Cảm ơn - xin lỗi: Lời nói dần bị lãng quên

08:05, 31/05/2013

Nói cảm ơn, xin lỗi là một phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp đang dần bị nhiều người trẻ lãng quên. Những tiếng cảm ơn - xin lỗi ngày càng thưa dần và ít được nói hơn trong một bộ phận giới trẻ.

Ngay từ khi còn học tiểu học, chúng ta đã được dạy nói “cảm ơn” khi có một ai đó giúp ta việc gì hay cho ta thứ gì đó. Lời cảm ơn khi được thốt ra người nghe sẽ cảm thấy vui hơn.

Rồi cô dạy chúng ta biết nói “xin lỗi” khi ta vô ý làm tổn thương đến ai đó, hay vô tình làm ảnh hưởng đến người khác. Lời xin lỗi được nói ra làm cho người được xin lỗi cũng cảm thấy thoải mái và dễ tha thứ hơn.

Tuy vậy người Việt Nam thường có thói quen chỉ cảm ơn khi đem lợi ích cho chính mình. Tôi nhớ một câu chuyện nho nhỏ về cách cảm ơn của người nước ngoài. Đó là khi bạn được một người khác mời một thứ gì đó như “Bạn có muốn một tách cafe không?”. Người Việt Nam thì thường trả lời “Không” hoặc “Có, cảm ơn”. Nhưng người nước ngoài họ “cảm ơn” kể cả khi họ không có nhu cầu “Không, tôi uống rồi, cảm ơn bạn”.

Nhiều năm trở lại đây đạo đức giới trẻ bị báo chí cảnh báo là xuống cấp trầm trọng. Tuy có thể không đến mức đó nhưng chỉ nói cách “cảm ơn - xin lỗi” cũng thấy phép lịch sự trong giao tiếp của giới trẻ đang giảm sút.

Ra đường hỏi đường bác xe ôm nhưng lại quên mất cảm ơn khi đã biết đường, đánh rơi đồ vật trên đường người khác nhặt dùm vì quá “vội vàng” lại quên cảm ơn. Người Việt thường dựa vào địa vị của mình và coi thường người khác. Họ không chấp nhận việc nói lời “cảm ơn” với những người có địa vị thấp hơn mình. Hãy thử nhớ xem khi bạn vào một trung tâm thương mại chú bảo vệ dắt xe dùm bạn, bạn có “cảm ơn” người ta không. Nhiều bạn nghĩ đó là công việc của người ta, họ trả tiền để làm như vậy nhưng bạn lại vô tình quên họ cũng đang giúp bạn đó thôi.

Và rất rất nhiều trường hợp khác nữa. Nhiều bạn trẻ nghĩ những tình huống đó quá nhỏ nhặt nên không chú ý mà không biết lời “cảm ơn” trong tình huống đó là cần thiết như thế nào.

Từ “xin lỗi” cũng vậy, bạn lên xe buýt vô tình “đụng chạm” đến người khác, tuy rằng không ảnh hưởng nhiều lắm nhưng vẫn rất nhiều bạn “lờ đi” lời xin lỗi. Bạn vội vàng chạy làm rớt đồ người khác rồi lờ đi và chạy luôn.

Ngày còn bé bạn được cô giáo dạy nói “cảm ơn - xin lỗi” nhưng càng lớn bạn lại càng quên những lời dạy dỗ ngày xưa. Lời “cảm ơn - xin lỗi” tưởng rằng quá nhỏ bé nhưng đó cũng là một “kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp” mà người trẻ bây giờ nên học.

Hãy nói cảm ơn khi ai đó giúp đỡ bạn và xin lỗi trước những sai lầm của bản thân bạn… dù cho người đó là ai, bình thường đến như thế nào đi chăng nữa./.

N.Đ
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com