Bảo đảm thu nhập, đời sống cho người lao động tại các KCN

08:12, 03/12/2011

Điều tra của Ban Quản lý các KCN của tỉnh, trong những tháng cuối năm 2011, mức lương bình quân của người lao động (NLĐ) tại các doanh nghiệp đều tăng, các chế độ hỗ trợ cho đời sống của NLĐ cũng có chuyển biến nhưng thực tế đời sống NLĐ tại các khu, CCN trong tỉnh có mức sống tăng không đáng kể. Nhiều lao động vẫn phải bỏ việc trong khi không ít doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, nhất là ở khối ngành dệt may.

Chuẩn bị bữa ăn cho công nhân tại Cty TNHH Youngone Nam Định (KCN Hòa Xá, TP Nam Định).
Chuẩn bị bữa ăn cho công nhân tại Cty TNHH Youngone Nam Định (KCN Hòa Xá, TP Nam Định).

Năm 2011, để thu hút lao động, nhiều doanh nghiệp liên tục tăng lương và tăng chế độ phụ cấp, nhất là khối ngành dệt may. Nổi bật là Cty TNHH Youngone Nam Định đến nay nâng lương bình quân cho công nhân đạt từ 3,5 triệu đồng/tháng trở lên. Bên cạnh đó, Cty còn có chế độ trợ cấp 60% bữa ăn trưa, hỗ trợ 100% tiền phòng trọ cho những công nhân ở nông thôn, thưởng tháng lương thứ 13 và thưởng lao động xuất sắc, đang triển khai xây dựng nhà trọ cho công nhân với dung lượng trên 1.000 chỗ ở. Hàng loạt doanh nghiệp khác như Cty CP Thúy Đạt, Cty CP Thủy Bình, Cty TNHH Univer Candle Nam Định, Cty CP Lâm sản Nam Định… đều tăng lương, tăng mức hỗ trợ cho công nhân. Tháng 6-2011, Cty Young Smart Shirt (KCN Mỹ Trung) còn đưa ra liệu pháp tăng “sốc” về lương và trợ cấp với mức tăng vượt trước thời điểm thực hiện quy định tăng lương tối thiểu doanh nghiệp của Chính phủ. Đồng chí Vũ Quang Tùng, Trưởng phòng Quản lý Doanh nghiệp (Ban Quản lý các KCN của tỉnh) cho biết, chưa hoàn thành điều tra để xác định chính xác, sơ bộ ước tính mức lương bình quân của NLĐ tại các KCN năm nay đạt khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nguyên nhân tăng lương do Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu của NLĐ khối doanh nghiệp và do các doanh nghiệp buộc phải tăng lương để thu hút lao động phục vụ mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên nghịch lý là lương tăng, trợ cấp tăng nhưng chất lượng sống của công nhân chưa được cải thiện. Nguyên nhân do lạm phát vẫn tiếp diễn, trong 11 tháng qua chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 18,62% so với cùng kỳ năm 2010. Giá cả tăng vọt, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu hằng ngày như lương thực, thực phẩm, nhà ở… đã tạo áp lực trực tiếp lên đời sống công nhân. Chị Trần Thị Liên, công nhân Xưởng 4, Cty TNHH Youngone Nam Định cho biết: “Trước đây, thu nhập 2,2 triệu đồng một tháng cũng đủ tiêu. Bây giờ lương mỗi tháng trên 3 triệu đồng nhưng chưa hết tháng đã hết tiền”. Theo tính toán của chị Liên, năm ngoái mức ăn tối thiểu đối với một công nhân khoảng 800 nghìn đồng/tháng thì hiện nay mất khoảng 1,4 triệu đồng. Tiền nhà trọ tăng từ 200 nghìn đồng lên gần 400 nghìn đồng/người/tháng; xăng xe, chi phí cá nhân khoảng 500 nghìn đồng/tháng. Theo chị Liên, thực tế trong số gần 500 công nhân của Xưởng 4, chỉ có số công nhân chưa có gia đình riêng có nhà tại Thành phố Nam Định hiện nay là có thể có tích lũy được vài trăm nghìn đồng/tháng. Đến các khu trọ của công nhân tại địa bàn giáp ranh các khu, CCN càng thấy những khó khăn, thiếu thốn của công nhân hiện nay. Bà Trần Thị Thu có 7 phòng trọ tại xã Mỹ Xá (TP Nam Định) cho biết: “Tháng nào cũng có công nhân xin khất tiền trọ, nhưng không đành lòng không cho ở vì thấy họ thiếu thốn thực sự!”. Bà Thu kể, thỉnh thoảng đến kiểm tra phòng trọ, thấy phòng số 4 có 3 công nhân nam lần nào cũng chỉ có một nồi cơm và một nồi thức ăn. Vợ chồng anh Phạm Văn Thái, Lê Thị Liễu đều đang làm công nhân tại CCN An Xá, thuê trọ tại xóm 2, thôn Mỹ Trọng, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) cho biết: “Tổng thu nhập mỗi tháng của 2 vợ chồng tôi được gần 5 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà, tiền ăn và chi phí khác mất 4 triệu đồng, vợ tôi lại sắp sinh cháu (!)”… Những hoàn cảnh như trên là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng NLĐ không thiết tha, gắn bó với công việc, luôn có tư tưởng tìm kiếm công việc khác có thu nhập tốt hơn. Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, mối lo lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu lao động và không tuyển dụng được lao động. Trong bối cảnh đó, không ít doanh nghiệp sử dụng các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh về tăng lương, hứa hẹn đãi ngộ để tuyển dụng, thu hút lao động từ doanh nghiệp khác càng làm cho bức tranh đời sống NLĐ tại các khu, CCN trở nên phức tạp, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và kết quả chung của các khu, CCN.

Để khắc phục tình trạng trên, trước hết các doanh nghiệp cần đảm bảo thu nhập, mức sống cho công nhân để ổn định, phát triển doanh nghiệp. Mặc dù một số doanh nghiệp đã có động thái tích cực về nâng lương, hỗ trợ đời sống công nhân nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp thờ ơ với sự khó khăn của NLĐ. Nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ chăm lo đời sống, quyền lợi của NLĐ như đóng nộp BHXH, thực hiện các chế độ được quy định khác. Về lâu dài, để NLĐ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp thì cần có sự quan tâm toàn diện đến đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ. Với tổng số công nhân tại các KCN của tỉnh hiện nay lên tới trên 2 vạn người, hầu hết đều ở xa thì việc xây dựng khu KTX công nhân hiện nay là vấn đề cần được ưu tiên triển khai sớm. Cùng với KTX công nhân, các công trình phúc lợi khác như xây dựng trường học, nhà trẻ, công viên, sân chơi… tại khu KTX công nhân cũng cần được thực hiện. Công tác đào tạo nghề, trang bị kiến thức cho NLĐ cũng là vấn đề cần được ưu tiên để NLĐ có điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các chế độ, quyền lợi cho NLĐ theo quy định./.

Bài và ảnh: Hoàng Long

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com