Qua 5 năm thực hiện Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, hợp đồng giao dịch, hoạt động chứng thực ở huyện Trực Ninh đã đi vào nền nếp. Các việc chứng thực đều được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục, bảo đảm thời gian, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, góp phần tích cực vào việc cải cách các thủ tục hành chính.
Cán bộ Phòng Tư pháp huyện Trực Ninh chuẩn bị tài liệu về công tác chứng thực trang bị cho các xã, thị trấn. |
UBND huyện Trực Ninh đã chỉ đạo Phòng Tư pháp và các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng Nghị định số 79 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 04 của Bộ Tư pháp và Bộ TN và MT hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất và các văn bản pháp luật quy định về thu phí, lệ phí chứng thực… Hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở thường xuyên tuyên truyền về công tác chứng thực; UBND huyện đã tổ chức 7 lớp tập huấn và 10 buổi trợ giúp pháp lý cho gần 3.000 lượt người... Qua công tác tuyên truyền, đã góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của công tác chứng thực và ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Trong việc thực hiện nghiệp vụ chứng thực, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp hướng dẫn UBND cấp xã làm thủ tục khắc mẫu dấu chứng thực, mở lớp tập huấn cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND và cán bộ làm công tác chứng thực ở 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện; cử 18 cán bộ tư pháp - hộ tịch đi đào tạo trình độ từ trung cấp đến đại học. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, UBND huyện ban hành văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ chứng thực cho UBND cấp xã theo thẩm quyền. Trong quá trình thực hiện, Phòng Tư pháp thường xuyên kiểm tra tại các xã, thị trấn, đồng thời hướng dẫn cơ sở tháo gỡ những vướng mắc; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; tạo thuận lợi cho công dân đến giải quyết công việc. Mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đã tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện công tác chứng thực; từ việc bố trí sắp xếp phòng làm việc đến các phương tiện cần thiết phục vụ cho công tác chứng thực, niêm yết công khai các thủ tục, văn bản liên quan đến hoạt động chứng thực như lịch làm việc, phí và lệ phí chứng thực… tổ chức làm việc cả ngày thứ bảy để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Tại xã Phương Định, từ khi đưa trung tâm giao dịch hành chính "một cửa" của xã vào hoạt động, đã tạo thuận lợi cho người dân khi đến liên hệ, chứng thực, từng bước đổi mới cải cách thủ tục hành chính ở các lĩnh vực văn phòng - thống kê, tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng, chính sách xã hội. Quy chế hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, các thủ tục quy định, quy trình thủ tục hành chính, hồ sơ, mẫu giấy tờ, thời gian giải quyết, phí, lệ phí cho mỗi loại hồ sơ đều được niêm yết công khai. Xã còn bố trí lãnh đạo trực tại trung tâm để giải quyết tại chỗ nhiều phần việc về công tác chứng thực; từ đó rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn... Trong 5 năm thực hiện Nghị định 79 của Chính phủ, ở cấp huyện đã chứng thực được 105 bản sao từ bản chính, chứng thực 34 bản chữ ký bằng tiếng nước ngoài; ở cấp xã đã chứng thực được 294.025 bản sao từ bản chính, chứng thực 1.099 chữ ký, với tổng lệ phí trên 576 triệu đồng. Công tác chứng thực được thực hiện theo quy định của pháp luật và được thực hiện trong ngày; các việc chứng thực đều được ghi chép vào sổ, lưu trữ, bảo quản hồ sơ khoa học…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chứng thực trên địa bàn huyện Trực Ninh vẫn còn những hạn chế. Do qua nhiều năm các loại sổ đăng ký hộ tịch bị hư hại, thất lạc nên khi công dân đến xin cấp bản sao, UBND xã, thị trấn gặp khó khăn vì bản gốc không còn; kinh nghiệm chuyên môn của một số cán bộ tư pháp xã còn hạn chế; chưa được đào tạo chuyên sâu về chứng thực; cơ sở vật chất tại một số xã, thị trấn chưa bảo đảm... Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chứng thực, thời gian tới, Phòng Tư pháp huyện tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho công tác chứng thực ở cấp huyện và cấp xã. Thường xuyên rà soát, bổ sung kịp thời và niêm yết công khai các thủ tục hành chính liên quan đến công tác chứng thực để cán bộ, nhân dân biết, giám sát, thực hiện công tác chứng thực bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, kịp thời phát hiện những sai sót, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến chứng thực./.
Bài và ảnh: Văn Trọng