Tăng cường công tác bảo vệ môi trường đất

09:03, 17/03/2012

Hiện nay, toàn bộ 113.433ha đất nông nghiệp của tỉnh đã được đưa vào khai thác hiệu quả. Đối với diện tích đất phi nông nghiệp cũng đều đã có kế hoạch hoặc đã được đưa vào sử dụng; một phần nhỏ diện tích chưa sử dụng và diện tích hằng năm được tăng thêm do phù sa bồi đắp, chủ yếu nằm ven biển, đất đai bị nhiễm mặn. Tuy nhiên, qua điều tra của các ngành chức năng, chất lượng môi trường đất khu vực trồng trọt hiện đang suy giảm. Tại các điểm quan trắc đất nông nghiệp đều có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi hoá chất bảo vệ thực vật (BVTV); dư lượng thuốc BVTV trong đất đã xấp xỉ bằng hoặc vượt ngưỡng cho phép. Đặc biệt, tại các khu vực làng nghề sản xuất cơ khí hoặc tái chế kim loại, tình trạng đất bị ô nhiễm kim loại nặng ngày một gia tăng; các mẫu phân tích đất nông nghiệp đều tồn tại các kim loại nặng như: Cu, Pb, Zn. Tại thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong (TP Nam Định) và xã Hoành Sơn (Giao Thủy), nhân dân địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề do tồn dư thuốc BVTV, ước tính, khối lượng đất ô nhiễm nặng là 2.400m3 và đất ô nhiễm nhẹ là gần 2.800m3

Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định sử dụng phân vi sinh cải tạo chất lượng đất tại Công viên Vỵ Xuyên.
Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định sử dụng phân vi sinh cải tạo chất lượng đất tại Công viên Vỵ Xuyên.

Trước thực trạng này, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của tài nguyên đất, các nguy cơ tác động gây suy thoái, ô nhiễm môi trường đất, từ đó nâng cao ý thức của nhân dân trong việc tham gia thực hiện các biện pháp cải tạo, bảo vệ tài nguyên đất. Trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho hoa màu, bà con nông dân đã thực hiện việc phun thuốc BVTV, bón phân đủ liều lượng, hạn chế phát tán lượng dôi dư ra môi trường. Ở các huyện, việc thu gom, xử lý các chai lọ, bao bì đựng phân bón, thuốc trừ sâu sau sử dụng đã được thực hiện, giảm dần tình trạng vứt bỏ bừa bãi, tràn lan ngoài đồng. Các ngành chức năng của tỉnh tích cực tiếp cận các nguồn hỗ trợ kinh phí, tranh thủ các dự án để đầu tư cho công tác cải tạo, bảo vệ và nâng cao chất lượng nguồn đất. Ngành NN và PTNT tỉnh đã tiếp cận nhiều chương trình hỗ trợ bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường đất nói riêng với các dự án cải tạo chất lượng đất, nâng cao năng suất cây trồng, cải tạo khu chuồng trại chăn nuôi, giảm thiểu mức độ phát sinh, phát tán nguồn ô nhiễm từ sản xuất công, nông nghiệp gây tác hại ô nhiễm đến nguồn đất. Từ đầu năm 2010 đến nay Chi cục BVTV tỉnh đã triển khai dự án xây dựng “Mô hình quản lý rầy hại lúa theo hướng hiệu quả - bền vững” trên 5ha lúa tại xã Nam Mỹ với 50 hộ dân tham gia. Mô hình được triển khai thí điểm trong 5 vụ lúa, các hộ tham gia được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ một phần giống, phân bón, thuốc BVTV và áp dụng biện pháp tổng hợp, thâm canh lúa cải tiến, quản lý rầy ngay từ đầu vụ. Vụ mùa năm 2011, trong khi diện tích lúa áp dụng mô hình chưa phải phun trừ sâu lần nào thì các ruộng đối chứng đã phải phun thuốc trừ sâu hai lần. Tại các ruộng lúa áp dụng mô hình, cây lúa khoẻ, đẻ nhánh tập trung, nhiều bông, năng suất tăng từ 10 đến 15%; ngoài ra còn giảm được 55,6kg phân đạm/ha, giảm cả số lượng và số lần phun thuốc BVTV. Mô hình này không chỉ đem lại sự cân bằng sinh thái cho đất mà còn giữ vững môi trường sinh thái, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Từ năm 2007, Sở KH và CN đã ký hợp đồng và giao cho Trung tâm Giống cây trồng tỉnh thực hiện dự án: “Nhân và trồng thí điểm giống phi lao Trung Quốc chịu mặn bằng phương pháp giâm hom tại một số vùng ven biển tỉnh Nam Định”. Đây là giống cây có năng suất, khả năng kháng bệnh, chịu mặn cao, đảm bảo được tính di truyền, nên không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các giống phi lao cũ mà còn góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phòng hộ, bảo vệ đê biển và giảm thiểu nguy cơ diện tích đất nông nghiệp ở các vùng ven biển bị ngập, nhiễm mặn. Tại xã Giao Xuân (Giao Thủy), phần lớn các hộ đều có diện tích đất vườn lớn, từ 3 đến 5 sào. Trước đây, hầu hết các hộ dân trong xã đều không chú trọng đầu tư cho việc quy hoạch, cải tạo sử dụng đất, gây lãng phí làm xói mòn và suy giảm chất lượng nguồn tài nguyên đất vườn.

