Nam Trực là một trong những huyện có tỷ số giới tính khi sinh chênh lệch cao: năm 2011 là 121 cháu trai/100 cháu gái, năm 2012 là 117 cháu trai/100 cháu gái. Đặc biệt năm 2011, ở một số xã, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đáng báo động như Tân Thịnh 168 cháu trai/100 cháu gái, Nghĩa An 158 cháu trai/100 cháu gái, Nam Thắng 153 cháu trai/100 cháu gái. Nguyên nhân do công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn huyện chưa được quan tâm đúng mức, nhận thức về xã hội, về công tác dân số - KHHGĐ của người dân còn hạn chế. Ngoài ra, tâm lý có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên đã in sâu vào nếp nghĩ, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa xã hội của cộng đồng, dòng họ.
Truyền thông, tư vấn sử dụng các BPTT an toàn cho chị em. Ảnh: Internet. |
Trước thực trạng trên, từ tháng 4-2010 huyện Nam Trực được Sở Y tế chọn triển khai “Đề án giảm thiểu MCBGTKS”, nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng, tiến tới ổn định, cân bằng giới tính khi sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Từ khi triển khai đề án đến nay, huyện đã tổ chức 2 buổi hội thảo với sự tham gia của lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ cung cấp dịch vụ siêu âm và nạo phá thai về các nội dung như: Khái niệm về giới tính và giới, Cơ cấu dân số theo giới tính, Tình trạng MCBGTKS, Các văn bản chính sách quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, Nội dung của đề án... Tại 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức nói chuyện chuyên đề, tăng cường cung cấp thông tin giáo dục truyền thông về giới và MCBGTKS cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên bằng nhiều hình thức: cấp 2.500 tờ rơi, 200 cuốn cẩm nang, 300 tài liệu truyền thông khác liên quan đến nội dung đề án; cấp phát 17 cuốn tài liệu tuyên truyền về giới tính khi sinh cho cán bộ chuyên trách dân số thuộc 17 xã, thị trấn được triển khai; xây dựng 2 panô khổ lớn với nội dung “Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức” tại Bệnh viện đa khoa huyện và xã Nam Cường; tuyên truyền nội dung đề án trên hệ thống phát thanh từ huyện đến cơ sở. Ngoài ra, các CLB phụ nữ không sinh con thứ 3, tiền hôn nhân, phụ nữ sinh con một bề làm kinh tế giỏi tiếp tục duy trì hoạt động, thường xuyên thu hút hàng nghìn hội viên tham gia. Tiêu biểu là các CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 các xã Nam Thanh, Nam Hải, Nam Hùng; CLB tiền hôn nhân các xã Nam Thái, Nam Mỹ, Nam Dương, CLB phụ nữ sinh con một bề làm kinh tế giỏi các xã Điền Xá, Nam Cường, Thị trấn Nam Giang... Mỗi thành viên các CLB trở thành một "tuyên truyền viên" tích cực tuyên truyền sâu rộng đến tận gia đình, xóm ngõ để người dân hiểu về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc thực hiện chính sách dân số. Hằng năm, Ban chỉ đạo công tác dân số - KHHGĐ huyện phối hợp với Hội Khuyến học huyện, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, ban giám hiệu các trường học trên địa bàn tổ chức tuyên dương khen thưởng, động viên kịp thời các cháu gái có thành tích học tập tốt. Nhờ đó, nhận thức của các đối tượng sinh con một bề (đặc biệt là con gái) đã thay đổi.
Bên cạnh những thuận lợi, triển khai đề án, huyện Nam Trực còn gặp phải khó khăn: Việc quản lý hoạt động hành nghề y tư nhân trên địa bàn chưa chặt chẽ, nên người dân vẫn dễ dàng tìm đến các dịch vụ y tế thực hiện siêu âm, chẩn đoán giới tính và xử lý các thai nhi không theo ý muốn. Để đạt được mục tiêu khống chế tình trạng MCBGTKS, thời gian tới huyện Nam Trực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục triển khai các hoạt động của “Đề án giảm thiểu MCBGTKS”; tăng cường kiểm tra các đơn vị làm dịch vụ siêu âm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; cấm viết sách và bán sách báo, các loại ấn phẩm có nội dung hướng dẫn sinh con trai, con gái ./.
Hồng Hạnh