Hiển Khánh phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2013

08:04, 23/04/2013

Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Hiển Khánh (Vụ Bản) đã đạt 15/19 tiêu chí, trở thành xã dẫn đầu của huyện và trong nhóm dẫn đầu tỉnh về kết quả, tiến độ xây dựng NTM. Kinh nghiệm xây dựng NTM của xã Hiển Khánh là thực hiện các bước triển khai theo đúng quy trình hướng dẫn; huy động các đoàn thể trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn xóm làm nòng cốt để triển khai thực hiện; xác định cụ thể những công việc cần và có khả năng làm trước; nguồn vốn huy động, thời gian thi công, phân cấp quản lý đầu tư... Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm chủ động sáng tạo, linh hoạt của cán bộ, nhân dân cùng quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Trường Mầm non khu A, xã Hiển Khánh được đưa vào sử dụng năm học 2012-2013.
Trường Mầm non khu A, xã Hiển Khánh được đưa vào sử dụng năm học 2012-2013.

Xã xác định công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là trọng tâm, tạo đột phá để thực hiện các nội dung, tiêu chí xây dựng NTM. Vì vậy, xã đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được những lợi ích của công tác DĐĐT, phục vụ yêu cầu xây dựng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Với tổng diện tích DĐĐT 680ha, sau DĐĐT, bình quân mỗi hộ còn 1,8 thửa, giảm 1,9 thửa/hộ so với trước. Đến nay, xã đã hoàn thành giao đất ngoài thực địa, quy hoạch được các vùng sản xuất. Phần quỹ đất công của xã được quy gọn vùng, tổ chức cho nhân dân đấu thầu xây dựng các mô hình canh tác chuyên canh. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ về giống cây trồng, vật nuôi. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại, gia trại kết hợp lúa, cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cho thu nhập bình quân từ 120-130 triệu đồng/ha. Ngoài ra, xã tạo điều kiện cho 3 doanh nghiệp đầu tư về địa phương, tạo việc làm cho gần 900 lao động với thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng; phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở các lớp đào tạo nghề nuôi trồng thuỷ sản, may công nghiệp, đan móc sợi xuất khẩu, mây tre đan cho lao động nông thôn. Trong 3 năm qua, xã đã tổ chức 7 lớp học nghề cho 250 lao động, đa số có việc làm sau học nghề. Nhờ đó, năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 3,27%. Để có nguồn lực cho xây dựng NTM, xã làm tốt công tác huy động vốn; tranh thủ nguồn vốn đóng góp của nhân dân địa phương với sự ủng hộ của con em quê hương ở mọi miền Tổ quốc, ngân sách Nhà nước và các nhà tài trợ, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình đền ơn, đáp nghĩa, trường học, đường giao thông nông thôn, giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Qua DĐĐT, nhân dân trong xã đã góp được 15,8ha đất để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Tính đến tháng 4-2013, toàn xã đã nâng cấp, đắp mới được 81,3km giao thông nội đồng; nền đường rộng từ 3-6m; bê tông hóa 16km đường nội đồng và kiên cố hóa được 43 tuyến kênh, mương cấp III do xã quản lý với chiều dài 13,5km; nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ, nghĩa trang nhân dân; xây dựng chợ Lời trị giá trên 1,5 tỷ đồng; xây dựng trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND; xây dựng trường mầm non của xã, Trường Tiểu học B Hiển Khánh và trường THCS Hiển Khánh trị giá trên 6 tỷ đồng; nâng cấp 7 trạm biến áp; 27,5km đường điện hạ thế và hệ thống chiếu sáng thắp trên các trục đường thôn, xóm, cổng làng để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hệ thống giao thông liên thôn, liên xã được quy hoạch và nâng cấp theo tiêu chí xây dựng NTM, 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Cùng với trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, xã đã có nhà máy cấp nước sinh hoạt phục vụ nhân dân, 100% số hộ dân trong xã được dùng nước sạch hợp vệ sinh; có 11 tổ thu gom rác thải ở các thôn, xóm bước đầu đáp ứng yêu cầu thu gom rác sinh hoạt trong khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến nay, cả 11 thôn, xóm của xã có nhà văn hóa và được công nhận làng văn hoá cấp tỉnh, cấp huyện; 97% số hộ được công nhận gia đình văn hoá, các trường học, cơ quan đều được công nhận đơn vị có nếp sống văn hoá. Sau hơn 2 năm xây dựng NTM, tổng kinh phí đã đầu tư xây dựng trên địa bàn xã đạt trên 105 tỷ đồng, trong đó nhân dân góp đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng 15,8ha trị giá 34,887 tỷ đồng.

Bài học kinh nghiệm sau hơn 2 năm xây dựng NTM ở xã Hiển Khánh là việc cấp ủy Đảng, chính quyền từ xã đến thôn xóm luôn xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm; thường xuyên kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm, kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình, đồng thời xác định rõ lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Trong đó, tập trung cao độ cho phát triển sản xuất và đào tạo nghề, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Các nguồn vốn huy động xây dựng NTM được quản lý, giám sát chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Từ kết quả đã đạt được, xã đang tiếp tục thực hiện 4 tiêu chí còn lại là: đường giao thông, thủy lợi nội đồng, cơ sở vật chất văn hoá, cơ cấu lao động, môi trường, phấn đấu hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong năm 2013./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com