Lái xe trong tình trạng say rượu là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cao gây TNGT đường bộ ở tỉnh ta, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán do trên địa bàn tỉnh ta có rất nhiều lễ hội đầu xuân. Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; giảm các vụ TNGT có nguyên nhân do người đã uống rượu, bia điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, các ngành chức năng xác định việc tăng cường phòng, chống và kiểm soát người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo trật tự ATGT dịp Tết và lễ hội đầu xuân.
Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh tăng cường mở đợt cao điểm tập trung kiểm tra, phát hiện người điều khiển phương tiện giao thông đã sử dụng rượu, bia tham gia giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Theo lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh): trước kia khi phát hiện người điều khiển phương tiện có biểu hiện sử dụng rượu, bia, cán bộ, chiến sĩ mới kiểm tra và xử lý, nhưng đợt ra quân dịp Tết sẽ tiến hành dừng, kiểm tra xác suất tất cả các phương tiện đang lưu thông trên đường nhằm kết hợp với tuyên truyền, giáo dục người dân sử dụng rượu, bia có trách nhiệm khi tham gia giao thông. Với những trường hợp có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, các cán bộ, chiến sĩ kiên quyết xử lý nghiêm. Những trường hợp ở ngưỡng cho phép, lực lượng cảnh sát sẽ tuyên truyền, nhắc nhở để người dân nâng cao nhận thức. Để đạt hiệu quả cao trong công tác xử lý, các cán bộ, chiến sĩ đã được tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Ngành Công an còn tăng cường lực lượng cũng như phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật. Công an tỉnh cũng yêu cầu Công an các huyện chỉ đạo CSGT bố trí lực lượng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ thực hiện tuần tra, kiểm soát thường xuyên, xử lý nghiêm vi phạm quy định nồng độ cồn và các hành vi vi phạm trật tự ATGT khác; tập trung kiểm tra các đối tượng có biểu hiện uống rượu, bia trên các tuyến đường có nhiều điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí có rượu, bia. Trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2016, lực lượng Thanh tra giao thông (Sở GTVT) tập trung kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe khách tuyến cố định, xe tải, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Tại các bến xe, lực lượng thanh tra kiểm tra các điều kiện về kinh doanh xe khách liên tỉnh như phù hiệu, biển hiệu, hộp đen, số lượng khách, nồng độ cồn của người lái… trước khi xe xuất bến. Nếu phát hiện tài xế có nồng độ cồn vượt mức cho phép hoặc sử dụng chất kích thích, đoàn kiểm tra sẽ buộc chủ xe, doanh nghiệp phải thay người lái khác mới cho xe xuất bến.
|
Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên tuyến Quốc lộ 21B, địa phận Thành phố Nam Định. |
Trước đó, nhằm huy động các lực lượng chức năng và toàn dân chung sức vào cuộc xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm, từng bước hình thành thói quen, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện; góp phần hạn chế TNGT, các cấp, ngành, đơn vị tập trung thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Công tác tuyên truyền được tập trung cao điểm từ đầu quý IV-2015 đến hết dịp lễ hội đầu xuân 2016. Ban ATGT tỉnh tổ chức tuyên truyền thường xuyên tại các trường đại học, cao đẳng bằng các hình thức nói chuyện, thông báo tại các buổi sinh hoạt tập thể. Đài PT-TH tỉnh phối hợp với Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh) tổ chức các cuộc tọa đàm với chủ đề “Rượu, bia và TNGT”. Sở GTVT tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải đường bộ nói chung và quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ nói riêng; các biện pháp phòng, chống vi phạm nồng độ cồn tại các đơn vị kinh doanh vận tải, tổ chức ký cam kết không vi phạm. Các sở, ban, ngành ban hành quy định CBCNVC gương mẫu không sử dụng rượu, bia vào buổi trưa, trong giờ làm việc; không điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia. Lồng ghép những nội dung kiến thức mới về phòng, chống lạm dụng đồ uống có cồn trong chương trình đào tạo và tổ chức tập huấn giáo viên các cấp phổ thông, giảng viên các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề, đặc biệt là các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. Hiệp hội vận tải ô tô, các doanh nghiệp vận tải ô tô tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý vận tải về thực hiện “Quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải đường bộ và các biện pháp phòng, chống vi phạm nồng độ cồn”. Nhiều doanh nghiệp vận tải đã chủ động ban hành và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch bảo đảm ATGT và biện pháp giám sát, quản lý, ngăn chặn các vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe chuyên nghiệp. Các bến xe trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức ký cam kết không vi phạm; đồng thời tăng cường kiểm soát nồng độ cồn đối với lái xe khi xuất bến. Bên cạnh đó, ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống vi phạm quy định về nồng độ cồn; chú trọng vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn và các tổ chức có liên quan thành lập quỹ phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia; trong đó trọng tâm là phòng, chống vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Những nỗ lực của lực lượng chức năng, các tổ chức đoàn thể và các địa phương trong việc ngăn chặn, kiểm soát nồng độ cồn nhằm góp phần nâng cao nhận thức của toàn dân trong việc chấp hành nghiêm quy định không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Từ đó, tạo môi trường giao thông toàn tỉnh an toàn dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, thực hiện tốt mục tiêu công tác bảo đảm trật tự, ATGT, kiềm chế gia tăng TNGT ngay trong dịp cao điểm đầu năm./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy