Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa tin về vụ nổ kinh hoàng xảy ra vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 19-3-2016 tại cơ sở thu mua phế liệu ở Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông (Hà Nội) khiến 4 người thiệt mạng, 10 người khác bị thương và làm hư hại hơn 100 căn hộ cùng một số phương tiện và đồ dùng khác. Nguyên nhân ban đầu được các cơ quan chức năng xác định là do một người làm nghề thu gom đồng nát đã mang một vật liệu nổ ra vỉa hè cưa để lấy phế liệu. Từ vụ nổ xảy ra cho thấy, tai nạn do cháy nổ không chỉ ở các cơ sở sản xuất, tàng trữ, sử dụng các loại vật liệu cháy nổ mà ngay ở những đô thị, nơi sinh sống của các khu dân cư vẫn có thể xảy ra.
|
Một cơ sở thu mua phế liệu trên đường Giải Phóng (TP Nam Định). |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn Thành phố Nam Định hiện có rất nhiều hộ kinh doanh thu mua phế liệu nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc như ở các khu vực đường Giải Phóng, Trần Huy Liệu, Hàng Thao, Nguyễn Văn Trỗi… và các xã, vùng lân cận như Nam Mỹ, Nam Phong, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực)… Đa số các cơ sở thu mua, buôn bán phế liệu này đều mọc theo kiểu tự phát, không tuân thủ nghiêm các quy định về môi trường cũng như không trang bị cho mình những kiến thức, thiết bị bảo hộ lao động về phòng, chống cháy nổ cần thiết nhất. Các cơ sở thu mua phế liệu thường được xây dựng với diện tích nhỏ, tạm bợ, bên trong ngổn ngang nhiều loại phế liệu như nồi cơm điện, vỏ chai, bìa cát-tông, hộp dầu nhớt, thậm chí là cả những vỏ bình gas mini hay những thùng phi lớn… Các loại giấy bìa cát-tông, túi ni-lông có nguy cơ cháy nổ rất cao đặc biệt là vào những ngày hè oi nóng, thời tiết khô hanh, chỉ cần sơ sẩy hoặc chút bất cẩn cũng có thể khiến những loại phế liệu này có thể bùng cháy bất cứ lúc nào. Chị Nguyễn Thị Phương, chủ cơ sở chuyên thu mua sắt vụn phế liệu trên đường Giải Phóng (TP Nam Định) đã có “thâm niên” hơn 10 năm trong lĩnh vực mua bán phế liệu cho biết: “Đối với cơ sở gia đình tôi trong quá trình mua bán các vật liệu, thấy vật liệu nào nghi ngờ có hình dạng khác thường hoặc không phải là dạng sắt vụn thì gia đình tôi không mua. Khi người ta mang hàng đến, tôi đều phải kiểm tra kỹ lưỡng rồi mới trao đổi mua bán…”. Còn chị Trần Thị Thảo ở huyện Nam Trực, chuyên đi thu mua ở các hộ dân cho biết: Khi mua những nguyên liệu bỏ đi thường chị cũng phải xem đó là những vật liệu gì, nếu những sản phẩm nào tôi không biết đều phải hỏi cho thật kỹ trước khi quyết định mua nó, chứ mua về rồi mà chủ cơ sở không mua lại của mình thì mình cũng mất công… Bên cạnh các cơ sở thu mua phế liệu thì các cơ sở sang chiết gas trái phép cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao, bằng những thủ đoạn tinh vi như chiết bớt khoảng một nửa gas sang bình khác, sang chiết gas trái phép từ bình lớn sang bình nhỏ, đa số việc sang chiết của các cơ sở đều lén lút, trang thiết bị thô sơ, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, tận dụng các vỏ bình cũ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người sử dụng.
Việc quản lý chất thải, phế liệu theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý chất thải bao gồm chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và các chất thải đặc thù khác có hiệu lực từ ngày 15-6-2015. Tuy nhiên hầu hết chủ các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn Thành phố Nam Định khi được hỏi đều không được biết đến quy định này. Trong khi đó công tác quản lý hoạt động thu mua phế liệu hiện nay còn hết sức lỏng lẻo. Điều đó dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn từ các cơ sở này rất cao. Để hạn chế những tai nạn trong việc thu gom, mua bán phế liệu, thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, tăng cường tuần tra, kiểm soát và phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, tàng trữ và sử dụng vật liệu cháy nổ. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của việc buôn bán chất thải, phế liệu, các hành vi vi phạm khác quy định trong việc quản lý chất thải, phế liệu quy định trong Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó người dân, đặc biệt là các chủ cơ sở trực tiếp buôn bán và thu mua phế liệu cần nâng cao ý thức đề phòng, kiểm soát chặt chẽ, phải biết phân biệt các loại đồ nào có thể là vật liệu cháy nổ. Khi gặp phải một vật nghi ngờ là vật liệu nổ phải báo ngay chính quyền địa phương hoặc các ngành chức năng có thẩm quyền để kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần thường xuyên tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu và nắm rõ những quy định về an toàn, phòng chống cháy nổ, tổ chức các lớp tập huấn giúp người dân phân biệt các vật liệu có thể gây nổ như bom mìn, các đầu đạn còn sót lại sau chiến tranh. Người dân cần nắm rõ các quy định về việc không cất giữ các loại vũ khí, vật liệu nổ, giao nộp cho các cơ quan chức năng để hạn chế những tai nạn rủi ro đáng tiếc. Ngoài ra, các ngành chức năng cần có lộ trình cụ thể để di chuyển các cơ sở kinh doanh, thu mua phế liệu ra khu vực vùng ven, xa khu dân cư, nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra./.
Bài và ảnh:
Văn Huỳnh