Đảm bảo an toàn nhà ở, công trình xây dựng trong mùa mưa bão

09:05, 16/05/2016
Để chủ động ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn về người, tài sản và các công trình khi có bão, lũ, mưa lớn, Sở Xây dựng đã lập phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng phó với các kịch bản thiên tai.
 
Sở hướng dẫn UBND các huyện, thành phố phân loại, thống kê, kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của tất cả các công trình, trụ sở Nhà nước, doanh nghiệp, nhà tư nhân..., xác định các địa điểm có thể sử dụng làm nơi sơ tán nhân dân khi có bão, lũ. Đối với các huyện ven biển, Sở đã hướng dẫn một số phương pháp phòng và giảm thiểu thiệt hại nhà ở theo cấp bão như sử dụng dây thép neo giằng mái đối với nhà mái lá - vách đất liếp; sử dụng bao cát đóng lỏng từ 15-20kg hoặc bằng thanh nẹp đối với nhà bán mái, nhà mái tôn, phi-brô xi măng; chèn vữa xi măng hoặc xây bờ chảy mái đối với nhà mái ngói… Khuyến cáo các hộ dân vùng ven biển lưu ý áp dụng thiết kế mẫu nhà ở xây dựng hai gian kiên cố có gác xép thường được sử dụng ở các vùng hay có bão, đặc biệt là lũ. Riêng đối với nhà ở nguy hiểm thuộc sở hữu Nhà nước tại Thành phố Nam Định, Sở yêu cầu thành phố chủ động chỉ đạo Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định tập trung cải tạo, khắc phục chống đỡ các căn nhà nhiều nguy cơ mất an toàn đối với người và tài sản. Đến hết tháng 4-2016, Cty này đã cải tạo, sửa chữa 6 căn nhà nguy hiểm tại số 2A ngõ Văn Nhân, số 139 Bến Ngự, số 184 Hoàng Văn Thụ, 210 Hoàng Văn Thụ; đồng thời phối hợp với các phường trên địa bàn xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và sơ tán các hộ dân đối với các nhà ở thuộc diện đặc biệt nguy hiểm trong trường hợp cần thiết. Đối với công trình công cộng (nhà làm việc, chung cư, nhà tập thể trường học, trung tâm y tế…), Sở yêu cầu các đơn vị quản lý kiểm tra, gia cố, sửa chữa để bảo đảm an toàn khi có bão, lụt, đặc biệt đối với công trình xây dựng lợp mái tôn, mái phi-brô xi măng, trần nhựa, cửa kính; sắp xếp tài liệu, trang thiết bị văn phòng và kho tàng ngăn nắp, đảm bảo an toàn. Đối với các công trình xây dựng chuyên ngành, các chủ đầu tư, đơn vị thi công trên công trường phải chủ động bảo vệ thiết bị, chú trọng đảm bảo an toàn cần trục tháp, các thiết bị nâng khi có gió bão. Lưu ý khi bão mạnh cấp 8-10 phải quay cần trục để tay cần và đối trọng nằm trong mặt bằng công trình, gia cố và neo giằng vào công trình. Khi bão mạnh từ cấp 10 trở lên phải tính toán và hạ độ cao cần trục tháp, nếu cần phải tháo dỡ cần trục để đảm bảo an toàn. Công việc tháo lắp thiết bị nâng ở trên cao, ở ngoài trời phải tạm ngừng khi mưa to, giông bão hoặc có gió từ cấp 5 trở lên. Các huyện, thành phố, đơn vị xây dựng phải đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng và khai thác, trong đó trọng tâm là an toàn giàn giáo, giá đỡ và thang, khi làm việc trên cao, khi sử dụng máy xây dựng, an toàn điện và chống sét cho công trình, thoát hiểm và phòng cháy, chữa cháy. Đối với các công trình thu, phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình, trụ BTS, pa-nô, biển quảng cáo, các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng các công trình phải tiến hành kiểm tra, rà soát mức độ an toàn chịu lực, ổn định hiện trạng của công trình; tiến hành các biện pháp gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn; tháo dỡ các thiết bị, bộ phận không đảm bảo an toàn khi có mưa bão.
 
Các công trình dạng tháp như trạm BTS cần được kiểm tra, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. (Trong ảnh: Trạm BTS trên đường Giải Phóng, TP Nam Định).  Bài và ảnh: Đức toàn
Các công trình dạng tháp như trạm BTS cần được kiểm tra, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. (Trong ảnh: Trạm BTS trên đường Giải Phóng, TP Nam Định). 

Sở Xây dựng cũng phối hợp với Phòng Quản lý đô thị, Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định (TP Nam Định) chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hạ tầng kỹ thuật đô thị trong mùa mưa bão. Thời gian qua, Cty đã tiến hành kiểm tra, nạo vét hệ thống hố ga thu nước, cống rãnh, các trục tiêu nước chính tại các điểm thường xuyên ngập úng cục bộ; bổ sung củng cố biển cảnh báo, che chắn an toàn tại những nơi nguy hiểm như: hố ga, kênh mương hở; ao, hồ, cống rãnh... với tổng khối lượng nạo vét hơn 1.000m 3. Tiến hành hút bùn các tuyến cống ngầm trọng yếu, trong đó tập trung nạo vét tuyến cống An Phong, tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa 6 tổ máy tại Trạm bơm Quán Chuột đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời; tiến hành cắt tỉa 270 cây, chặt hạ 9 cây nguy hiểm trong các công viên và trên đường phố. Cty đã tiến hành kiểm tra, rà soát gia cố các móng, trụ, cần đèn nghiêng, có nguy cơ gây mất an toàn của hệ thống chiếu sáng trên địa bàn thành phố. Các đơn vị chủ động triển khai các kế hoạch, phương án theo chỉ đạo của cấp trên, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Điện lực 24/24h, tiến hành cắt điện cục bộ tại nơi xảy ra sự cố ngay khi phát hiện tình trạng mất an toàn trong vận hành lưới điện do bị ảnh hưởng của thiên tai. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng chỉ đạo các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng đánh giá tình hình thực tế về lực lượng, phương tiện, vật tư để đề xuất trang bị bổ sung, sửa chữa vật tư, phương tiện cần thiết cho đơn vị để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Đối với 64 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, Sở yêu cầu chủ động kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, xây dựng phương án và phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho công trình xây dựng và hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng trong mùa lũ bão. 
 
Với sự nỗ lực thực hiện đồng bộ, chủ động các giải pháp phòng chống thiên tại, ngành Xây dựng quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu bảo đảm an toàn các công trình xây dựng và nhân dân trong mùa mưa bão năm nay, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.
 
Bài và ảnh:  Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com