Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, giá nhiên liệu, nguyên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song được các cấp chính quyền, ngành chức năng huyện Giao Thủy kịp thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất công nghiệp.
Gia công đế và mũi giày, dép tại Công ty TNHH Nice Power (Giao Thủy). |
Các ngành chức năng của huyện tăng cường tuyên truyền định hướng các cơ sở, doanh nghiệp xác định tham gia thị trường theo hướng bền vững, coi việc nâng cao chất lượng sản phẩm, có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ là yêu cầu tất yếu để đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, xây dựng vị trí vững chắc trên thị trường. Đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tích cực đầu tư cải tiến nâng cấp thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm gia tăng cơ hội tiếp cận thêm nhiều thị trường mới. Chú trọng hướng dẫn các doanh nghiệp bám sát diễn biến thị trường để có kế hoạch đáp ứng kịp thời các nhu cầu phát sinh cũng như chuẩn bị phương án ứng phó với các tình huống bất thuận. Đặc biệt, huyện tập trung hỗ trợ thúc đẩy phát triển các ngành nghề trọng điểm, có thế mạnh của địa phương gồm: sản xuất cơ khí, chế tạo; chế biến nông sản, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng… Đến nay, trong tổng số 291 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện, có nhiều doanh nghiệp được đánh giá là không ngừng trưởng thành, ngày càng hoạt động hiệu quả, khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường và có sự phát triển mạnh mẽ ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Tận dụng giai đoạn những tháng đầu năm 2022, nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may của thị trường thế giới tăng mạnh, các doanh nghiệp dệt may của huyện tích cực “bứt tốc”, hoàn thành nhanh gọn các đơn hàng lớn, dài hơi. Từ giữa năm 2022, khi sức mua của thị trường bắt đầu chững lại, nhất là các dòng sản phẩm cao cấp, các doanh nghiệp dệt may đã nhanh nhạy, linh hoạt tìm kiếm thêm các đối tác, bạn hàng ở đa dạng các dòng sản phẩm. Để ổn định việc làm, giữ chân người lao động, các doanh nghiệp dệt may trong huyện còn thực hiện chiến lược giảm tăng ca, nhận gia công đơn hàng cho các tập đoàn, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng lớn cần chạy tiến độ. Nhờ đó, ngành may mặc của huyện với hàng chục doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay vẫn đang ổn định việc làm cho lao động trên địa bàn. Chỉ riêng 3 doanh nghiệp Công ty Cổ phần Thời trang Thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy, Giao Yến và Hồng Thuận đã giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động, chiếm gần 70% số lao động may trên địa bàn. Nhóm doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gồm ba đơn vị sản xuất gạch đất sét nung gồm Công ty Cổ phần An Đồng, Công ty Cổ phần Công nghiệp - Thương mại Giao Thủy và cơ sở sản xuất gạch Tiến Tới đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, chủ động đón đầu nhu cầu tăng tốc xây dựng sau giai đoạn trầm lắng bởi đại dịch COVID-19. Hiện tại các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cung ứng ra thị trường khoảng hơn 80 triệu viên/năm, tạo việc làm cho trên 500 lao động. Nhóm doanh nghiệp ngành cơ khí đã nỗ lực đầu tư máy móc hiện đại, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề của người lao động, áp dụng, cải tiến phương pháp làm việc khoa học; nâng tầm chất lượng sản phẩm, tiếp cận được nhiều khách hàng mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm được định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP, ngày càng phát triển thương hiệu và được tiêu thụ ở nhiều thị trường. Năm 2022, huyện Giao Thủy đã thẩm định thêm 32 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, đứng thứ hai toàn tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP, trong đó không ít sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp địa phương đã ngày càng nổi tiếng, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như: Tép moi sấy khô (4 sao), chả cá Hùng Vương (4 sao), cá tẩm gia vị (4 sao), tôm nõn hấp (4 sao), nõn bề bề (4 sao) của Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương; ngao sạch Giao Thủy (4 sao) của Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung; cá nục một nắng (3 sao); cá thu một nắng (3 sao) của Công ty Thủy sản Xuân Thủy - Nam Định... Đặc biệt, sản phẩm tép moi sấy khô của Công ty Thủy sản Hùng Vương không chỉ được ưa chuộng tiêu thụ trong nước mà còn xuất chính ngạch sang thị trường Nhật Bản.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Giao Thủy có quy mô vừa và nhỏ, rất nhỏ, chủ yếu sử dụng 10-50 lao động, công nghệ sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện đại. Do vậy nhiều doanh nghiệp không khai thác phát huy hết được tiềm năng lợi thế tại địa bàn. Như các doanh nghiệp ngành chế biến thủy sản trên địa bàn huyện hiện số lượng cũng ít, năng lực chưa khai thác hết thế mạnh về nguyên liệu của huyện ven biển. Ngoài ra, một hạn chế nữa là đa số các doanh nghiệp trong cùng ngành, lĩnh vực chưa tạo được liên kết, trao đổi, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Để thực hiện mục tiêu bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Giao Thủy coi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới và hiện đang dồn lực để gia tăng các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh, bền vững. Trong đó, huyện đã quy hoạch 6 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.450ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 722ha trình UBND tỉnh đưa vào quy hoạch chung của tỉnh. Huyện tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực để ưu tiên xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đồng bộ; đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm, điểm công nghiệp; các khu dân cư tập trung, khu dân cư tập trung kết hợp với thương mại - dịch vụ. Tập trung thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh như dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển và dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển. Sau khi các tuyến đường này được hoàn tất đầu tư, cơ hội kết nối giữa huyện Giao Thủy với các vùng kinh tế lớn, trọng điểm năng động của khu vực như Quảng Ninh, Hải Phòng được mở ra; là điều kiện rất tốt để các doanh nghiệp trên địa bàn huyện phát triển và liên kết đầu tư. Đồng thời với công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện tiếp tục chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống hành chính một cửa đến cấp xã, giải quyết tốt các thủ tục hành chính công. Đến nay 100% xã, thị trấn tại Giao Thủy đã trang bị và khai thác tốt hệ thống camera an ninh; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tạo tiền đề chắc chắn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển kinh tế. Tăng cường nắm bắt và hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, hỗ trợ nghiệp vụ quản lý, điều hành, quản trị cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp mới thành lập; mở các lớp tập huấn phổ biến Luật Lao động, chính sách thuế, xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường trong nước, tham gia hội chợ... giúp các doanh nghiệp nắm bắt các phương pháp tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, chuyển đổi số, tự tin, chủ động tham gia thị trường./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy