Gắn sản xuất với chế biến góp phần nâng cao giá trị nông sản

06:10, 04/10/2022

Những năm qua, hội viên nông dân trong tỉnh đã tích cực tham gia dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho chế biến nông sản. Cùng với đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhiều nông dân là chủ doanh nghiệp, giám đốc các HTX đã đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại trong chế biến nông sản, thực phẩm, góp phần nâng cao giá trị nông sản.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nuôi trồng chế biến Hải Điền, xã Hải Chính (Hải Hậu) cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp, chế biến đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài việc đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là thị trường xuất khẩu, các sản phẩm chế biến có thời gian bảo quản lâu hơn, giảm được tổn thất sau thu hoạch, hạn chế tình trạng được mùa mất giá. Vì thế, nhiều năm qua, HTX đã áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, thiết bị hiện đại và quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Bên cạnh việc tập trung nuôi các loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao như cá đối mục, cá thu, cá vược, cá mú, tôm…, HTX còn đầu tư xây dựng nhà xưởng sơ chế, đóng gói, hút chân không, bảo quản đông lạnh các sản phẩm đã chế biến từ 3-5 tháng nên không bị phụ thuộc vào thị trường. Nhiều sản phẩm của HTX đang được khách hàng tin dùng lựa chọn như chả mực, chả cá, tôm sú, cá mú, cá vược, cá thu cắt khúc, tôm nõn, trong đó các sản phẩm chả cá, chả mực đã được chứng nhận sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.

Nhiều sản phẩm tiêu biểu của hội viên nông dân được giới thiệu, quảng bá tại “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn” năm 2022.
Nhiều sản phẩm tiêu biểu của hội viên nông dân được giới thiệu, quảng bá tại “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn” năm 2022.

Tại xã Trực Thái (Trực Ninh), nhiều năm qua ông Nguyễn Văn Thục, hội viên nông dân tiêu biểu được trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2021 đã thành công với mô hình trang trại chăn nuôi lợn bằng thảo dược gắn với chế biến các sản phẩm từ thịt lợn. Nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng hiện nay đối với các sản phẩm sạch, an toàn, gia đình ông đã đầu tư xây dựng dây chuyền khép kín từ chăn nuôi đến chế biến các sản phẩm từ thịt lợn đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm thịt lợn, ruốc, xúc xích. Gia đình ông Nguyễn Hữu Trung ở xã Tân Thành (Vụ Bản) đã mở rộng quy mô sản xuất, phát triển nghề chế biến nông sản. Đến nay, ông đã sở hữu khu nhà xưởng khang trang, các hoạt động sản xuất được thực hiện bằng hệ thống máy móc hiện đại, trung bình mỗi tháng sản xuất hơn 200 tấn nguyên liệu; đặc biệt trong dịp 2 tháng cuối năm, mỗi tháng sản xuất tới 400 tấn nguyên liệu. Cơ sở sản xuất của gia đình ông Trung không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn tạo việc làm cho 20 lao động có thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng/người/tháng, trong đó có 10 lao động nữ; đồng thời tạo mối liên kết, tiêu thụ nguồn sản phẩm nông sản nguyên liệu lớn cho hàng nghìn hộ nông dân trong và ngoài xã, giúp người nông dân yên tâm sản xuất. Ngoài ra còn phải kể đến nhiều mô hình sản xuất gắn với chế biến khác như: mô hình liên kết sản xuất, chế biến lúa, gạo chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân với nông dân 9 huyện trong tỉnh; mô hình liên kết chế biến nông sản sấy của Công ty TNHH MTV Minh Dương; mô hình liên kết sản xuất, chế biến dược liệu của nông dân huyện Hải Hậu với Công ty Cổ phần Traphaco; mô hình nuôi cá trắm đen, cá Koi kết hợp chế biến các sản phẩm từ cá trắm đen như ruốc cá, cá nướng, cá tươi cắt khúc của anh Trần Văn Khoa, hội viên nông dân xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc). Mô hình nuôi cá chạch đồng kết hợp chế biến “Cá chạch kho niêu” của hộ ông Nguyễn Văn Thỉnh, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) được công nhận là sản phẩm OCOP, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động...

Đến nay, các sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản của nông dân các địa phương trong tỉnh tương đối đa dạng, phong phú; nhiều sản phẩm tạo dựng được thương hiệu, nâng cao giá trị thương mại, được thị trường trong nước và các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Hàn Quốc chấp nhận, tiêu biểu như ngao sạch Giao Thủy, tép moi sấy khô Hùng Vương, chả mực Thành Vui; nước mắm, sứa biển ăn liền của nông dân các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy; các sản phẩm ép dầu lạc, dầu vừng của hội viên nông dân huyện Ý Yên… Đặc biệt, huyện Hải Hậu với thế mạnh là địa phương phát triển nghề khai thác thủy sản lớn nhất tỉnh, sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản của toàn huyện đạt trên 51.600 tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để lựa chọn nguồn sản phẩm đầu vào như cá nục, cá cơm, cá lâm… để chế biến, tạo ra sản phẩm nước mắm chất lượng thơm ngon.

Để khuyến khích nông dân, thành viên HTX, các doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với chế biến nông sản, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai 10 dự án chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào chế biến nông sản từ nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh như: ứng dụng công nghệ mới trong trồng, bảo quản, chế biến khoai tây; trồng và chế biến lúa gạo chất lượng cao; chế biến tép moi sấy, nước mắm… Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HNDT, ngày 6-8-2019 của BCH Hội Nông dân tỉnh (khóa X) về “Vận động nông dân sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo”; hỗ trợ, khuyến khích hội viên phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, tham gia các chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại; phối hợp với Bưu điện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart; thành lập các cửa hàng nông sản an toàn tại một số địa phương nhằm giới thiệu sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP đến đông đảo người tiêu dùng.

Nhờ gắn sản xuất với chế biến, hội viên nông dân trong tỉnh đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển. Theo thống kê của ngành NN và PTNT, hơn 10 năm qua, công nghiệp chế biến và bảo quản nông, lâm, thủy sản của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5-10%, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Hệ thống công nghiệp chế biến nông sản đã được hình thành và phát triển với hơn 539 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com