Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thay đổi hành vi có hại cho sức khỏe, từ tháng 5-2012 đến tháng 5-2013, được sự hỗ trợ của Quỹ Unilever Việt Nam và Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), tỉnh ta đã chọn 2 xã Trung Thành và Liên Bảo (Vụ Bản) làm điểm triển khai dự án “Rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam khỏe mạnh”. Xã Trung Thành có 1.896 hộ với 6.217 khẩu ở 13 thôn, xóm. Xã có 1 trạm y tế, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 92,98%; số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm 49,74%. Xã Liên Bảo có 2.680 hộ với 9.990 khẩu ở 18 thôn, xóm. Xã có 1 trạm y tế, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS; số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 80%, số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 41,38%. Với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống vệ sinh, đặc biệt là hành vi rửa tay sạch bằng xà phòng, tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy và một số bệnh đường tiêu hóa, dự án đã tổ chức ở mỗi xã 3 lớp tập huấn, mỗi lớp 42 người là cán bộ UBND xã, trạm y tế, Mặt trận Tổ quốc, Ban văn hóa thông tin, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, trưởng các thôn, hội viên Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, giáo viên các trường tiểu học, THCS… Nội dung tập huấn bao gồm: Giới thiệu tổng quan về dự án; các bệnh liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường; ảnh hưởng của hành vi vệ sinh và môi trường tới sức khỏe cộng đồng; các khái niệm cơ bản về truyền thông giáo dục sức khỏe; kỹ thuật rửa tay bằng xà phòng; kỹ năng, phương pháp giảng dạy, tuyên truyền về rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường cho học sinh; thực hành giảng dạy các bài tuyên truyền về rửa tay bằng xà phòng cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9; hiệu quả của việc rửa tay với xà phòng trong việc ngăn chặn dịch bệnh…
Thầy và trò Trường THCS xã Trung Thành trong chiến dịch truyền thông rửa tay bằng xà phòng phòng, chống dịch bệnh. |
Cùng với việc tập huấn, dự án kêu gọi các cấp, các ngành, các đoàn thể cùng vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ ý nghĩa và thực hiện thường xuyên việc rửa tay với xà phòng tạo thành một thói quen tốt, có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình vệ sinh và khu vực rửa tay công cộng tại các trường học, UBND xã, nhà văn hóa, hỗ trợ một số gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh kinh phí để xây mới hoặc cải tạo nhà tiêu bảo đảm hợp vệ sinh; cung cấp xà phòng bánh cho các hộ gia đình, các trường học, các trạm y tế. Tổng kinh phí cho các hoạt động của dự án tại 2 xã là 292 triệu 873 nghìn đồng và 29.475 bánh xà phòng đã được phát cho các hộ gia đình, các trường học, các bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng và trụ sở UBND, trạm y tế 2 xã. Sau 1 năm thực hiện, dự án đã mang lại hiệu quả không nhỏ về xã hội và môi trường sống tại các xã. Từ khi triển khai dự án đến nay, trên địa bàn 2 xã đã giảm thiểu tỷ lệ người mắc một số bệnh liên quan đến vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường như tiêu chảy, giun sán, bệnh ngoài da… Dự án cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, khống chế dịch bệnh, tác động đến nhận thức, làm thay đổi hành vi, tập quán không có lợi cho sức khỏe của cộng đồng, vận động người dân tự giác tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Dự án đã giúp học sinh nhận thức được việc rửa tay với xà phòng góp phần phòng bệnh hiệu quả. Em Nguyễn Thị Thúy, học sinh Trường THCS xã Trung Thành cho biết, khi được tham gia từ dự án, em cũng như nhiều bạn học sinh khác trong xã được biết quy trình rửa tay đúng cách, các thời điểm cần phải rửa tay trong ngày. Tỷ lệ hộ dân của xã Trung Thành sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tăng so với trước khi triển khai dự án từ 49,74% lên 52,74%, tại xã Liên Bảo tăng từ 41,38% lên 44,38% .
Việc thực hiện thành công dự án “Rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam khỏe mạnh” tại 2 xã Trung Thành và Liên Bảo là cơ sở để tỉnh ta tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Bác sỹ Trần Đăng Phi, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) cho biết: Việc thực hành rửa tay bằng xà phòng sẽ giúp mỗi người tự bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của chính mình trước những bệnh dịch nguy hiểm hiện nay như tiêu chảy cấp, cúm A(H5N1), cúm A(H1N1), bệnh tay - chân - miệng, bệnh giun sán. Để đông đảo người dân có được thói quen tốt này, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và
cộng đồng./.
Bài và ảnh: Minh Thuận