Chủ động ứng phó với thời tiết nóng hơn, khô hơn, mưa lũ nhiều hơn

07:03, 24/03/2016
Ngày 23-3 hằng năm được chọn làm ngày Khí tượng Thế giới nhằm kêu gọi cộng đồng cùng bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu (BĐKH). Để giảm thiểu rủi ro trước thực trạng thách thức của BĐKH ngày càng gia tăng, diễn biến của khí hậu cực đoan, phức tạp và khó lường, tỉnh ta đã thực hiện nhiều chương trình, biện pháp nhằm xây dựng ý thức chủ động trong ứng phó BĐKH của cả cộng đồng.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh diễn tập phòng chống lụt bão, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh diễn tập phòng chống lụt bão, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh chủ động thu thập các thông tin thời tiết thủy văn từ Trung tâm dự báo Trung ương, Trung tâm dự báo các tỉnh lân cận và trực tiếp để nghiên cứu, đánh giá những diễn biến của thời tiết, kịp thời đưa ra các dự báo có mức chuẩn xác cao về tình hình thời tiết, thủy văn của địa phương. Từ đó, các ngành, các cấp, các địa phương có sự chuẩn bị, huy động tốt về nhân lực, phương tiện, vật tư ứng phó hiệu quả khi có bão, áp thấp nhiệt đới, các nguy cơ về hạn hán, lũ lụt. Do vậy, nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh đã không xảy ra những sự cố lớn do bão lũ gây ra, tính mạng, đời sống dân sinh được đảm bảo, an ninh quốc phòng được giữ vững. Những thông tin dự báo về nền nhiệt độ, khả năng nguồn nước còn giúp cho các ngành, các cấp chủ động trong việc điều hành, chỉ đạo sản xuất. Ngành Công thương cũng xây dựng kế hoạch, điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thích ứng với nhu cầu của người dân trong từng điều kiện thời tiết cụ thể. Ngành NN và PTNT đã kịp thời đưa ra các kế hoạch, chỉ đạo, điều chỉnh tưới tiêu, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng hợp lý, hạn chế thiệt hại do thời tiết, khí hậu gây ra… Dự báo khí tượng thủy văn là một trong những điều kiện, thông tin căn bản để phục vụ công tác xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ Trung ương đến địa phương; góp phần phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; bảo đảm sự bình yên của cuộc sống và an toàn tài sản của nhân dân, nhất là trong bối cảnh BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay. Ngày nay, dự báo thời tiết hạn vừa, hạn dài đang ngày càng chính xác hơn nhờ vào sự phát triển của khoa học và sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ máy tính, góp phần cho ngành Khí tượng thủy văn trong những năm qua đã có những thành tựu đáng kể. Thông tin về thời tiết, khí hậu từ các bản tin dự báo thời tiết hằng ngày đến các bản tin dự báo khí hậu theo mùa đã gắn bó chặt chẽ với cuộc sống hiện tại. Không chỉ phát huy vai trò chủ chốt trong dự báo của tổ chức Khí tượng thủy văn, tỉnh ta đặc biệt quan tâm tiếp cận và tìm kiếm các dự án hỗ trợ truyền thông nâng cao nhận thức cho bộ máy quản lý các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn nhằm hình thành ý thức trách nhiệm về ứng phó BĐKH của cả cộng đồng. Với dự án được hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức nước ngoài như: Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD); Rừng và Đồng bằng (VFD)… đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh ta đã được nâng cao kiến thức cơ bản về BĐKH, tác động của BĐKH tới các ngành, lĩnh vực khác nhau và các chiến lược ứng phó của các cấp. Từ đó chủ động đề xuất giải pháp xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cấp tỉnh; xác định các cơ hội và hành động cần thiết để thực hiện thành công kế hoạch này ở từng lĩnh vực; tuyên truyền, phổ biến thông