Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) tỉnh, các ngành, các địa phương đẩy mạnh các hoạt động, tạo chuyển biến tích cực trong công tác bình đẳng giới, nâng cao vai trò vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
|
Cơ sở sản xuất túi xách thời trang xuất khẩu của anh Trần Quang Vinh, ở xã Xuân Trung (Xuân Trường) tạo việc làm ổn định cho 50 phụ nữ, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. |
Để nâng cao vai trò, vị thế cho phụ nữ, thúc đẩy các hoạt động bình đẳng giới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 54/KH-UBND thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Nam Định, giai đoạn 2011-2015 chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp đẩy mạnh việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch hành động VSTBPN vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy năng lực sở trường của mình. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, nhân dân về bình đẳng giới và VSTBPN; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới và nghiệp vụ cho cán bộ, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành phố; tổ chức các cuộc hội thảo, nói chuyện chuyên đề về giới và bình đẳng giới cho các nhóm đối tượng. Trong năm 2015, Ban VSTBPN tỉnh tổ chức hội thảo về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; tổ chức nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới; tọa đàm về “Văn hóa ứng xử của phụ nữ Việt Nam thời kỳ hội nhập”; tập huấn nghiệp vụ cho 937 cán bộ là thành viên Ban VSTBPN các cấp, cán bộ LĐ-TB và XH phụ trách dân số, gia đình và trẻ em… Ban VSTBPN các cấp tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác bình đẳng giới. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, đơn vị đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về bình đẳng giới, thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ, tăng cường sự tham gia lãnh đạo và quản lý của phụ nữ, tạo điều kiện cho chị em nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Các cấp ủy Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác cán bộ nữ từ công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý. Vị thế của phụ nữ ngày càng được khẳng định và nâng cao hơn trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ đối với việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 02-HD/TU ngày 17-9-2014 hướng dẫn công tác nhân sự cấp ủy tại đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trong đó quy định tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15%. Ban VSTBPN tỉnh, Hội LHPN tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ nữ để đề xuất, giới thiệu những người có đủ điều kiện tiêu chuẩn với cấp có thẩm quyền nhằm chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng bộ các cấp. Từ những định hướng và kế hoạch triển khai kịp thời, sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị đã có chuyển biến tích cực. Số cán bộ nữ tham gia cấp uỷ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020: cấp tỉnh là 8/55 đồng chí (14,55%), cấp huyện là 51/407 đồng chí (12,53%), cấp cơ sở là 1.697/6.239 đồng chí (27,2%). Số lượng cán bộ nữ tham gia Ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh là 1/15 đồng chí (6,7%), cấp huyện là 21/161 đồng chí (13,04%). Năm 2015, số đảng viên nữ được kết nạp là: 423/700 (chiếm 60,4%). Số cán bộ công chức, viên chức là nữ ở các cơ quan cấp tỉnh là 5.319/9.500 người (chiếm 56%); cấp huyện là 15.668/20.415 người (chiếm 76,7%); cấp xã là 759/4.598 người (chiếm 16,5%). Năm 2015, tỷ lệ nữ giữ chức vụ cấp trưởng, phó các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh là 37/203 đồng chí (chiếm 18,2%), cấp huyện là 175/628 đồng chí (chiếm 27,9%), số lượng cán bộ nữ giữ chức vụ chủ chốt cấp xã là 51/1.247 đồng chí (chiếm 4,1%).
Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, trong đó có đào tạo nghề cho lao động nữ, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, mở rộng đầu tư các dự án dạy nghề, phát triển làng nghề, thu hút lao động nữ nông thôn tham gia phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Năm 2015, toàn tỉnh có 8.986 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ (chiếm 80%) được giúp đỡ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tham gia các lớp tập huấn phổ biến kiến thức chuyển giao KHKT; tham gia học nghề, tạo việc làm mới. Năm 2015 số lao động nữ dưới 45 tuổi được đào tạo nghề chiếm 75% tổng số lao động đã được đào tạo nghề theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần tích cực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực, hiệu quả của các ngành, đoàn thể, những năm qua, phụ nữ trong tỉnh đã khẳng định vị thế của mình trong các hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội, gia đình và cộng đồng. Thời gian tới, Ban VSTBPN các cấp tiếp tục tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền những chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát huy cao nhất vai trò, khả năng đóng góp cho xã hội. Quan tâm đến quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ nữ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới, nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện công tác bình đẳng giới, VSTBPN; tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị xã hội, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời kỳ đổi mới./.
Bài và ảnh:
Minh Tân