Tháng 8-1973, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trên 600 cô gái lứa tuổi “mười tám, đôi mươi” của tỉnh Nam Hà xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào 5 đại đội thuộc Tiểu đoàn 2 bộ đội nữ Nam Hà. Sau hơn 1 tháng huấn luyện, đến tháng 10-1973, các chị bắt đầu hành quân vào chiến trường miền Nam, tham gia mở đường Hồ Chí Minh trên cung đường từ Khe Sanh (Quảng Trị) vào Tây Nguyên. Biết bao khó khăn gian khổ, đạn bom ác liệt, mưa dầm, gió rét, nhưng những nữ chiến sỹ bộ đội Trường Sơn vẫn ngày đêm bám trụ, phá đá, mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng miền Nam. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhưng các chị vẫn tiếp tục nhiệm vụ đến đầu năm 1977 mới ra quân. Người có trình độ chuyên môn thì chuyển ngành về các đơn vị thương nghiệp, may mặc; còn đa số chị, em trở về quê hương tham gia lao động sản xuất. Trong số 600 chị em ngày ấy có 6 chị vĩnh viễn nằm lại chiến trường, nhiều chị là thương binh nặng, những người còn lành lặn thì sức khoẻ cũng bị giảm sút do khí hậu khắc nghiệt của núi rừng và chất độc hoá học của kẻ thù rải xuống các cánh rừng nơi đóng quân. Nhiều chị không xây dựng gia đình, sống đơn thân trong điều kiện khó khăn, đau ốm triền miên…
Cơ sở trồng nấm của CLB nữ Bộ đội Trường Sơn tỉnh tạo việc làm cho lao động là CCB và con em CCB. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Năm 1999, Ban Liên lạc nữ bộ đội Trường Sơn tỉnh được thành lập nhằm quy tụ, tập hợp đồng đội đã một thời “nhường cơm sẻ áo”, để chia sẻ tâm tư động viên nhau trong cuộc sống hằng ngày, đồng thời giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn không nơi nương tựa vươn lên trong cuộc sống. Ban Liên lạc đã đến từng huyện, từng xã, lần theo địa chỉ Hội CCB cung cấp để tìm gặp, vận động chị em tham gia sinh hoạt CLB nữ bộ đội Trường Sơn. Chỉ sau một thời gian ngắn, Ban liên lạc đã tập hợp được trên 500 chị em tham gia và xây dựng được tổ chức cơ sở ở 10 huyện, thành phố. Từ đó đến nay hoạt động của CLB thực sự trở thành ngôi nhà chung của chị em. Để có kinh phí duy trì các hoạt động tình nghĩa, Ban chủ nhiệm CLB đã vận động, quyên góp từ nhiều nguồn, chủ yếu là các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm. Chị Trần Thị Thanh, Chủ nhiệm CLB nữ bộ đội Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh chia sẻ: Hiện tại, nhiều đồng đội có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhiều chị không có gia đình riêng, phải sống neo đơn trong những căn nhà dột nát; nhiều chị có gia đình, con cái thì cả mấy người con đều bị dị tật do nhiễm chất độc da cam, bản thân lại ốm đau. Vì vậy Ban liên lạc kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bằng tiền, hiện vật, chăn, quần áo, xe lăn… Từ ngày thành lập đến nay, CLB đã vận động hỗ trợ xây dựng được 26 nhà tình nghĩa, tặng hàng chục xe lăn cho các đồng đội và con em bị ốm đau, dị tật không đi lại được. Trung bình mỗi năm, CLB tặng 30-40 suất quà cho các hội viên, gia đình chính sách và con em CCB bị nhiễm chất độc da cam, đồng thời trao học bổng, mỗi suất trị giá từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng cho con em các nữ CCB vượt khó, học giỏi. Năm 2004, được sự giúp đỡ của doanh nhân Trần Mạnh Lưu (TP Nam Định), chị Trần Thị Thanh đã đầu tư xây dựng một trang trại trồng nấm ăn, nấm dược liệu ngay trên khu đất nhà mình tại thôn Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản). Cơ sở sản xuất nấm ra đời, đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 40 nữ cựu binh Trường Sơn và con em CCB. Chị Nguyễn Thị Chắt, CCB xã Liêm Hải (Trực Ninh) tâm sự: "Tôi bị liệt, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Được chị Thanh nhận vào làm tại cơ sở sản xuất nấm, tôi đã có điều kiện nuôi con ăn học, bản thân được sống trong tình yêu thương của đồng đội nên sức khoẻ dần ổn định". Tri ân các đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vào dịp kỷ niệm chiến thắng 30-4 hoặc Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7 hằng năm, Ban chủ nhiệm CLB đều đến thăm hỏi các gia đình chính sách, thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ, tổ chức cho các nữ CCB về thăm lại chiến trường xưa. Năm 2011, trong chuyến đi thăm chiến trường Điện Biên Phủ, Ban liên lạc đã tặng 100 suất quà và 10 suất học bổng cho học sinh nghèo của tỉnh Điện Biên. Cũng trong năm 2011, Đoàn nữ bộ đội Trường Sơn của tỉnh đi thăm lại chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị), tặng 500 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng cho bà con nghèo địa phương. Trước đó, trong đợt lũ lụt năm 2010 tại miền Trung, Ban liên lạc đã kêu gọi các nữ cựu binh bộ đội Trường Sơn trong tỉnh cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ 500 suất quà gồm quần áo, gạo, mì tôm, trị giá 300 triệu đồng tham gia cứu trợ cho đồng bào bị lũ lụt huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Dịp 30-4 năm nay, CLB lại tổ chức cho trên 150 chị em vào thăm lại chiến trường xưa, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc và trao tặng 40 suất quà (10 suất cho các CCB và 30 suất cho trẻ em nghèo của huyện Hướng Hoá, Quảng Trị). Bên cạnh đó, CLB còn quan tâm công tác tìm kiếm mộ liệt sỹ, đã đưa được 1 liệt sỹ về quê nhà, 1 trường hợp đưa vào Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, đồng thời nhiều lần đưa gia đình liệt sỹ Nguyễn Thị Hồng ở huyện Ý Yên vào Khe Sanh để tìm mộ liệt sỹ. Cảm kích trước nghĩa tình đồng đội của các chị, đã có nhiều cá nhân, tổ chức, những tấm lòng hảo tâm đồng hành với CLB trong những năm vừa qua, tiêu biểu như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Cty TNHH Cơ khí đúc Trường Thành, Cty CP Tuấn Hà…
Những ngày này, các chị trong Ban Liên lạc CLB đang tất bật chuẩn bị cho chuyến đi thăm chiến trường xưa. Vừa gói ghém hành lý, chị Thanh vừa tâm sự: So với nhiều chị em, tôi là người may mắn vì còn có hạnh phúc được làm vợ, làm mẹ. Vì vậy còn sức khoẻ ngày nào là Ban liên lạc sẽ cố gắng tổ chức hoạt động nghĩa tình để bù đắp phần nào những mất mát, hy sinh của đồng đội và gia đình họ. Những việc làm tình nghĩa, ấm tình đồng đội của Ban liên lạc nữ bộ đội Trường Sơn tỉnh đã góp phần làm vơi đi những đau thương mất mát do chiến tranh để lại, làm ấm lòng những người còn sống, nhóm lên ngọn lửa về tình đồng chí, đồng đội cao cả trong cuộc sống hôm nay./.
Hoài Phương