tin cho mọi đối tượng liên quan trong việc ứng phó với BĐKH. Tỉnh đã triển khai các chương trình huy động người dân cùng chia sẻ trách nhiệm và lợi ích với chính quyền thực hiện các chương trình, dự án ứng phó BĐKH. UBND tỉnh đã chỉ đạo Vườn quốc gia Xuân Thủy phối hợp với các cơ quan hữu quan và địa phương thực hiện hai chương trình chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng để huy động sức dân trong công tác ứng phó với BĐKH, gồm: Bảo tồn, phát triển bền vững giống ngao bản địa với quy mô khoảng 1.700ha và thí điểm đồng quản lý khu nuôi ngao quảng canh bền vững tại phân khu phục hồi sinh thái cồn Lu thuộc vùng lõi của Vườn quốc gia Xuân Thủy. Huyện Giao Thủy đã phối hợp với tổ chức Oxfam và Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) thực hiện dự án “Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của các cộng đồng ven biển Việt Nam” và đã hỗ trợ sinh kế cho người nghèo tại 5 xã ven biển của huyện. Đề án “Cộng đồng quản lý tài nguyên rừng ngập mặn” đã duy trì tốt hoạt động phối hợp tuần tra kiểm soát tài nguyên thiên nhiên giữa cán bộ Vườn quốc gia Xuân Thủy với lực lượng Kiểm lâm, Biên phòng và chính quyền các xã vùng đệm; tập trung phục hồi và quản lý tốt dải rừng phi lao ngoài cồn Lu. Tiếp tục phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Giao Xuân và xây dựng các sinh kế mới thay thế bền vững... Người dân đã tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm tự bảo vệ nguồn sinh kế, bảo vệ tài nguyên, môi trường trước mọi nguy cơ BĐKH. Thay vì thụ động trông chờ sự giúp đỡ, không ít hộ dân đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng kỹ thuật trồng trọt phù hợp, thích nghi với BĐKH. Người dân xã Giao An đã tích cực, tự giác tham gia nhiều hoạt động trong chương trình quản lý tài nguyên thiên nhiên vùng triều và BVMT trên địa bàn do UBND xã Giao An phối hợp với Vườn quốc gia Xuân Thủy và các bên liên quan triển khai. Đặc biệt, trong những năm qua, với sự tài trợ của Dự án chương trình Liên minh đất ngập nước quốc tế (WAP), cộng đồng người dân xã Giao An đã thực hiện hiệu quả quy trình phân loại, thu gom và xử lý rác thải… 
 
Do những hoạt động phát thải trong quá khứ và hiện tại chưa được kiểm soát chặt chẽ vì vậy chúng ta phải đối mặt với xu thế gia tăng nắng nóng trong tương lai (ngày nóng, đêm ấm, sóng nhiệt) sẽ tác động tới sức khỏe cộng đồng và gây áp lực lớn đối với xã hội của chúng ta. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động nhận thức, sẵn sàng đối mặt, Ngày Khí tượng Thế giới năm 2016 lựa chọn chủ đề: “Đối mặt với tương lai: nóng hơn, khô hơn, mưa lũ nhiều hơn”. Hưởng ứng Ngày Khí tượng Thế giới năm 2016, với mục tiêu phát huy vai trò chủ chốt, đi đầu trong dự báo, cảnh báo sớm nguy cơ, thực trạng BĐKH, các tác động, hậu quả khi hiện tượng BĐKH xảy ra đến các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan dịch vụ y tế và cộng đồng, từ đó có căn cứ khoa học để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất để thay đổi và giảm nhẹ BĐKH xuống mức thấp nhất, thời gian tới, ngành Khí tượng thủy văn thúc đẩy phát triển các hoạt động khí tượng thủy văn, giám sát BĐKH; tập trung phát triển mạnh mẽ hơn nữa công tác dự báo, đặc biệt là dự báo thời tiết, khí hậu và cảnh báo thiên tai nhằm phục vụ tốt hơn nữa công tác PCLB, ứng phó với BĐKH, các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức giúp người dân thay đổi tư duy, lối sống theo hướng thân thiện với môi trường, khí hậu, hành động cụ thể, thiết thực phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ bầu khí quyển./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com