Triển khai thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1953/2022/QĐ-KBNN ngày 29-4-2022 của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN), Kế hoạch số 81/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 15-6-2022, đến nay, toàn bộ các đơn vị thuộc và trực thuộc KBNN Nam Định không còn phát sinh thu, chi tiền mặt tại đơn vị. Kết quả này không chỉ tạo tiền đề để đơn vị xây dựng thành công mô hình kho bạc “3 không” (không giao dịch bằng tiền mặt - không khách hàng đến giao dịch - không chứng từ giấy), còn giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân thuận lợi hơn trong thu, nộp ngân sách Nhà nước (NSNN).
Tỷ lệ khách hàng đến giao dịch trực tiếp tại quầy ở Kho bạc Nhà nước Nam Định gần như không có. |
Trong những năm qua, hệ thống KBNN Nam Định đã chủ động, tích cực trong việc chuyển đổi số, phối hợp với các đơn vị giao dịch đẩy mạnh TTKDTM trong hoạt động thu, chi NSNN. Đến hết ngày 31-3-2022, đã có 100% các đơn vị sử dụng NSNN trên địa bàn tỉnh (không bao gồm khối quốc phòng, an ninh) đăng ký sử dụng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến của KBNN, tỷ lệ chứng từ chi NSNN được giao nhận, xử lý và trả kết quả qua chương trình dịch vụ công cấp độ 4 đạt 100%. 7/11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong công tác thu NSNN, KBNN Nam Định đã phối hợp thu với 7 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh gồm: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) mở 41 tài khoản thanh toán và tài khoản chuyên thu nhằm mở rộng địa bàn phối hợp thu NSNN tạo thuận lợi cho người nộp thuế, phí, lệ phí, tăng cường TTKDTM theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, KBNN Nam Định đang rà soát nhu cầu thị trường để tiếp tục mở rộng các điểm thu NSNN. Đến hết tháng 3-2022, công tác thu NSNN thông qua phối hợp thu với ngân hàng chiếm tỷ lệ trên 98% và có xu hướng tăng dần, số thu bằng tiền mặt trực tiếp tại trụ sở KBNN chỉ còn 1,6% trong tổng thu NSNN trên địa bàn (chủ yếu là các khoản thu từ các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ không có tài khoản tại ngân hàng; thu phạt vi phạm hành chính; các khoản thuế, phí, phí nhỏ lẻ). Cùng với đó, KBNN Nam Định đã chủ động tuyên truyền, vận động các đơn vị giao dịch hạn chế rút tiền mặt tại trụ sở KBNN, khi có nhu cầu chi tiêu bằng tiền mặt sẽ thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại đã kết nối thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu. Vì vậy, số chi tiền mặt tại các trụ sở của hệ thống KBNN Nam Định đã giảm đáng kể, chỉ còn chiếm 1,2% so với tổng chi NSNN trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động thu, chi NSNN trên địa bàn thực hiện qua hệ thống KBNN Nam Định luôn đảm bảo ổn định, thông suốt, không có vướng mắc, đã nhận được sự ủng hộ của cấp uỷ, chính quyền địa phương và các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn.
Để triển khai, thực hiện nhanh chóng, có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM trong hệ thống KBNN đến năm 2025, tiến tới hình thành Kho bạc “3 không”, KBNN Nam Định xác định đây là nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành; trong đó điều kiện tiên quyết bắt buộc là phải chuyển đổi số toàn bộ các hoạt động của KBNN, mọi giao dịch thu, chi NSNN qua KBNN phải thực hiện hoàn toàn bằng chuyển khoản và 100% chứng từ giao dịch được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Căn cứ vào tình hình nêu trên, ngày 20-5-2022, KBNN Nam Định đã tham mưu UBND tỉnh khẩn trương ban hành Văn bản số 242/UBND-VP6 ngày 14-6-2022 chỉ đạo các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố về việc thực hiện TTKDTM qua KBNN Nam Định. Theo đó, UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan đã tổ chức thực hiện nghiêm túc việc quản lý, thu, chi tiền mặt theo đúng quy định, hạn chế tối đa tiến tới không giao dịch thu, chi tiền mặt với KBNN. Tuyên truyền, vận động đẩy mạnh đăng ký, thanh toán cá nhân từ NSNN qua tài khoản ngân hàng đối với cán bộ, công chức, viên chức, kể cả người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, xóm, tổ dân phố. Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ghi trong quyết định xử phạt địa điểm nộp phạt vào NSNN tại 7 ngân hàng thương mại với 50 điểm thu phạt trên toàn tỉnh mà KBNN Nam Định đã phối hợp, đồng thời hướng dẫn các đối tượng nộp phạt đến các điểm của KBNN Nam Định đã thông báo.
