Vốn ngân hàng tạo động lực phát triển mạnh mẽ kinh tế vùng ven biển

08:09, 28/09/2022

Trong Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 5-12-2018 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của BCH Trung ương Đảng (khoá XII) về chiến lược phát triển kinh tế biển (KTB) đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã xác định mục tiêu lâu dài, xuyên suốt trong từng giai đoạn phát triển và phấn đấu KTB ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh. Sau đó, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX tiếp tục ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU ngày 18-6-2021 về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh và các kế hoạch, chương trình hành động đã ban hành, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh thông qua cho vay để phát triển ngành nghề biển đã đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế vùng biển bền vững.

Được vốn Agribank tiếp sức, ông Nguyễn Văn Hoan ở thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đã đầu tư mô hình nuôi cá mú kết hợp tôm thẻ chân trắng đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Được vốn Agribank tiếp sức, ông Nguyễn Văn Hoan ở thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đã đầu tư mô hình nuôi cá mú kết hợp tôm thẻ chân trắng đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vùng ven biển tỉnh Nam Định gồm 3 huyện (Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu) với 80 xã, thị trấn (trong đó có 19 xã, thị trấn giáp biển); tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 724km2, bằng 43% diện tích toàn tỉnh; dân số hơn 606 nghìn người. Đến nay KTB và các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hàng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, nguồn vốn ngân hàng đã giúp người dân, doanh nghiệp huyện Hải Hậu đẩy mạnh phát triển các ngành nghề nông thôn nói chung, trong đó có kinh tế biển như nuôi và khai thác thuỷ sản, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá... Với động lực từ nguồn vốn vay ngân hàng, các hộ dân đã đầu tư các mô hình nuôi thuỷ, hải sản có giá trị kinh tế cao như cá bống bớp, tôm thẻ chân trắng, cá mú, cá truyền thống; khai thác và chế biến giúp ngư dân vươn khơi bám biển đánh bắt xa bờ, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo thành các vùng chuyên canh nuôi tập trung với giá trị thu nhập bình quân trên 1ha diện tích đất canh tác hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Đến nay, diện tích nuôi thuỷ sản toàn huyện đạt 2.286ha, sản lượng ước đạt gần 18 nghìn tấn/năm, có 34 vùng nuôi tập trung với tổng diện tích trên 750ha, quy mô mỗi vùng trên 10ha. Vùng nuôi thuỷ sản nước ngọt có diện tích hơn 345ha tập trung chủ yếu tại các xã: Hải Phúc, Hải Lộc, Hải Lý, Hải Xuân, Hải Châu với các loại cá chủ lực là trắm đen, diêu hồng, cá lóc, tôm. Vùng nuôi thuỷ sản mặn lợ có diện tích 405ha tập trung ở các xã: Hải Chính, Hải Triều, Hải Hoà, Thịnh Long… chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng, cua biển, cá vược, cá mú. Toàn huyện hiện có 632 phương tiện khai thác hải sản, trong đó có 195 tàu cá khai thác xa bờ, 36 tàu cá khai thác vùng lộng, 401 phương tiện khai thác ven bờ. Từ đầu năm 2022 đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giải ngân được 8.201,015 tỷ đồng hỗ trợ 164 doanh nghiệp, 36.632 hộ dân tiếp tục có vốn đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN; nuôi, khai thác, chế biến thuỷ sản gắn liền với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương.

Tại huyện Giao Thuỷ, tổng dư nợ của hệ thống các TCTD tại huyện Giao Thuỷ là 4.807 tỷ 611 triệu đồng. Từ đầu năm, các TCTD đã giải ngân tiếp vốn được 3.191 tỷ 375 triệu đồng cho 42 doanh nghiệp, 26.165 hộ dân. Nhiều xã có dư nợ cao như: Giao Phong (232 tỷ 615 triệu đồng), Giao Xuân (269 tỷ 698 triệu đồng), Giao Tiến (308 tỷ 761 triệu đồng)… Với lực đẩy từ vốn ngân hàng, các hoạt động sản xuất khai thác, nuôi trồng thuỷ hải sản của huyện tiếp tục phát triển ổn định bền vững. Sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 8.800 tấn, đạt 53,7% kế hoạch năm, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng nuôi trồng đạt gần 24 nghìn tấn, trong đó, nuôi mặn lợ đạt gần 18 nghìn tấn, nuôi nước ngọt đạt gần 3.000 tấn. Cùng với vươn khơi bám biển khai thác thủy sản, các hộ nuôi trồng trên địa bàn huyện cải tạo ao đầm, lựa chọn con giống nuôi thả. Huyện Giao Thủy có 893 tàu với tổng công suất 115.200CV, trong đó 166 tàu có chiều dài trên 15m tham gia đánh bắt vùng khơi, 248 tàu có chiều dài từ 12-15m tham gia đánh bắt vùng lộng, gần 480 phương tiện có chiều dài dưới 12m tham gia đánh bắt ven bờ. Toàn huyện đã thành lập được 8 tổ hợp tác khai thác thủy sản tàu công suất trên 90CV, 25 tổ đội khai thác thủy sản. 

Ông Nguyễn Văn Hoan ở khu 4 Nông trường Rạng Đông (thị trấn Rạng Đông) cho biết: “Suốt 18 năm qua, Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam Chi nhánh Đông Bình luôn tạo điều kiện cho tôi được vay vốn thuận lợi phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn vay, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng được khu trang trại rộng 3ha nuôi cá mú và tôm thẻ chân trắng, đồng thời sản xuất các loại giống thuỷ, hải sản cung ứng cho các hộ nuôi xung quanh. Hiện tại, dư nợ của gia đình tôi tại ngân hàng là 1,1 tỷ đồng”. Mỗi năm gia đình ông thu hoạch được 10 tấn cá mú và tôm thẻ chân trắng, trừ chi phí mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2022, tổng dư nợ các TCTD trên địa bàn thị trấn Rạng Đông là 201 tỷ 865 triệu đồng với 3 doanh nghiệp, 929 hộ dân còn dư nợ. Huyện Nghĩa Hưng hiện có 72 doanh nghiệp, 24.868 hộ dân còn dư nợ tại các TCTD với tổng dư nợ là 5.846 tỷ 911 triệu đồng. Thông qua nguồn vốn vay của ngân hàng, nhiều mô hình đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả được các địa phương nhân rộng. Nhiều tổ, nhóm nông dân liên kết, hợp tác được hình thành, phát triển, tác động tích cực, khuyến khích nông dân sản xuất hàng hóa theo đúng quy trình kỹ thuật, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, tạo ra nông sản sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu như các tổ hợp tác: nuôi cá bống bớp tại thị trấn Rạng Đông; nuôi, chế biến thủy sản ở xã Nghĩa Hải; nuôi thủy sản ở xã Phúc Thắng; nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Nghĩa Lợi; nuôi thủy sản ở các xã Nghĩa Châu, Nghĩa Bình, Nghĩa Hùng; nuôi trâu, nuôi ếch ở xã Nghĩa Hồng;...

Để góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh và đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, thời gian tới, các TCTD trên địa bàn tỉnh tập trung đẩy mạnh cho vay đối với các lĩnh vực du lịch và dịch vụ biển, nuôi trồng thuỷ sản và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển và các ngành KTB mới theo đúng chủ trương, mục tiêu của Nghị quyết số 05-NQ/TU. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho tỉnh về các chính sách hỗ trợ người dân vùng biển phát triển sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác, nuôi trồng thủy sản để giúp người dân ổn định sản xuất, phát triển KTB có chiều sâu bền vững. Tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với gói vay ưu đãi phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com