểm đến du lịch cho du khách ưa khám phá. Bản thân ông Thắng đã trở thành một cộng tác viên tích cực trong việc ngăn chặn săn bắn chim của nhiều người dân bản địa cũng như người từ nơi khác đến. Đất lành chim đậu, VQG Xuân Thủy hiện đã trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch. Và ông Thắng đã trở thành người hướng dẫn viên già nhiệt tình, tâm huyết. Hiện ông còn là thành viên của HTX du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân. Theo đồng chí Nguyễn Viết Cách, Giám đốc VQG Xuân Thủy, tinh thần trách nhiệm của ông Thắng trong bảo vệ đàn chim tại VQG thật đáng trân trọng. Mặc dù không có thù lao hằng tháng song ông Thắng luôn gắn bó với đàn chim nước như những đứa con của mình. Ngoài ra mỗi khi có du khách, ông tình nguyện đưa khách đi tham quan, chụp ảnh những đàn chim vào những thời điểm chim về.

Với ông, niềm hạnh phúc lớn nhất là được ngắm những đàn chim trở về chốn yên bình mỗi khi chiều tối. Và ông càng vui hơn khi xã Giao Xuân đã được chọn làm điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Hy vọng rằng những việc làm của ông Hoàng Văn Thắng sẽ được nhân rộng tới cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ đàn chim, lưu giữ những giá trị do thiên nhiên ban tặng. Với nhiệt tâm của ông trong việc giữ gìn và bảo tồn các loài chim quý, ông được Tổ chức UNESCO và cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com