Tăng cường năng lực cho y tế tuyến cơ sở, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là một chủ trương đúng đắn và cần thiết nhằm hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để giúp y tế tuyến xã, nơi thực hiện rất nhiều nhiệm vụ quan trọng của y tế cơ sở, cần sớm tháo gỡ những vướng mắc từ chế độ chính sách cho cán bộ đến mô hình tổ chức và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) là những dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, dựa trên những phương pháp và kỹ thuật thực hành, khoa học chấp nhận được về mặt xã hội, những phương pháp và kỹ thuật này được áp dụng cho tất cả mọi người dân và mọi gia đình trong cộng đồng. CSSKBĐ nhấn mạnh đến những vấn đề sức khỏe chủ yếu của cộng đồng, đến nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe. Trên cơ sở nguyên tắc của CSSKBĐ, Việt Nam áp dụng thực hiện mô hình y tế cơ sở. Thực tế thời gian qua, y tế cơ sở đã góp phần quan trọng trong phục vụ lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều bệnh dịch, bệnh tật được khống chế hoặc loại trừ, tỷ lệ tử vong giảm, tuổi thọ của người dân ngày càng tăng...
Cán bộ Trạm Y tế xã Giao Thịnh (Giao Thủy) khám sức khỏe cho nhân dân. Ảnh: Internet |
Mô hình y tế tuyến xã của nước ta có nhiều đặc thù, là đơn vị đầu tiên tiếp xúc và cung cấp các dịch vụ y tế ban đầu cho người dân. Tuy vậy, cách gọi tên đối với y tế xã, phường, thị trấn theo Quyết định 58/TTg năm 1994 đến nay không còn phù hợp vì tổ chức trạm y tế xã là đơn vị chuyên môn, kỹ thuật, nhân lực được hưởng lương theo ngạch bậc, trong khi đó nhân viên y tế thôn, bản là chức danh riêng được hưởng phụ cấp. Cụm từ y tế cơ sở dễ bị nhầm, chưa rõ về tổ chức và còn nhiều cách hiểu khác nhau. Hiện nay, các trạm y tế tuyến xã được giao nhiệm vụ khám ban đầu cho các đối tượng tham gia BHYT, công tác dân số, nhưng đến nay 11 nhiệm vụ của trạm y tế theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 08/TT-LB do liên bộ ban hành từ năm 1995 đến nay chưa được bổ sung, sửa đổi. Trong khi đó, định mức biên chế đối với trạm y tế tuy đã được điều chỉnh thấp nhất là năm cán bộ và cao nhất là mười cán bộ nhưng chưa thật sự phù hợp với những nơi có địa bàn rộng, điều kiện địa lý khó khăn; cũng như áp dụng cứng đối với trạm y tế phường (chỉ có năm biên chế) mặc dù dân số đông; chưa có hướng dẫn chức danh dược, chức danh dân số ở trạm y tế. Công tác tuyển dụng cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình xã gặp khó khăn vì chưa có quy định ngạch viên chức cụ thể theo Thông tư 05/2008/TT-BYT vì số cán bộ này hầu như không có chuyên môn y tế nên không phù hợp.
Hiện nay, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động có sự khác nhau giữa hai đối tượng lao động là viên chức và hợp đồng theo Quyết định 58. Các địa phương áp dụng không thống nhất, có nhiều cách làm khác nhau gây khó khăn và ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng công tác của người lao động. Tại nhiều địa phương, số hợp đồng theo Quyết định 58 được hưởng mọi chế độ chính sách như viên chức nhà nước, nhưng không được bổ nhiệm ngạch viên chức; bác sĩ không được xếp ngạch viên chức nên không được thi nâng ngạch, không điều chuyển từ xã lên huyện hoặc chuyển công tác từ huyện này sang huyện khác hoặc từ tỉnh này sang tỉnh khác. Văn bản của Nhà nước quy định chồng chéo, có văn bản quy định quá lâu, có nội dung không phù hợp nhưng đến nay chưa có văn bản thay thế hoặc sửa đổi nên rất khó thực hiện; hầu hết các văn bản hiện hành chỉ quy định đối tượng là viên chức, không có văn bản nào đề cập đến đối tượng hợp đồng theo Quyết định 58 nên các chức danh chuyên môn (kể cả bác sĩ, trưởng trạm) đều thực hiện tuyển dụng, quản lý như lao động hợp đồng, riêng chức danh dân số lại tuyển dụng, quản lý như đối với viên chức nên rất không hợp lý. Vì vậy, việc áp dụng thực hiện các chế độ chính sách cho cán bộ y tế xã gặp nhiều khó khăn, không thống nhất, thiếu công bằng; việc điều động, luân chuyển giữa các đơn vị tuyến huyện và tuyến xã đối với số lao động hợp đồng theo Quyết định 58 gặp nhiều khó khăn. Số bác sĩ là những cán bộ chuyên môn có trình độ đại học chưa thật sự yên tâm công tác tại xã vì chưa có chính sách thu hút, đãi ngộ phù hợp.
Đối với y tế thôn, bản, cánh tay nối dài của y tế xã thì mức phụ cấp được quy định tại Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ không áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, bản tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn. Điều đó dẫn đến tình trạng nhân viên y tế ở các tổ dân phố thuộc phường, thị trấn không tham gia hoạt động vì không thuộc phạm vi, đối tượng áp dụng mà do địa phương tự cân đối và vận dụng chi trả phụ cấp. Đội ngũ "cô đỡ" dân tộc chưa chính thức được xác định vị trí trong hệ thống y tế. "Cô đỡ" dân tộc là những người sống tại cộng đồng ở những vùng địa lý đi lại khó khăn, thiếu thông tin liên lạc, thiếu sự sẵn có của dịch vụ y tế thân thiện với người dân tộc thiểu số, còn tồn tại các tập tục và thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số, liên quan đến việc mang thai và sinh đẻ, đây là những yếu tố cơ bản cản trở trong việc sinh con tại cơ sở y tế. Ở một số địa phương đội ngũ "cô đỡ" đã được quản lý, sử dụng như nhân viên y tế thôn, bản. Từ đó đã phát huy được hiệu quả cụ thể bằng việc sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để truyền đạt cho người dân thôn, bản những thông tin quan trọng về chăm sóc sức khỏe và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn, bản cho các vùng dân tộc miền núi để tăng cường cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn tại các vùng khó khăn, có nhiều người dân tộc sinh sống. Tuy nhiên, phần lớn các tỉnh mới chỉ quan tâm tới việc cử đi đào tạo nhưng chưa quan tâm trong việc quản lý, sử dụng, cho nên có tình trạng có nhiều "cô đỡ" sau khi được đào tạo đã không tham gia hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả./.
Theo: nhandan.com.vn