Với những nỗ lực không ngừng, những năm qua, Việt Nam luôn được Liên hợp quốc đánh giá là một trong những nước đạt mức bình đẳng giới cao, khoảng cách giữa nam và nữ được thu hẹp. Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ nam giới và phụ nữ ở nước ta tham gia hoạt động kinh tế ở mức gần bằng nhau: nữ là 83% và nam là 85%. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động kinh tế, tạo việc làm và giữ vai trò chính trong một số ngành. Đội ngũ nữ trí thức tiếp tục tăng cả về số lượng, chất lượng và được trẻ hoá, chiếm gần 40% số người có trình độ thạc sỹ, 21% số người có học vị tiến sỹ… Để đạt được những kết quả đó bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của bản thân chị em còn có vai trò tích cực của Hội LHPN các cấp.
Nữ chiến sỹ thông tin Bộ CHQS tỉnh trong một ca trực sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Đức Trung (Bộ CHQS tỉnh) |
Cùng với Hội Phụ nữ cả nước, trong nhiều năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hiệu quả nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, các cấp Hội đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ thông qua việc tìm kiếm, khai thác các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước, các chương trình, dự án của nước ngoài như dự án tín dụng Việt - Bỉ, dự án Quỹ tình thương, Quỹ quay vòng của Ngân hàng thế giới... Đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đang trực tiếp quản lý và điều hành trên 1.128 tỷ đồng vốn, hỗ trợ cho 119 nghìn hộ vay phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ cũng tích cực đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, trong đó tập trung vào một số nghề có xu hướng phát triển như thêu ren, mây tre đan, móc hộp sợi xuất khẩu, tin học, giúp việc gia đình… Các hình thức đào tạo nghề cũng linh hoạt, người có nghề dạy người chưa có nghề, chị em trong các chi hội tự truyền nghề cho nhau... Đi đôi với hoạt động dạy nghề, các cấp Hội còn đứng ra làm cầu nối tư vấn, giới thiệu việc làm giữa người lao động với các đơn vị tuyển dụng lao động. Từ năm 2006 đến nay Hội Phụ nữ các cấp đã tư vấn, giới thiệu cho trên 10 nghìn lao động vào làm tại các Cty, xí nghiệp trong tỉnh và đi xuất khẩu lao động; tổ chức hàng trăm lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp cho khoảng 3.000 lượt phụ nữ ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Hoạt động dạy nghề kết hợp vay vốn đã tạo nhiều cơ hội việc làm tại chỗ nên chị em không phải đi làm ăn xa, có điều kiện ở nhà chăm sóc con cái, tham gia các hoạt động xã hội. Nhờ có sự giúp đỡ của Hội, đời sống của đại đa số phụ nữ đã được nâng lên; nhiều phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng, từ đó vai trò, vị thế của chị em được nâng cao, từng bước làm chủ cuộc sống. Hội cũng có nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình đạt 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, hỗ trợ xây mới và sửa chữa hàng trăm ngôi nhà cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, Hội cũng đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ các cấp về công tác cán bộ nữ, phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu cho tổ chức những phụ nữ có trình độ, năng lực tham gia vào các hoạt động xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 17 nữ đại biểu HĐND tỉnh, 1.007 nữ đại biểu HĐND xã, thị trấn; 6 phó giám đốc các sở, ngành, 98 trưởng, phó phòng cấp sở, 112 trưởng, phó phòng, ban cấp huyện là nữ; 890 chị là hiệu trưởng, hiệu phó các trường phổ thông, 256 chị là trưởng, phó khoa, phòng của ngành Y tế. Có 19 chị giữ cương vị bí thư, phó bí thư Đảng uỷ các xã, phường, thị trấn, 17 chị là chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ, HĐND các cấp từng bước nâng lên, tỷ lệ đảng viên nữ được kết nạp chiếm trên 50% tổng số đảng viên kết nạp hằng năm. Nhiều địa phương đã tạo điều kiện cho cán bộ nữ được phát triển, cống hiến như cho chị em đi học nâng cao trình độ, mạnh dạn phân công giao việc để chị em được rèn luyện, trưởng thành.
Tuy nhiên ở nhiều nơi, phụ nữ vẫn còn bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán lạc hậu, tỷ lệ phụ nữ nghèo còn cao, vấn đề bạo lực gia đình, tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em còn diễn biến phức tạp. Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo quản lý, tham gia các cơ quan dân cử còn thấp, chưa tương xứng với năng lực, sự đóng góp của lực lượng lao động nữ trong xã hội. Nguyên nhân do hiện nay định kiến giới vẫn còn tồn tại, bên cạnh đó bản thân phụ nữ vẫn còn có tư tưởng tự ti, an phận, ngại tham gia các hoạt động xã hội. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 nhằm hướng đến 7 mục tiêu, trong đó có mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lao động, việc làm; tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm giảm khoảng cách giới trong hệ thống chính trị. Để đạt được mục tiêu đó, trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về giới trong xã hội, đưa Luật Bình đẳng giới thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của mình, các cấp Hội cần phát huy hơn nữa vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, tích cực tham gia phòng, chống các hành động xâm phạm đến quyền, lợi ích của phụ nữ như phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ sau ly hôn và các vụ án dân sự khác… Mặt khác, bản thân mỗi chị em phải nỗ lực học tập, nâng cao trình độ và năng lực công tác, khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống để khẳng định vai trò, vị thế của mình trong xã hội./.
Phương Mai