Tỉnh ta hiện có 474.469 trẻ em từ 0-16 tuổi, chiếm 25% dân số. Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có chuyển biến tích cực, quyền của trẻ em cơ bản được thực hiện theo quy định của pháp luật. Toàn tỉnh có gần 140 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em.
Bể bơi tại cung Văn hóa Thiếu nhi (TP Nam Định) được đầu tư phục vụ các em thiếu nhi trong dịp hè 2013. |
Đạt được kết quả trên là do các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, cùng các ngành chức năng tích cực tiếp cận, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng sân chơi đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện sức khoẻ cho trẻ em. Ở các trường mầm non trong tỉnh, các địa phương đều dành quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thiết bị, tạo sân chơi cho trẻ. Trường Mầm non Hải Châu, xã Hải Châu (Hải Hậu) có 12 nhóm lớp với 400 học sinh. Được sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, nhà trường đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Khu sân chơi được nhà trường đầu tư đồng bộ để trẻ được phát triển cả về thể chất và trí tuệ với nhiều đồ chơi, cây bóng mát, mô hình “Vườn cổ tích”, “Vườn rau của bé” giúp trẻ được tự do khám phá, phát huy trí tưởng tượng về phong cảnh thiên nhiên. Huyện Nghĩa Hưng có 1 khu liên hiệp thể thao, 1 bể bơi đạt tiêu chuẩn thi đấu, 16 sân vận động cấp xã; 18 nhà văn hóa xã và 139 nhà văn hóa thôn, xóm có sân chơi thể thao; 338 sân cầu lông, 82 sân bóng chuyền, 289 khu vui chơi thể thao, văn hóa - văn nghệ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, tập luyện thể thao của cán bộ, nhân dân nói chung và thanh, thiếu niên nói riêng. Thành phố Nam Định có 3 trung tâm văn hoá thể thao, 6 nhà văn hoá thuộc các ban, ngành, đoàn thể, 25 nhà văn hoá của các phường, xã, 73 nhà văn hoá, trung tâm cộng đồng của các tổ dân phố, làng, xóm và trên 100 điểm vui chơi giải trí thường xuyên phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của thanh, thiếu niên. Hằng năm, Trung tâm Văn hóa thể thao thanh thiếu niên, Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố và các CLB thể thao, bơi lội… tổ chức các lớp âm nhạc, mỹ thuật, võ thuật, bơi lội, cầu lông; các hội thi văn nghệ, thể thao, vẽ tranh... thu hút thanh, thiếu nhi tham gia. Bên cạnh đó, hệ thống sân vận động, nhà văn hóa, khu vui chơi ở các thôn, xóm, xã, phường đáp ứng yêu cầu vui chơi hằng ngày của thiếu niên, nhi đồng. Năm 2012, Trung tâm Điện ảnh sinh viên tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB và XH tổ chức 30 buổi chiếu phim cho thiếu nhi. Hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2013, Hội đồng Đội tỉnh phối hợp với phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em; các kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ...; huy động toàn dân tham gia “Ngày thứ 7 tình nguyện” giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, vận động các tổ chức, cá nhân đỡ đầu, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh Đoàn tăng cường huy động các đội thanh niên tình nguyện về hỗ trợ cơ sở tổ chức hoạt động hè như: Tổ chức các trò chơi dân gian, các sân chơi lưu động, giải bóng đá, bóng bàn, cầu lông, cờ vua...; hướng dẫn người dân và trẻ em cách giữ gìn vệ sinh cá nhân phòng, chống bệnh tay - chân - miệng...
Tuy nhiên, hệ thống cơ sở vật chất, điểm vui chơi với những thiết bị phù hợp cho trẻ em ở nhiều địa phương chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí ngày càng cao của thiếu nhi nên chưa tạo được sự hấp dẫn đối với các em. Thời gian tới, cần sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội, tạo điều kiện tốt nhất để thiếu nhi có những sân chơi lành mạnh, giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Quy hoạch xây dựng sân chơi cho trẻ, chú trọng nơi vui chơi giải trí lành mạnh, thuận tiện đáp ứng nhu cầu vui chơi của các em. Các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể cần có kế hoạch tập huấn cho các cán bộ Đoàn, Đội để tổ chức các hoạt động hè phong phú, hấp dẫn ở các địa phương, lôi cuốn trẻ em tham gia./.
Bài và ảnh: Khánh Ngọc