Tăng cường công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh

08:08, 13/08/2015
Triển lãm Bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh (TP Nam Định) vào cuối tháng 6-2015, đã thu hút hàng nghìn giáo viên, học sinh các trường học trong tỉnh đến tham quan. Triển lãm trưng bày gần 100 tấm bản đồ của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế thể hiện chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các tư liệu liên quan đến quá trình xác lập, thực thi chủ quyền biển, đảo Việt Nam; những công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam và quốc tế xuất bản trong và ngoài nước; hiện vật và hình ảnh về công cuộc thực thi và đấu tranh “Bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa”; những hình ảnh về các hoạt động tham gia xây dựng và bảo vệ biển, đảo của quân và dân Nam Định; các hoạt động trong tỉnh hướng về Trường Sa, Hoàng Sa… Thông qua triển lãm, đã củng cố niềm tin của cán bộ, giáo viên và học sinh về các bằng chứng pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên và học sinh trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc… Đây là một trong những hoạt động của ngành GD và ĐT nhằm nâng cao công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong các nhà trường. 
 
Các em học sinh tham quan mô hình nhà giàn DK1 tại Triển lãm Bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tổ chức ở Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Viết Dư
Các em học sinh tham quan mô hình nhà giàn DK1 tại Triển lãm Bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tổ chức ở Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Viết Dư
Trong những năm qua, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh đã có bước chuyển biến trong các trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD và ĐT phát động. Hưởng ứng phong trào này, từ nhiều năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội CCB địa phương tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho học sinh. Đối với Trường THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định), cứ vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, nhà trường lại tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh. Những bài hát, tiểu phẩm có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước hoặc những câu chuyện về những ngày tháng gian khổ trong chiến đấu đã được các CCB Thành phố Nam Định kể đã để lại tình cảm sâu sắc trong mỗi học sinh. Cô giáo hiệu trưởng Đinh Thị Thủy cho biết: Việc giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh có vai trò quan trọng nhằm phát triển toàn diện nhân cách cho các em. Vì vậy nhiều năm nay nhà trường đã thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em theo chủ đề hằng tháng, hằng năm. Nhà trường mời các CCB về trường trực tiếp giao lưu, nói chuyện để các em hiểu hơn về truyền thống cách mạng, những đóng góp to lớn của các thế hệ cha anh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…; qua đó đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tạo động lực để các em phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện. Thực hiện phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Sở GD và ĐT đã đưa chương trình lịch sử địa phương vào giảng dạy tại các giờ ngoại khoá. Đây là một trong những cách làm mới góp phần đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy bộ môn Lịch sử ở các nhà trường. Trong các tiết học, giáo viên lồng ghép kiến thức, nỗ lực sáng tạo phương pháp chuyển tải để học sinh hứng thú, tự giác tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của địa phương. Bên cạnh việc giảng dạy, Sở GD và ĐT khuyến khích các trường phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể của xã, phường, thị trấn… tổ chức giao lưu, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu về các ngày kỷ niệm của đất nước và có những hoạt động tri ân thiết thực. Nhân các ngày lễ lớn của dân tộc, của địa phương, nhiều đơn vị, trường học đã đến thăm, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; giúp đỡ, động viên các thương, bệnh binh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Nhiều trường còn đảm nhận chăm sóc, bảo vệ các di tích lịch sử cách mạng tại địa phương. Các em được nghe các nhân chứng lịch sử kể những câu chuyện đấu tranh bảo vệ quê hương của cha ông. Các nhà trường còn tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử, thăm hỏi tân binh nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, giúp gia đình chính sách bằng những việc làm ý nghĩa, mang tính giáo dục sâu sắc. Qua mỗi lần tham quan, một số trường học còn cho học sinh viết bài giới thiệu về lịch sử hình thành, biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống QĐND Việt Nam (22-12), Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4), Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hằng năm, nhiều trường đã mời các CCB địa phương về nói chuyện truyền thống cách mạng của địa phương, của dân tộc, quân đội và nhân dân Việt Nam; về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, về bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ… để các em hiểu hơn về truyền thống cách mạng, những công lao đóng góp to lớn của thế hệ cha anh đi trước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tạo động lực để các em phấn đấu vươn lên trong học tập. Trong 5 năm qua, các cấp Hội CCB đã phối hợp với các nhà trường tổ chức 2.765 buổi giáo dục truyền thống cho 718.205 lượt học sinh, sinh viên. Toàn ngành đã nhận chăm sóc 490 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 74 di tích lịch sử cấp quốc gia, 119 di tích lịch sử cấp tỉnh, 299 Nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ, đài tưởng niệm và 68 gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
 
Việc đẩy mạnh giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong các nhà trường hiện nay. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh trong các nhà trường, cần có sự quan tâm “vào cuộc” của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp giữa nhà trường với các cấp Hội CCB, Đoàn Thanh niên, bảo tàng, thư viện, ban quản lý các di tích… Qua đó nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, bản sắc văn hóa, tinh thần cảnh giác cho các thế hệ học sinh./.
 
Hồng Minh
 
 
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com