Lực lượng cán bộ địa chính ở địa phương được coi là cánh tay “nối dài” giúp các cấp, ngành từ tỉnh, huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên lĩnh vực xây dựng, đất đai, giao thông, môi trường trên địa bàn xã, thị trấn đảm bảo định hướng trong quá trình phát triển đô thị và xây dựng NTM. Đây là lĩnh vực khá rộng, khối lượng công việc lớn và yêu cầu nhiệm vụ phức tạp, song trên thực tế lực lượng cán bộ địa chính xã còn khá mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều việc cùng một lúc trong khi nhiều cán bộ còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, ảnh hưởng đến chất lượng quản lý các lĩnh vực này ở địa phương.
|
Kiểm tra thi công xây dựng Trạm Y tế xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc). |
Những năm gần đây, lĩnh vực xây dựng, đất đai đang trở thành vấn đề nóng và luôn được nhiều người quan tâm, do đó trách nhiệm của người cán bộ chuyên trách ở lĩnh vực này cũng nặng nề hơn so với thời gian trước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ngoài nhiệm vụ chính được giao, tùy theo điều kiện của mỗi địa phương mà người cán bộ chuyên trách lĩnh vực địa chính - xây dựng ở xã phải kiêm thêm nhiều công việc khác như lĩnh vực giao thông, thương mại, đất đai, môi trường. Với một cán bộ được đào tạo chuyên môn bài bản, có tinh thần cầu thị luôn luôn học hỏi thì để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn này đã là một khó khăn bởi công việc ở cơ sở rất nhiều, đa dạng, đòi hỏi người cán bộ chuyên trách phải linh hoạt, năng động trong công việc. Song hiện nay, cán bộ chuyên trách lĩnh vực địa chính - xây dựng ở các địa phương trong tỉnh chưa qua đào tạo chuyên ngành còn khá phổ biến. Việc lựa chọn phân công nhiệm vụ chủ yếu dựa vào năng lực, thời gian hoạt động của cán bộ ở tại địa phương, đơn vị. Do đó, khi được phân công nhiệm vụ, cán bộ chuyên trách lĩnh vực địa chính - xây dựng chủ yếu phải dựa vào khả năng tự học hỏi từ người đi trước, từ tài liệu. Theo đồng chí Trần Văn Mịch, Trưởng Phòng Công thương huyện Mỹ Lộc cho biết, hiện tại ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện, cán bộ địa chính xã thường kiêm nhiệm quản lý và thực hiện các báo cáo thống kê về các lĩnh vực giao thông, xây dựng, địa chính, quản lý đất đai và môi trường. Tuy nhiên, đa số cán bộ địa chính chỉ có trình độ trung cấp về đo đạc địa chính, hoặc nông nghiệp nên còn nhiều hạn chế trong thực hiện tất cả các nhiệm vụ được giao. Đơn giản như, khi thực hiện thống kê xây dựng, nhiều cán bộ địa chính xã còn chưa hiểu rõ về mật độ xây dựng, phân loại các quy hoạch, nhà ở công sở, sự cố chất lượng công trình… Vì vậy tiến độ báo cáo các lĩnh vực xây dựng thường chậm trễ từ 5-10 ngày, sơ sài, không đầy đủ, cán bộ Phòng Công thương thường xuyên phải hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn cho cán bộ xã. Thiếu bằng cấp, chứng chỉ chuyên ngành xây dựng còn khiến công tác tham mưu lãnh đạo của cán bộ xã với các dự án đầu tư, công trình xây dựng phát triển kinh tế - xã hội địa phương về các mặt như quản lý đầu tư xây dựng, xây dựng kế hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý chất lượng công trình trên địa bàn xã hạn chế, phụ thuộc nhiều vào các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát dễ dẫn đến tình trạng thất thoát vốn, giảm hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, theo Luật Xây dựng 2014, quy định chủ đầu tư không đủ năng lực, bằng cấp chứng chỉ quản lý dự án phải thành lập Ban quản lý dự án chuyên ngành. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các xã chưa thể triển khai thành lập, dẫn đến nhiều khó khăn trong quản lý chất lượng công trình, khó đảm bảo yêu cầu mục tiêu đầu tư đặt ra. Đồng chí Phạm Văn Phòng, Trưởng Phòng Công thương huyện Trực Ninh chia sẻ: trong lĩnh vực quản lý xây dựng, cán bộ địa chính - xây dựng cấp xã, thị trấn có trách nhiệm quản lý, giám sát việc xin phép xây dựng tại các thị trấn, các khu trung tâm của các xã, ven các đường quốc lộ, tỉnh lộ nhằm quản lý mốc giới về xây dựng, cốt san nền, cốt móng nhà, hành lang giao thông... Bên cạnh các nhiệm vụ trên cán bộ địa chính - xây dựng còn phải tham gia vào Hội đồng bồi thường GPMB các dự án trên địa bàn, quản lý việc khai thác khoáng sản, phát triển giao thông, thuỷ lợi nội đồng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp... Với khối lượng công việc nêu trên trong điều kiện lực lượng cán bộ địa chính xã còn mỏng lại không có đủ bằng cấp, chứng chỉ các ngành kiêm nhiệm dẫn đến tình trạng các địa phương khó hoàn thành nhiệm vụ. Công tác quản lý xây dựng ở địa phương nhiều khi còn bị buông lỏng hoặc giải quyết chưa triệt để các nội dung công việc theo quy định. Do vậy việc xây dựng của người dân ở một số xã vẫn còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch, nhiều hộ còn cơi nới, lấn chiếm hành lang giao thông, gây cản trở giao thông mà không được xử lý kịp thời.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM đang là nhiệm vụ trọng tâm được Trung ương và tỉnh tập trung chỉ đạo. Để thực hiện các nhiệm vụ này đòi hỏi trình độ năng lực đội ngũ cán bộ các cấp, trực tiếp là cán bộ cơ sở, trong đó có cán bộ địa chính - giao thông, xây dựng phải được nâng cao. Song thực trạng nêu trên cho thấy đây đang là một hạn chế ở các địa phương cần được quan tâm khắc phục. Trước hết, các ngành, các cấp cần tăng cường hỗ trợ, thường xuyên tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ, kiến thức trong các lĩnh vực được giao kiêm nhiệm quản lý cho cán bộ địa chính - xây dựng cấp xã, thị trấn. Đồng thời các cấp, ngành cần quan tâm chỉ đạo, hoàn thiện chế độ, chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã; hoàn thiện công tác phân tích công việc, xác định vị trí việc làm và xây dựng khung năng lực đối với các vị trí, chức danh./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn