Tăng viện phí và nỗi lo của người có thẻ BHYT

09:08, 06/08/2010

 

Cấp phát thuốc định kỳ cho bệnh nhân mắc các bệnh xã hội có thẻ BHYT tại Trung tâm Y tế dự phòng Giao Thủy. Ảnh: xuân thu
Cấp phát thuốc định kỳ cho bệnh nhân mắc các bệnh xã hội có thẻ BHYT tại Trung tâm Y tế dự phòng Giao Thủy.
Ảnh: xuân thu

Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo tăng giá viện phí. Dự thảo đưa ra chỉnh sửa theo hướng tăng giá khoảng trên 300 dịch vụ y tế trong tổng số gần 2000 dịch vụ y tế được quy định tại Thông tư 14/TT-BYT ban hành từ năm 1995 đã tạo ra sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là đối tượng có thẻ BHYT. Thực tế hiện nay, các bệnh viện đều xây dựng mô hình khám chữa bệnh theo giá dịch vụ, giá thoả thuận để đáp ứng nhu cầu được chữa trị của bệnh nhân. Song các mô hình này chủ yếu đáp ứng đối tượng không tham gia BHYT. Vì vậy, khung, mức giá dịch vụ y tế theo Thông tư 14 và dự kiến điều chỉnh trong thời gian tới chủ yếu áp dụng đối với người bệnh có thẻ BHYT. Trước dự định tăng giá viện phí của Bộ Y tế, những người tham gia BHYT đều lo lắng. Ông Phạm Văn Đăng, phường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) lo lắng: Tôi được cấp thẻ BHYT theo diện công nhân viên chức về hưu. Theo Luật BHYT thì thuộc diện cùng chi trả. Nếu tăng viện phí nghĩa là chi phí cùng chi trả của tôi cũng tăng. Kinh tế gia đình khó khăn, tôi lại hay ốm đau nên chắc sẽ rất chật vật với đợt tăng giá viện phí này!. Chị Phạm Thị Vân, xã Giao An (Giao Thuỷ) đang chữa bệnh nội trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Mấy ngày nay, bác sỹ, bệnh nhân xôn xao trước tin sẽ tăng giá viện phí. Nghe nói các dịch vụ tiền khám bệnh, tiền xét nghiệm, tiền ngày giường… tăng từ 7 đến 10 lần. Tôi bị bệnh nan y, năm nào cũng phải nhập viện nội trú. Từ lúc có quy định cùng chi trả đã khốn đốn, mai này tăng giá nữa không biết lấy tiền đâu đi bệnh viện…

Tỉnh ta hiện có khoảng 685 nghìn người tham gia BHYT. Trong 6 tháng đầu năm, có 821943 lượt bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT với chi phí đạt trên 89 tỷ đồng, đẩy quỹ BHYT vào tình trạng bội chi nghiêm trọng. Nếu ngành Y tế tăng giá viện phí thì BHXH Việt Nam cũng sẽ nâng mức đóng của mệnh giá thẻ BHYT nhằm hạn chế bội chi, tạo thế bình ổn cho quỹ BHYT. Như vậy sẽ khó thu hút người tham gia BHYT tự nguyện.

Bên cạnh nỗi lo viện phí tăng, người dân nói chung, người có thẻ BHYT nói riêng băn khoăn: Liệu chất lượng khám chữa bệnh có tăng. Ở tuyến xã, điều kiện trang thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc men còn quá thiếu, yếu, thậm chí lạc hậu. Mới chỉ khoảng 50% cơ sở y tế tuyến xã của tỉnh ta có bác sỹ. Đối với người có bệnh, đây chỉ là trạm cấp phép để đi lên tuyến trên chữa bệnh. Nhưng từ bệnh viện tuyến tỉnh trở lên, theo thống kê của Bộ Y tế, các bệnh viện đều quá tải ở mức từ 3 đến 4 lần, bệnh nhân phải nằm ghép từ 2 đến 3 người/giường bệnh. Nhiều bệnh viện, bác sỹ phải khám ở tần suất 80-100 người bệnh/ngày. Theo BHXH tỉnh, trong 89 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT của tỉnh ta trong 6 tháng đầu năm 2010 thì chi phí đa tuyến ngoại tỉnh chiếm tới 45 tỷ đồng. Thế nhưng, dù phải cùng tham gia chi trả chi phí khám chữa bệnh, người bệnh lên tuyến trên chưa phải đã hoàn toàn tin tưởng vào hiệu quả khám chữa bệnh. Ông Lê Văn Thành, phường Trường Thi (TP Nam Định) cho biết: Tôi phải nằm Bệnh viện Bạch Mai mất gần 1 tháng. Nhưng để khỏi bệnh, ngoài đơn thuốc theo thẻ BHYT tôi vẫn phải xét nghiệm mua thuốc ngoài mất hơn 10 triệu đồng. Không hiểu tăng giá viện phí, điều này có được cải thiện?.

Tăng viện phí, theo lý giải của ngành Y tế là do khung giá cũ đã có từ 15 năm trước, đã quá lạc hậu so với giá thị trường và ngân sách Nhà nước cấp ngày càng eo hẹp. Nhưng nếu tăng, ngành Y tế cũng phải nhận ra gánh nặng tăng chi phí sẽ đè lên vai người bệnh, chủ yếu là bệnh nhân BHYT. Vì vậy, ngành Y tế phải đồng hành việc tăng chi phí chữa trị với việc nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh./.

Hoàng Vũ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com