Không phải ngẫu nhiên thời gian gần đây khi bàn đến chất lượng giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) ở các diễn đàn đều rất "nóng". Nhất là ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục cũng như toàn xã hội đều tỏ rõ sự lo lắng khi GD và ĐT chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Điều đó đòi hỏi cần có những nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng để xác định được những giải pháp đổi mới GD và ĐT, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra.
Cô giáo Vũ Thị Thu Hảo, giáo viên dạy giỏi Trường Tiểu học Giao Tiến (Giao Thuỷ) cùng đội tuyển học sinh giỏi của trường.
Ảnh:
Hồng Minh
|
"Điểm nghẽn" của sự phát triển
Mặc dù những năm qua, GD và ĐT nước ta đã tạo ra những tiền đề quan trọng để đổi mới cơ bản và toàn diện, đó là sự thay đổi nhận thức và lòng tin của xã hội đối với quyết tâm đổi mới của toàn ngành giáo dục, nhưng căn bệnh thành tích và những tiêu cực, hạn chế trong GD và ĐT vẫn phổ biến. Chất lượng GD và ĐT là yêu cầu về "đầu ra" của học sinh phổ thông và sinh viên các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Tuy nhiên, hệ thống GD đại học chưa có một phương pháp khoa học và ổn định trong đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng cho CNH, HĐH đất nước. Đáng chú ý, cơ chế "xin - cho" vẫn còn phổ biến trong hệ thống GD và ĐT và là những kẽ hở cho tiêu cực có thể nảy sinh. TS Bùi Trần Phượng (Trường đại học Hoa Sen) đánh giá, quan hệ "xin - cho" và bản thân cơ chế quản lý quan liêu triệt tiêu nghĩa vụ giải trình và chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục. Thẩm quyền quản lý tập trung thường xuyên bị sử dụng sai mục đích và trái với điều kiện nhằm đạt hiệu quả phân minh, đồng bộ về chất lượng giáo dục. Theo PGS,TS Bùi Ngọc Oánh, Viện trưởng Khoa học phát triển nhân lực và tài năng, hiện nay, việc đào tạo nhân lực trong các trường ĐH, CĐ còn nặng nề, thiếu tính thực tiễn và tính ứng dụng. Trong khi đó, tình trạng bằng "thật" nhưng học "giả" ảnh hưởng không nhỏ đến việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng của đất nước. Bộ GD và ĐT đánh giá, trong đào tạo ĐH, CĐ hệ không chính quy của nhiều trường còn mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, trình độ và hình thức đào tạo. Nhiều trường vi phạm các quy định trong tuyển sinh, đào tạo, cấp phát bằng, mở ngành đào tạo. Trong khi đó, việc quản lý của Bộ GD và ĐT cùng các cấp còn hạn chế, chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên, việc thanh tra, kiểm tra chưa có hiệu quả.
Khi trao đổi tại đối thoại phòng, chống tham nhũng năm 2010, Phó Chánh thanh tra Bộ GD và ĐT Phạm Văn Tại cho rằng: Tham nhũng, tiêu cực trong GD và ĐT vẫn còn tồn tại trong một số hoạt động như: dạy thêm, học thêm tràn lan để thu tiền, tạo thu nhập không chính đáng cho cá nhân trong một bộ phận nhà giáo. Trong tuyển sinh đầu cấp, từ chỗ không đủ điều kiện trúng tuyển đã giả mạo hồ sơ hoặc chạy chọt để được trúng tuyển; tình trạng chạy trường, lạm thu trong nhà trường vẫn xảy ra... Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII vừa qua, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Trần Minh Diệu dẫn chứng: Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2007, tỷ lệ tốt nghiệp chỉ là 66,7%, trong đó nhiều trường có tỷ lệ dưới 30%, đến năm 2011 tỷ lệ tốt nghiệp là 95,72%, trong đó có hàng trăm trường tốt nghiệp 100%. Kết quả đó làm cho dư luận xã hội băn khoăn, nghi ngại và cho rằng việc coi thi, chấm thi có vấn đề.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém, hạn chế trong GD và ĐT hiện nay. Trong đó, nguyên nhân quan trọng là việc ngành GD và ĐT chưa nhìn nhận thẳng thắn và "trị bệnh tận gốc" những tồn tại, yếu kém. Công tác quản lý giáo dục còn ôm đồm, nhất là trong kiểm tra, thanh tra còn lỏng lẻo, công tác quản lý của Bộ GD và ĐT đối với các trường chưa đổi mới đáng kể để phù hợp với các quy luật vận động trong hệ thống GD và ĐT và đòi hỏi của phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chung của đất nước.
