Mê tín dị đoan là hoạt động biến tướng, lạm dụng tín ngưỡng, tâm linh từ lâu đã bị Nhà nước cấm, bởi các hoạt động trên gây nhiều hệ luỵ xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào xây dựng đời sống văn hoá và văn minh lễ hội. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn tồn tại ở nhiều nơi, đặc biệt tập trung tại các khu vực lễ hội đầu xuân.
Tại quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản), vào mùa lễ hội xuất hiện nhan nhản các điểm viết sớ chữ nho, các “thầy” thường kiêm luôn “bói toán” dưới nhiều hình thức: xem tướng, xem chỉ tay, xem chân gà, giải đáp lá số… Trong vai khách hàng, chúng tôi vào một điểm viết chữ nho, xem tướng. “Thầy” khá trẻ chưa đến 40 tuổi, đội khăn xếp, mặc áo the đen đang “phán” cho một phụ nữ trung niên dáng vẻ khá lam lũ: “Năm nay chị gặp nhiều tai ương, tốn tiền, tốn của”. Theo lời “thầy”, chị sẽ bị lừa tiền bạc, gia đình có người đau ốm, có tang ở xa… Khi chị tỏ ra sợ sệt, “thầy” chốt một câu: “Hạn nặng nhưng chị yên tâm, tôi sẽ làm lá sớ cầu các thánh thần phù hộ cho chị tai qua, nạn khỏi, gặp nhiều may mắn”. Sau khi viết tên gia chủ bằng tiếng Việt lên tờ sớ được viết sẵn bằng chữ nho, “thầy” xin luôn tiền công là 200 nghìn đồng.
Viết sớ chữ nho kiêm xem tướng tại Phủ Dầy (Vụ Bản). |
Hoạt động xem bói “núp bóng” ở các bàn viết sớ chữ nho không chỉ xuất hiện ở các lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa mà ở các khu dân cư cũng xuất hiện các điểm hoạt động bói toán. Có thể kể một số điểm được các chị em thường giới thiệu truyền tai nhau như thầy H đường Quang Trung, bà H đường Giải Phóng, bà L, thầy Th ở xã Nam Phong (TP Nam Định). Vào dịp sau Tết, các điểm bói toán này đều rất đông khách, phần lớn là phụ nữ, những người kinh doanh buôn bán. Công cụ hành nghề của các “thầy”, chỉ có bộ bài Tây 52 lá và chiếc đĩa đặt tiền. Có nơi chỗ đặt tiền được chia thành nhiều ô nhỏ, để người xem đặt tiền và “thầy” căn cứ vào số tiền đặt để phán. Sau khi nói một vài câu đánh trúng tâm lý người xem, các “thầy” tiếp tục khai thác thêm thông tin về gia đình, công danh, làm ăn, mồ mả, đất đai… để giải đoán. Tìm đến nhiều điểm xem bói được giới thiệu, chúng tôi nhận thấy cách “xem” đều na ná nhau. Với các loại sách về xem tướng, đoán tuổi bán đầy trên thị trường hiện nay, các “thầy” chỉ việc học thuộc, kết hợp “khẩu khiếu” vừa đoán, vừa thăm dò thông tin từ gia chủ để phán. Lợi dụng sự cả tin, mê tín của người xem để moi tiền. Theo tìm hiểu, các “thầy” bói phần lớn đều làm nghề tự do. Có người từng làm công nhân, có bà “thầy” bói ở Nam Trực sáng đi chợ bán thịt lợn chiều ở nhà xem bói...
Để tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong các lễ hội, ngày 5-1-2013 UBND tỉnh đã có Công văn số 02 yêu cầu chấn chỉnh, có biện pháp ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa lễ hội như xóc thẻ, bói toán, cúng thuê, mê tín dị đoan… Tuy nhiên, tệ nạn trên vẫn tồn tại các “thầy” lén lút hoạt động, móc túi không biết bao nhiêu người nhẹ dạ, trong khi cơ quan quản lý cơ sở còn làm ngơ. Tại khu vực Phủ Dầy, mặc dù có khá đông các bàn viết sớ kiêm xem tướng số đề biển rõ ràng nhưng không thấy các cơ quan chức năng nhắc nhở xử lý. Các điểm xem bói ở các khu dân cư mặc dù tồn tại đã lâu, khách thập phương tìm đến nhưng chính quyền địa phương lại như không biết. Nhiều điểm bói toán ở Thành phố Nam Định nườm nượp người ra vào, gây ra tình trạng để xe lộn xộn, lấn chiếm vỉa hè mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Để loại trừ tệ nạn bói toán, trong thời gian tới, chính quyền, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp hành nghề bói toán, mê tín dị đoan để ngăn chặn, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thực hiện nếp sống văn hóa, không tiếp tay cho các hoạt động mê tín dị đoan tồn tại./.
Bài và ảnh: Nguyễn Minh