Bên cạnh đó, KBNN Nam Định đã chủ động tuyên truyền, vận động các đơn vị giao dịch từng bước bỏ thói quen và tâm lý thích thanh toán bằng tiền mặt, nhất là đối với các khoản chi nhỏ lẻ, hạn chế rút tiền mặt tại trụ sở KBNN, khi có nhu cầu chi tiêu bằng tiền mặt sẽ thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại đã kết nối thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu, trên cơ sở đã được KBNN Nam Định kiểm soát chi đối với các khoản được phép chi bằng tiền mặt đảm bảo đúng chế độ quy định. Từ ngày 1-8-2022, KBNN Nam Định dừng toàn bộ các giao dịch thu, chi tiền mặt đối với tổ chức, cá nhân tại các trụ sở KBNN thuộc hệ thống KBNN Nam Định. Sau hơn 1 tháng triển khai, tính đến hết ngày 31-8-2022, tổng thu NSNN qua KBNN Nam Định là 366 tỷ đồng, chi NSNN là 1.318 tỷ đồng, mọi hoạt động thu, chi NSNN trên địa bàn áp dụng thực hiện TTKDTM qua hệ thống KBNN Nam Định được đảm bảo ổn định, thông suốt, nhanh chóng, an toàn, thuận tiện. không có vướng mắc phát sinh, nhận được sự ủng hộ của cấp uỷ, chính quyền địa phương và các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn.
Việc triển khai thành công Đề án TTKDTM của KBNN đã tạo sự chuyển biến tích cực trong hệ thống KBNN Nam Định, tạo thuận lợi hơn cho người dân và các đơn vị có giao dịch với KBNN tiếp cận các dịch vụ TTKDTM. Không còn thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN trực tiếp thúc đẩy hiện đại hóa các hình thức thanh toán, đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển các giao dịch điện tử; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và hiện đại hóa hệ thống KBNN theo hướng minh bạch, công khai và đơn giản hóa các chính sách, chế độ. Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong hệ thống KBNN, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường khả năng kết nối liên thông, liền mạch giữa KBNN với các hệ thống, dịch vụ thuộc các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế số. Hoàn thành mục tiêu “Kho bạc không dùng tiền mặt” là kết quả thể hiện sự nỗ lực của toàn thể ban lãnh đạo và công chức KBNN Nam Định trong việc thực hiện Đề án TTKDTM theo định hướng của Chính phủ, cũng như theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thời gian tới, KBNN Nam Định tiếp tục tăng cường vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ tiện ích của ngân hàng thương mại và các công cụ thanh toán QR-Code, Mobile Money, Ví điện tử, Mobile Banking,… để nộp NSNN được thuận lợi. Mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ Nhà nước của KBNN Nam Định tại các hệ thống ngân hàng thương mại; phối hợp với Cục Thuế, Cục Hải quan và các ngân hàng thương mại, các sở, ngành triển khai thu NSNN theo mã định danh khoản thu để giảm thiểu truyền nhận thông tin giữa các cơ quan, tạo điều kiện đẩy mạnh các hình thức thu hiện đại. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thanh toán qua hệ thống KBNN; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức và sắp xếp vị trí việc làm trong hệ thống KBNN đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh TTKDTM; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn khách hàng sử dụng các hình thức TTKDTM trong giao dịch với KBNN./.
Bài và ảnh: Đức Toàn