Tháng 9-2009, được Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) hỗ trợ, xã đã được thực hiện các dự án: Cải tạo vườn tạp bằng phân hữu cơ vi sinh và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để các giống cây có khả năng chống chịu gió bão, gồm thanh long ruột đỏ, đại táo, nhãn muộn, bưởi Diễn; nuôi giun quế góp phần cải tạo đất, làm tăng năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường và làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, thuỷ sản; xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ vi sinh. Việc thực hiện đồng loạt ba dự án này đã thiết lập nên mối quan hệ hữu cơ, thúc đẩy nhau cùng phát triển bền vững đã giúp cho các hộ dân xã Giao Xuân bảo vệ môi trường đất, vừa làm đẹp cảnh quan, nâng cao giá trị thu nhập. Tại Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định đã tích cực triển khai dự án sản xuất phân hữu cơ từ nguồn rác thải của thành phố và đưa vào sử dụng, góp phần cải tạo hiệu quả nguồn đất của các mô hình thử nghiệm như: Khu Công viên Vỵ Xuyên, vườn ươm, các xã ngoại thành Thành phố Nam Định… Để ngăn chặn, hạn chế các hành vi có thể gây tác động xấu đến nguồn tài nguyên đất, từ nhiều năm nay, Sở TN và MT đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng thực hiện nhiều chương trình giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất, sinh hoạt. Triển khai hỗ trợ kinh phí thành lập đội thu gom rác thải được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động và các thiết bị chuyên dùng; xây kho chứa chất thải nguy hại tại bãi rác tập trung của xã; các hộ làm nghề xây dựng hố ga chứa nước thải, xây ống khói giảm thiểu bụi… tại các làng nghề cơ khí: Vân Chàng, Bình Yên (Nam Trực). Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ từ các dự án, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng các công trình chôn lấp, xử lý chất thải rắn cho 10 xã, thị trấn có làng nghề tại các huyện: Trực Ninh, Xuân Trường, Nam Trực, Ý Yên; đầu tư 6,5 tỷ đồng xây dựng trạm xử lý nước thải tại các làng nghề Yên Xá (Ý Yên); Xuân Tiến, Xuân Bắc (Xuân Trường); CCN An Xá (TP Nam Định)… Mới đây, UBND tỉnh vừa ký quyết định triển khai xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hoá chất BVTV tồn lưu trong sản xuất nông nghiệp tại hai địa phương có nồng độ ô nhiễm cao là thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong (TP Nam Định) và xã Hoành Sơn (Giao Thủy). Với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng, dự kiến từ nay đến năm 2013, dự án sẽ xử lý toàn bộ đất bị ô nhiễm theo phương thức chôn lấp cô lập bằng bê tông kết hợp xử lý hoá học đối với đất ô nhiễm nặng; sử dụng mặt bằng cách xa khu dân cư, lấp đất và đổ lớp bê tông mặt, phủ đất trồng cỏ bên trên. Đối với đất ô nhiễm nhẹ sẽ tiến hành xử lý hóa học kết hợp biện pháp chống thấm tại vùng tồn lưu hóa chất BVTV, sau đó lấy mẫu kiểm tra đánh giá hiệu quả xử lý và hoàn trả lại mặt bằng.

Để nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ tài nguyên đất, các ngành chức năng trong tỉnh đang tích cực phối hợp triển khai các dự án và vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện nhằm đạt kết quả cao./.

Bài và ảnh: Thúy Vy
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com