Môi trường nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề bức xúc vì ngập úng, ô nhiễm nghiêm trọng..., mà một trong những nguyên nhân là do sự lạm dụng túi ni-lông. Kết quả khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó biến đổi khí hậu cho biết: Mỗi ngày, người dân của hai Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thải ra khoảng 80 tấn nhựa và túi ni-lông; trung bình mỗi hộ gia đình tại hai địa phương này dùng 11,3 túi ni-lông/ngày. Việc sử dụng túi ni-lông vô tội vạ là hiểm họa lớn đối với môi trường và sức khỏe con người. Theo phân tích của các nhà khoa học, sau khi sử dụng, rác ni-lông phải mất từ 500 năm đến 1000 năm mới tự phân hủy. Nếu chôn lấp, túi ni-lông gây ảnh hưởng môi trường nước, nếu đốt chúng sẽ tạo khí thải có chất độc đi-ô-xin gây bệnh ung thư... Việc sử dụng túi ni-lông để chứa thực phẩm lại càng nguy hại, vì khiến thực phẩm bị nhiễm các kim loại từ ni-lông. Đó là chưa kể những loại ni-lông chất lượng kém, được tái chế từ rác thải y tế, là nguồn lây nhiễm các loại bệnh cho người sử dụng...
Ảnh minh họa/Internet. |
Nhằm hạn chế việc lạm dụng túi ni-lông, thời gian qua, tại các địa phương, hàng loạt các sự kiện, các cuộc vận động được tổ chức nhằm tuyên truyền, giáo dục người dân nhận thức rõ về tác hại của túi ni-lông đối với môi trường và sức khỏe con người, từ đó tạo thói quen hạn chế sử dụng loại túi này, góp phần giữ gìn môi trường. Cùng với những việc làm này, từ ngày 1-1-2012, các ngành chức năng chính thức triển khai áp thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni-lông tại các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Chủ trương hạn chế việc sử dụng các loại túi ni-lông và sản phẩm không thân thiện môi trường là việc làm cần thiết. Nhưng để việc thực hiện chủ trương có hiệu quả, cần có chiến lược, chính sách và giải pháp đồng bộ, cụ thể. Trước mắt cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người hiểu rõ tác hại của việc sử dụng túi ni-lông, từ đó thay đổi thói quen khi đi mua hàng. Mặt khác, cần có ngay giải pháp khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ các loại túi tự hủy, túi thân thiện môi trường với những ưu thế hơn hẳn túi ni-lông, như có chất lượng tốt, chịu được nước, giá thành rẻ, sử dụng nhiều lần... Nếu chúng ta chỉ kêu gọi hạn chế sử dụng, mà không chú trọng đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, thì chủ trương khó đi vào cuộc sống và không đạt kết quả bền vững./.
Theo Nhân dân