Thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp người nghèo thoát nghèo bền vững

02:12, 06/12/2011

Chồng ốm đau, bệnh tật rồi mất sớm, một mình nuôi hai con nhỏ bằng mấy sào ruộng khoán nên điều kiện kinh tế gia đình chị Nguyễn Thị Len ở tổ dân phố số 10, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) rất khó khăn, nhà cửa xập xệ. Lâu nay ba mẹ con chị cứ ước ao dựng lại nhà cho chắc chắn nhưng không có khả năng. Mới đây, gia đình chị được Quỹ “Vì người nghèo” ủng hộ kinh phí xây lại nhà ở; anh em, họ hàng, bà con trong tổ dân số 10 cũng xúm vào ủng hộ, giúp đỡ thêm. Chẳng bao lâu ngôi nhà có giá trị xây dựng gần 50 triệu đồng đã được hoàn thành. Ngoài ủng hộ ngày công, Đồn Biên phòng 100 còn phát động cán bộ, chiến sỹ góp tiền mua tặng mẹ con chị Len một số vật dụng thiết yếu. Còn chị Trịnh Thị Cúc ở xóm 6, xã Xuân Thuỷ (Xuân Trường) được giúp đỡ xoá nghèo từ chương trình dạy nghề miễn phí cho hộ nghèo. Chị Cúc học nghề may, nhờ chăm chỉ, cố gắng, sau 3 tháng học chị đã thạo nghề. Học xong, được Trung tâm Dạy nghề huyện Xuân Trường giới thiệu với Cty May 10-10 Hà Nội, chị Cúc cùng một số người khác vay vốn mua 3 máy may, tổ chức nhận làm gia công màn tuyn xuất khẩu cho Cty. Công việc của các chị hiện khá ổn định với mức thu nhập bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng…

Trao tặng nhà đại đoàn kết cho bà Trần Thị Khéo ở xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc).
Trao tặng nhà đại đoàn kết cho bà Trần Thị Khéo ở xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc).

Trên đây là một số trường hợp trong số nhiều người nghèo trong tỉnh đã và đang thoát nghèo từ những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực của Nhà nước và các hoạt động ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng. Hướng tới mục tiêu xóa nghèo, những năm qua, tỉnh ta đã xây dựng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ người nghèo vốn vay phát triển sản xuất, hỗ trợ người nghèo về nhà ở, tiếp cận các dịch vụ xã hội; hỗ trợ người nghèo nâng cao năng lực, nhận thức. Xác định khó khăn lớn nhất của người nghèo là thiếu vốn sản xuất, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo. Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai 7 chương trình cho vay vốn ưu đãi với dư nợ cho vay lên tới hàng nghìn tỷ đồng, đối tượng thụ hưởng hầu hết là người nghèo. Chỉ tính riêng năm 2010 Ngân hàng CSXH tỉnh đã cho hơn 17 nghìn lượt hộ nghèo trong tỉnh vay vốn ưu đãi. Từ nguồn vốn vay này, các hộ dân đã đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, mở dịch vụ, nhờ vậy có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, hàng nghìn hộ đã thoát nghèo. Cùng với hoạt động hỗ trợ vốn vay, hiện tại tỉnh đang tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động, trong đó đối tượng lao động thuộc diện người nghèo được đặc biệt quan tâm. Tỉnh ta đã triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”, theo đó 22 cơ sở dạy nghề của tỉnh đã dạy nghề miễn phí cho 1.620 lao động thuộc đối tượng người nghèo, trong đó có 120 người khuyết tật. Ngành nghề đào tạo cho người nghèo khá đa dạng, tập trung vào các nghề phổ thông, dễ tìm kiếm việc làm như cơ khí, dệt, may, mây tre đan xuất khẩu; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi thủy sản, trồng hoa, cây cảnh… Nhờ có nghề, nhiều người đã tìm được việc làm, tự mở cơ sở sản xuất, có thu nhập từ nghề. Ngoài hỗ trợ người nghèo về vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, dạy nghề miễn phí, tỉnh còn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người nghèo về nhà ở. Trong 2 năm (2010-2011), toàn tỉnh có 4.585 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở theo Chương trình 167 của Chính phủ. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục phát động thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, nguồn vận động hàng năm được dành chủ yếu hỗ trợ người nghèo, xây mới, sửa chữa nhà ở. Từ đầu năm 2011 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã vận động, quyên góp xây mới  81 nhà đại đoàn kết, trị giá 1,7 tỷ đồng tặng hộ nghèo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy số hộ nghèo giảm nhanh nhưng tính bền vững không cao, vẫn còn tình trạng tái nghèo và xuất hiện những hộ nghèo mới. Vẫn còn nhiều hộ nghèo chưa được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ. Nhiều hộ nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất song chưa có phương án sử dụng hợp lý nên chưa phát huy được hiệu quả nguồn vốn đã được vay. Công tác dạy nghề, trong đó có dạy nghề cho lao động thuộc diện hộ nghèo còn nhiều bất cập, chất lượng còn hạn chế, nhiều lao động sau khi học nghề trình độ tay nghề không đảm bảo, do vậy vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc làm. Khảo sát toàn tỉnh hiện còn tới 1.107 hộ nghèo có nhà ở không an toàn, không có khả năng tự khắc phục. Trong khi đó nguồn ngân sách các cấp trong tỉnh cũng như các nguồn vận động hỗ trợ đều hạn chế. Một bộ phận người nghèo chưa thể hiện rõ quyết tâm thoát nghèo, vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ. Thực tế trên đòi hỏi các giải pháp giảm nghèo cần đồng bộ, được thực hiện có chất lượng, hiệu quả hơn./.

Bài và ảnh: Duy Hưng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com