Tăng giá dịch vụ y tế cần gắn với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

08:08, 13/08/2015

Ngày 19-6-2015, UBND tỉnh ra Quyết định số 17 về việc ban hành giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ 1-8-2015, kèm theo danh mục gồm 1.186 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có sự điều chỉnh. Đây là chủ trương nhằm mục đích tăng nguồn thu để các bệnh viện trang trải cho các hoạt động: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; duy tu bảo dưỡng máy móc, phương tiện phục vụ, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.

Việc tăng giá dịch vụ y tế là do các chi phí đầu vào như: điện, nước, xăng dầu, thuốc, vật tư, hóa chất tính theo thời giá hiện nay đã tăng hơn gấp nhiều lần so với trước đây nên mức thu viện phí như hiện nay không còn phù hợp, không đảm bảo bù đắp chi phí cho công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. Bên cạnh đó, kỹ thuật và công nghệ y tế ngày càng phát triển, các yêu cầu về vô trùng, chống nhiễm khuẩn, đảm bảo chất lượng dịch vụ ngày càng cao. Nhiều loại vật tư, hóa chất thay đổi hoàn toàn phương thức sử dụng, từ dùng nhiều lần sang dùng một lần. Nhiều khoản chi mới phát sinh để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội như chi phí xử lý chất thải, chi phí hấp sấy, tiệt trùng trang thiết bị, dụng cụ để đảm bảo tránh lây chéo, lây nhiễm HIV. Ngoài ra, giá của nhiều dịch vụ y tế trước đây được xây dựng trên cơ sở khám, chữa bệnh theo phương pháp thủ công là chính, còn hiện nay chủ yếu thực hiện bằng các thiết bị hiện đại tiên tiến, tự động, chất lượng cao hơn nên chi phí cao. Việc thu với mức giá cũ sẽ không thực hiện được dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, bệnh nhân phải chuyển tuyến trên gây khó khăn cho bệnh nhân và làm quá tải tuyến Trung ương.

Khám, chữa bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Nam Toàn (Nam Trực).
Khám, chữa bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Nam Toàn (Nam Trực).

Tuy nhiên, việc áp dụng mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới trong bối cảnh đời sống kinh tế người dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn sẽ tác động không nhỏ đến người bệnh, kể cả người có thẻ BHYT. Bên cạnh một số đối tượng không bị ảnh hưởng bởi điều chỉnh giá dịch vụ y tế do quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh như người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, giá dịch vụ y tế tăng, phần cùng chi trả của người bệnh có thẻ BHYT sẽ tăng lên. Đặc biệt, đối với người không có BHYT, việc tăng giá dịch vụ y tế sẽ là gánh nặng nếu chẳng may bị bệnh phải điều trị dài ngày hoặc bị bệnh nặng phải sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao với chi phí lớn. Hiện tỉnh ta vẫn còn 37% dân số chưa có BHYT, trong đó phần lớn tập trung ở đối tượng người thuộc hộ gia đình làm nông, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình. Đây đều là những đối tượng làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nguy cơ ốm đau cao, nếu không có BHYT sẽ gặp nhiều khó khăn, phải bỏ ra một khoản tiền lớn khi chẳng may lâm bệnh. Vì vậy, cơ quan BHXH cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, người lao động về ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT. Ngành Y tế cần phổ biến cho nhân dân đến khám, chữa bệnh hiểu rõ mục đích, yêu cầu và sự cần thiết phải điều chỉnh tăng giá viện phí. Đồng thời, các cơ sở khám, chữa bệnh cần niêm yết công khai danh mục, bảng giá viện phí mới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại khoa khám bệnh để bệnh nhân dễ theo dõi tìm hiểu. Quy trình đón tiếp bệnh nhân cần đổi mới bởi khi phải chi trả cao hơn người bệnh sẽ đòi hỏi cao hơn về tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế, nhất là việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hiện nay công tác chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh ở các cơ sở y tế còn nhiều bất cập. Toàn tỉnh hiện có 259 cơ sở y tế tham gia khám, chữa bệnh BHYT và đã được mở rộng đến các cơ sở y tế tư nhân, trong đó, số người có BHYT đăng ký khám, chữa bệnh tại tuyến xã chiếm 77%. Tuy nhiên, trạm y tế xã, phường nhiều nơi đã xuống cấp, không đủ trang thiết bị và nhân lực, có nơi chưa có bác sĩ nên không tạo được sự tin cậy của người bệnh. Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện mặc dù được nâng cấp, tu sửa song vẫn thiếu nhân lực và trang thiết bị khiến nhiều người dân phải khám, chữa bệnh vượt tuyến. Chỉ tính riêng năm 2014, chi phí khám, chữa bệnh đa tuyến chuyển đi tại các bệnh viện Trung ương và ngoại tỉnh chiếm tới 45% quỹ được sử dụng. Công tác đón tiếp, khám, chữa bệnh cho người có BHYT đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế; vẫn còn một số y, bác sĩ chưa thực sự quan tâm, tận tình. Người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh thường phải chờ đợi lâu, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế không nhiệt tình, chất lượng điều trị chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng lớn đến tâm tư của người có thẻ BHYT.

Do vậy triển khai việc tăng giá dịch vụ y tế, các cơ sở y tế cần có những biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng phục vụ tương xứng với mức giá mới như: Tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để giảm số lượng bệnh nhân chuyển viện, giảm chi phí tuyến trên. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực; cải cách thủ tục hành chính khám, chữa bệnh bằng BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đến khám, chữa bệnh; nâng cao y đức, tinh thần thái độ chăm sóc người bệnh. Các bệnh viện tiếp tục thực hiện tốt quy tắc ứng xử đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; cụ thể hóa các tiêu chuẩn về giao tiếp ứng xử cho phù hợp với từng bệnh viện, có hệ thống theo dõi, đánh giá phản hồi của người bệnh về giao tiếp ứng xử và thái độ chăm sóc của nhân viên bệnh viện thông qua đường dây nóng. Đối với người dân, người lao động cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia BHYT để chia sẻ với cộng đồng và được hưởng các lợi ích của chính sách BHYT khi chẳng may ốm đau, bệnh nặng./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com