Cùng với sự phát triển của hệ thống giáo dục phổ thông, những năm qua các trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) của huyện Nghĩa Hưng cũng được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, đáp ứng nhu cầu học tập theo hình thức không chính quy của người dân trong huyện.
Nhờ có kiến thức tiếp thu tại Trung tâm HTCĐ, nhiều hộ nông dân ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) đã chuyển đổi thành công diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi cá mú. |
Từ năm 2004, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đã thành lập được các trung tâm HTCĐ, trong đó các Trung tâm HTCĐ xã Nam Điền, Nghĩa Thắng, Nghĩa Minh được chỉ đạo làm điểm. Từ kết quả hoạt động của 3 trung tâm HTCĐ này cho thấy nhu cầu học tập của nhân dân là rất lớn, trong đó có nhiều thanh niên không có điều kiện học tập. Để giúp các địa phương lựa chọn nội dung học tập theo hướng “cần gì học nấy”, “học để làm ngay”, “học để chung sống”, những chuyên đề về văn hóa, giáo dục, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… đã được chuyển tải đến người dân theo cách dễ hiểu nhất để có thể áp dụng trong thực tế sản xuất và đời sống. Ở hầu hết các trung tâm HTCĐ, ban giám đốc đều do lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn, hiệu trưởng các trường học, lãnh đạo Hội Khuyến học… phụ trách. Đến nay, số cán bộ quản lý ở 25 trung tâm là 75 người, trong đó có 16 thành viên là hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS. Phòng GD và ĐT huyện đã sắp xếp 7 giáo viên thuộc 2 Trung tâm GDTX phụ trách GDTX ở các xã, thị trấn làm lực lượng tham mưu cho các trung tâm HTCĐ. Hội Khuyến học xã, thị trấn có một thành viên trong ban giám đốc trung tâm, là cầu nối tham mưu cho ban giám đốc trung tâm xác định nhu cầu học tập của nhân dân, phối hợp cùng ngành GD và ĐT, các ban, ngành, đoàn thể ở xã, thị trấn tổ chức các lớp học tại trung tâm theo kế hoạch đề ra. Cùng với việc ổn định, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý ở các trung tâm, UBND huyện đã chỉ đạo các cán bộ chuyên viên, trưởng, phó các phòng, ban của huyện tham gia giảng dạy các lĩnh vực thuộc công tác chuyên môn tại các trung tâm HTCĐ. Công tác xây dựng cơ sở vật chất cũng được các địa phương quan tâm. Đến nay, toàn huyện có 8 trung tâm có nơi làm việc riêng, 7 trung tâm có tủ sách, 13 trung tâm có loa đài, bàn ghế và các dụng cụ thiết yếu phục vụ dạy và học. Nhiều xã, thị trấn đã hỗ trợ học viên sách, bút để thu hút, động viên người dân đến lớp. Các trung tâm HTCĐ đã và đang tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao trình độ của nhân dân. Các lớp học sau xóa mù chữ đã được mở cho nhiều đối tượng, ngăn chặn tình trạng tái mù chữ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Các trung tâm HTCĐ còn cung cấp cho nhân dân những kiến thức về: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giáo dục, Luật Đất đai, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Giao thông đường bộ…, các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng nếp sống văn hóa, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục giới tính, tuyên truyền về biển, đảo và chủ quyền đất nước...; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sản xuất “trồng cây gì, nuôi con gì” cho hiệu quả kinh tế cao. Hoạt động của các trung tâm HTCĐ góp phần giảm đáng kể việc tranh chấp, khiếu nại, giúp người dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, để tăng thu nhập và giá trị lao động của nông dân, khuyến khích dồn điền đổi thửa để tạo ra những mô hình sản xuất hiệu quả. Nhiều chuyên đề mới được ứng dụng và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, trở thành những bài học quý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ năm 2007 đến năm 2012, huyện đã mở được 1.255 lớp học chuyên đề với 6.275 lượt học viên tham gia. Hoạt động hiệu quả của các trung tâm HTCĐ ở Nghĩa Hưng góp phần xây dựng xã hội học tập ngoài nhà trường trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội từ cơ sở./.
Bài và ảnh: Hồng Minh