Xây dựng các làng nghề trồng hoa cây cảnh thành điểm du lịch sinh thái

08:02, 25/02/2013

Phong trào sinh vật cảnh (SVC) trên địa bàn tỉnh có thời điểm phát triển mạnh, trở thành ngành kinh tế mang lại hiệu quả cao. Năm 2006, toàn tỉnh có 1.680ha trồng hoa, cây cảnh có giá trị khoảng 400 tỷ đồng, đến năm 2011 diện tích trồng hoa, cây cảnh là trên 3.000ha, đạt giá trị trên 1.000 tỷ đồng. Riêng thôn Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) nổi tiếng về trồng hoa, cây cảnh trong cả nước có khoảng 600 hộ trồng với tổng diện tích khoảng 150ha và cả 7 thôn của xã Điền Xá có 3.500 hộ trồng hoa, cây cảnh với diện tích 450ha. Trung bình 1ha trồng hoa, cây cảnh ở xã Điền Xá cho thu nhập 140 triệu đồng. Nhờ phát triển SVC, cuộc sống của nhiều gia đình được cải thiện, nhiều người trở nên giàu có.

Làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) thường xuyên đón các đoàn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) thường xuyên đón các đoàn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Trước sự phát triển mạnh của phong trào SVC, từ năm 2004, UBND tỉnh và Tổng cục Du lịch (Bộ VH, TT và DL) đã tổ chức hội thảo phát triển du lịch làng nghề, trong đó có phát triển du lịch SVC. UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch xây dựng xã Điền Xá trở thành làng du lịch sinh thái. UBND xã Điền Xá đã phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều tour du lịch tham quan làng nghề, với những tác phẩm cây cảnh, cây thế độc đáo do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân tạo ra. Làng du lịch sinh thái Điền Xá còn chọn một số gia đình có những tác phẩm nghệ thuật để đón tiếp du khách. Mỗi năm, làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê đón tiếp gần 10 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước, trong đó lễ hội truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê được tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng hằng năm thu hút gần 50% lượng khách. Lễ hội truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê - Hội chợ xuân xã Điền Xá năm 2013 đã trưng bày các cây cảnh độc đáo với các thế bonsai nhiều cỡ, nhiều dáng cùng các chậu địa lan quý hiếm của làng nghề và của các tỉnh, thành phía Bắc. Ngoài trưng bày các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, trong lễ hội còn có các hoạt động rước hoa, cây cảnh của 5 thôn, dâng hương ông tổ làng nghề, biểu diễn văn nghệ, thi đấu các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian như cờ người, cờ tướng, tổ tôm điếm, các cuộc thi tạo thế cây, thi hoa cây cảnh và trao giải thưởng. Đến lễ hội, khách du lịch được chiêm ngưỡng những tác phẩm cây cảnh độc đáo, được giao lưu với nghệ nhân các vùng miền về cách trồng, chăm sóc, uốn, tỉa cây...

Ngoài làng nghề trồng hoa, cây cảnh Vị Khê, nhiều địa phương trong tỉnh cũng phát triển mạnh phong trào trồng hoa, cây cảnh. Đây là cơ sở để phát triển du lịch sinh thái trong tỉnh. Xã Hải Sơn (Hải Hậu) nhiều năm qua đã phát triển khá mạnh phong trào SVC, trong đó xóm 8 được UBND huyện phê duyệt trở thành làng nghề cây cảnh Trần Phú với tổng diện tích 34,4ha gồm 170 hộ với 78% số lao động trong xóm tham gia làm nghề. Năm 2011, doanh thu từ SVC của xóm đạt 9 tỷ đồng, bằng 80% tổng thu nhập toàn xóm. Năm 2012, kinh tế SVC trong tỉnh gặp khó khăn nhưng làng nghề cây cảnh ở xóm 8 vẫn phát triển bền vững với tổng thu nhập trên 3 tỷ đồng. Phường Lộc Vượng có phong trào SVC phát triển mạnh của Thành phố Nam Định. Những năm qua, người dân trong phường đã tích cực phát triển SVC thành ngành kinh tế, đồng thời từng bước đẩy mạnh du lịch sinh thái gắn với các dịp lễ hội đền Trần. Ngoài ra, nhiều địa phương trong tỉnh có phong trào SVC phát triển như xã Yên Cường (Ý Yên), Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng), Mỹ Tân, Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) có điều kiện phát triển du lịch sinh thái...

Xây dựng các làng nghề SVC thành các điểm du lịch sinh thái trong giai đoạn thị trường cây cảnh bão hòa hiện nay là hướng đi đúng nhằm khai thác thế mạnh SVC của tỉnh. Để phát triển nhanh các làng nghề SVC, các địa phương cần tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh của các làng nghề trồng hoa cây cảnh; xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách đến với làng nghề./.     

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com