Theo số liệu thống kê, đến cuối tháng 11-2012, huyện Mỹ Lộc có 15.714 trẻ em, trong đó số trẻ dưới 6 tuổi là 6.891cháu; số trẻ chưa thành niên từ 16 đến dưới 18 tuổi có 5.238 cháu. Năm 2012, thực hiện kế hoạch Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2020, huyện đã thành lập Ban điều hành bảo vệ trẻ em của huyện và ban hành quy chế hoạt động. Công tác tuyên truyền có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của các cấp, các ngành, các gia đình và cá nhân về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được nâng lên rõ rệt. Việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quan tâm. Công tác truyền thông, vận động cộng đồng tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được chú trọng với nhiều hình thức thông qua các dịp phát động Tháng hành động vì trẻ em, các buổi sinh hoạt của các CLB phụ nữ, thanh niên… Hoạt động vận động ủng hộ Quỹ bảo trợ trẻ em đạt kết quả cao. Đến ngày 20-12-2012 đã có 83 cơ quan, đơn vị tham gia ủng hộ Quỹ với số tiền 81,72 triệu đồng, tăng 20% so với năm 2011. Trong năm 2012 từ nguồn quỹ cấp huyện đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 55 lượt trẻ em ở 11 xã, thị trấn dịp Quốc tế thiếu nhi với tổng số tiền là 16,5 triệu đồng; mức quà thấp nhất là 300.000 đồng/cháu. Tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2012 có 22 cháu được tặng xe đạp; dịp Tết Trung thu, Hội đồng bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em huyện đã trích quỹ để đi thăm, tặng quà hội trại thu của 11 xã, thị trấn. Được hỗ trợ và động viên, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi đã vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Giờ chơi theo nhóm của các cháu lớp 5 tuổi Trường Mầm non xã Mỹ Trung. |
Cùng với việc hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, huyện Mỹ Lộc đã triển khai đồng bộ các chương trình chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng và tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Năm 2012, toàn huyện tiêm chủng 7 loại vắc-xin cho gần 800 trẻ dưới 1 tuổi, đạt trên 99,6%; thực hiện bổ sung dinh dưỡng và tẩy giun cho 7.020 lượt trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi, đạt 100%; tuyên truyền, tập huấn phòng chống tai nạn đuối nước cho toàn bộ nhân viên y tế tuyến cơ sở. Việc cấp phát thẻ BHYT cho trẻ em mới sinh được thực hiện kịp thời. Tính đến tháng 12-2012, có 100% trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi được cấp thẻ BHYT. Công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng được các cấp, các ngành chú trọng. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát, tình hình trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, cưỡng bức lao động trẻ em trên địa bàn…; nắm chắc số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có biện pháp can thiệp giải quyết kịp thời. Toàn huyện có 23 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó toàn bộ trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định. Qua kiểm tra, chấm điểm theo hướng dẫn cả 11 xã, thị trấn của huyện đăng ký xây dựng xã, thị trấn phù hợp với trẻ em đều đạt tiêu chí về số điểm.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn huyện chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thiếu thường xuyên. Việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc trẻ em của một số gia đình chưa chặt chẽ. Kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí cho trẻ em ở xã, thị trấn chưa thực sự được quan tâm, nên nơi vui chơi giải trí cho trẻ em còn thiếu, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ. Đến nay mới có 6 xã, thị trấn có 13 điểm vui chơi dành cho trẻ em với tổng diện tích 13 nghìn m2; trong đó chỉ có 3 điểm có thiết bị và tổ chức hoạt động vui chơi giải trí thường xuyên cho trẻ em. Cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về trẻ em ở cơ sở phải kiêm nhiệm, do đó chất lượng, hiệu quả chăm sóc, bảo vệ đối với trẻ em chưa phù hợp yêu cầu. Huyện vẫn chưa xây dựng được đội ngũ tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ trẻ em. Toàn huyện vẫn còn 443 trẻ em sống trong các hộ nghèo và 401 cháu sống trong các hộ cận nghèo; 932 trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 16,65% số trẻ em) bị suy dinh dưỡng, có 2 trẻ em phải làm việc xa gia đình…
Thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em của tỉnh giai đoạn 2011-2020, huyện Mỹ Lộc tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, thị trấn phù hợp với trẻ em. Đổi mới và đa dạng hoá công tác truyền thông về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, như: Luật Hôn nhân gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Pháp lệnh Dân số; nêu gương người tốt, việc tốt và phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Cán bộ thương binh, xã hội xã, thị trấn cần tích cực, chủ động trong việc tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện và kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; duy trì tốt việc cấp, phát thẻ khám, chữa bệnh sau khi sinh để đảm bảo quyền khám, chữa bệnh đối với trẻ em. Duy trì và phát huy việc đăng ký hộ tịch cho trẻ em sau khi sinh, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện quy định của pháp luật cho, nhận con nuôi và nuôi dưỡng trẻ em mồ côi của cá nhân trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Vân Anh