Xã Phương Định (Trực Ninh) có hơn 18 nghìn dân. Ngoài sản xuất nông nghiệp, xã phát triển nghề ươm tơ dệt vải truyền thống. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất của xã chưa bền vững, thiếu sức cạnh tranh do phần lớn người dân chưa được đào tạo về nghề. Từ năm 2003, khi Trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) được thành lập, đi vào hoạt động đã tạo không khí học tập sôi nổi, giúp người dân có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình.
|
Từ các lớp học chuyên đề, nhiều hộ dân ở xã Phương Định đã áp dụng thành công vào sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp. |
Với việc tập trung huy động các nguồn lực cho giáo dục, chú trọng giáo dục phổ thông, quan tâm đúng mức đến giáo dục cộng đồng, mở rộng các loại hình học tập chính quy và không chính quy theo các nhóm chuyên đề và 2 hình thức chủ yếu là: lớp chuyên đề, câu lạc bộ và thông qua hoạt động của các đoàn thể xã hội, hằng năm, Trung tâm HTCĐ xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các xóm phát động phong trào “Toàn xã hội học tập”. Qua điều tra, nắm vững nhu cầu học tập của nhân dân, Trung tâm đã phân công các tiểu ban: tuyên truyền, phổ biến pháp luật, khoa học kỹ thuật, công nghệ, ngành nghề, bổ túc văn hóa, ngoại ngữ, tin học và phổ cập, văn hóa thể thao, dân số - KHHGĐ, bảo vệ sức khỏe, môi trường và trưng tập các cộng tác viên, giảng viên về tin học, kỹ thuật chăm sóc cây cảnh, khuyến nông, nuôi trồng thủy sản… Để việc truyền đạt kiến thức đạt hiệu quả cao, Trung tâm HTCĐ xã đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Khuyến học, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học của người dân, xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp chuyên đề, trong đó chú trọng đưa những ngành nghề, những tiến bộ khoa học kỹ thuật, những vấn đề thời sự vào nội dung học tập. Trung tâm thường xuyên phối hợp với Trạm khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật và các cán bộ có trình độ khoa học kỹ thuật đã về hưu ở trong và ngoài huyện làm giảng viên các lớp học chuyên đề theo mô hình “cần gì học nấy, học để làm ngay”. Các lớp học này được triển khai đã thu hút hàng nghìn lượt người đến học. Sau mỗi khóa học, Trung tâm đều tổ chức tham quan, rút kinh nghiệm, có ghi chép để đối chiếu khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Được tiếp cận về lý thuyết và được thực hành ngay trên đồng ruộng, người dân trong xã ngày càng hiểu hơn việc canh nông không chỉ dựa trên kinh nghiệm mà còn phải áp dụng khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, các lớp phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước, học tập các nghị quyết của Đảng, học tập lịch sử Đảng bộ địa phương, các buổi tọa đàm cho thanh niên tìm hiểu về Đoàn, Đội, về pháp luật, ma túy học đường… đã thu hút đông đảo thanh, thiếu niên đến sinh hoạt, góp phần giảm tệ nạn xã hội ở địa phương. Hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT được Trung tâm phát động và tổ chức thường xuyên như luyện tập, liên hoan văn nghệ vào các ngày kỷ niệm, ngày lễ, có sự tham gia của các xóm, cơ quan, trường học, kết hợp với các hoạt động TDTT tại trung tâm xã. Căn cứ tình hình học tập tại địa phương, năm 2014, Trung tâm đã tổ chức thực hiện có kết quả công tác bổ túc văn hóa, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục, đã huy động học sinh học chương trình bổ túc THCS với 42 học viên, đồng thời phổ biến, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho 870 người tham gia học tập; phổ biến những kiến thức khoa học, công nghệ và bổ túc ngành nghề cho 828 người, tập trung vào các kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác, hướng dẫn cách bón phân, chăm sóc lúa… để người dân áp dụng vào thực tế sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Việc xây dựng xã hội học tập đã góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân, giúp các hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; thu nhập của người dân trong xã được nâng cao. Trung tâm HTCĐ xã Phương Định đã được chọn đi báo cáo điển hình về xây dựng xã hội học tập tại Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam./.
Bài và ảnh:
Hồng Minh