Đột phá quản lý và triệt tiêu tiêu cực
Đánh giá đúng chất lượng để từ đó có những giải pháp, cách làm sát hợp trong GD và ĐT cần được thực hiện đồng bộ, cả nội dung, chương trình, phương pháp và nhất là đổi mới quản lý giáo dục, không chấp nhận phát triển giáo dục bằng bất cứ giá nào, không làm giáo dục theo kiểu "phong trào", không chạy theo "tốc độ thành tích", mở rộng quy mô đơn thuần. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Vấn đề đổi mới quản lý là khâu đột phá của hệ thống giáo dục. Vì vậy, cần hoàn chỉnh lại quy hoạch giáo dục bậc đại học, phổ thông và cơ sở nghề; thực hiện phân cấp trong quản lý; hoàn chỉnh quy chế quản lý Nhà nước ở các cấp học và nâng cao chất lượng đội ngũ hiệu trưởng... Đáng chú ý, công tác đổi mới quản lý nhà nước cần thực hiện từ cơ quan Bộ GD và ĐT, như thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, triển khai các quy trình "một cửa, một dấu" trong việc xin thành lập trường đại học, cao đẳng, mở ngành và tuyển sinh.
Ở khía cạnh khác, TS Hoàng Ngọc Vinh (Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD và ĐT) nhận định, tiêu cực trong giáo dục ảnh hưởng nhiều đến con người hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác trong xã hội. Vì vậy, chống tiêu cực trong thi cử không chỉ có ý nghĩa làm lành mạnh hóa nền giáo dục mà còn làm xã hội tốt đẹp hơn. Loại trừ tiêu cực trong giáo dục (chủ yếu là thi cử) có thể xem là điều kiện quan trọng để đào tạo nhân lực chất lượng cao và là bước cơ bản cho trận chiến dài lâu chống tham nhũng, tiêu cực. Một xã hội trong sạch với nguồn nhân lực chất lượng cao chỉ có thể được xây dựng trên một nền tảng giáo dục vững chắc.
Đổi mới GD và ĐT đang đặt ra yêu cầu nhìn nhận thực chất những hạn chế, yếu kém để từ đó tập trung đẩy mạnh đổi mới quản lý trong toàn ngành giáo dục từ các cấp quản lý đến mỗi cơ sở giáo dục. Ngành GD và ĐT cần thực hiện kiểm định chất lượng ở tất cả các bậc học, đồng thời rà soát, hoàn thiện và thực hiện quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ và dạy nghề trong cả nước. Chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống các trường ĐH, CĐ; khắc phục tình trạng thành lập mới ở những nơi, những lĩnh vực không đủ điều kiện về đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đầu vào của sinh viên. Thực hiện phân cấp, tạo động lực và tính chủ động của các cơ sở giáo dục, nhất là tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đi đôi với việc hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, bảo đảm sự giám sát của các cơ quan nhà nước và xã hội. Ngành chủ quản cần đánh giá lại toàn bộ chương trình và sách giáo khoa phổ thông nhằm sớm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa khuyến khích được sức sáng tạo của người học. Đặc biệt, cần vượt qua những con số thống kê cao ngất ngưởng đầy "cám dỗ" về thành tích để thay vào đó là ý thức, đạo đức và trách nhiệm trong việc dạy chữ, dạy người; đồng thời xử lý triệt để các tiêu cực, hạn chế về chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, gánh nặng thi cử, bằng cấp, nhằm từng bước nâng cao chất lượng GD và ĐT đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công cuộc CNH, HĐH đất nước./.