Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), các xã, thị trấn trong tỉnh đã tích cực chuyển tiếp thực hiện xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; trong đó, đặc biệt chú trọng thực hiện tiêu chí môi trường do đây là tiêu chí khó trong bộ tiêu chí thành phần. Các địa phương đã đạt kết quả đáng ghi nhận ở các phần việc: huy động người dân tham gia cuộc vận động “Xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp” và phong trào “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác”, cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; vận động người dân tích cực tham gia phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình theo hướng xử lý rác hữu cơ tại chỗ; chỉ thu gom, vận chuyển rác vô cơ khó xử lý về khu xử lý rác thải tập trung của xã; huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cung ứng nước sạch; xây dựng hệ thống thu gom nước thải, tiêu thoát nước mưa, nước thải tại các khu dân cư tập trung để xử lý trước khi đổ ra kênh mương…
Vận hành công trình cấp nước sạch cho người dân nông thôn tại xã Trực Mỹ (Trực Ninh). |
Trong 2 năm qua, các huyện đã hoàn thành xây dựng mới 1 công trình cấp nước tại huyện Xuân Trường, 1 dự án nâng cấp mở rộng nối mạng cấp nước cho 6 xã huyện Ý Yên và đang tiếp tục triển khai đầu tư 5 dự án công trình cấp nước; nâng tổng số trên toàn tỉnh có 52 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Các huyện tiếp tục cải tạo, nâng cấp các khu xử lý rác thải tập trung của các xã, thị trấn thành đảm bảo thân thiện với môi trường, nước thải, khí thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả ra môi trường. Đến nay, đã có trên 171 xã, thị trấn đã triển khai, nhân rộng việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo 3 mô hình gồm: Mô hình “Phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình”, mô hình “Hố rác hữu cơ di động”, mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”; trong đó, một số xã, thị trấn đang tiếp tục nhân rộng mô hình tới 100% hộ gia đình trên địa bàn. Các mô hình phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình giúp giảm được 30-50% tổng lượng rác thu gom đưa về khu xử lý rác thải tập trung, giảm áp lực cho các bãi chôn lấp hiện đang quá tải, nâng cao hiệu quả xử lý tại các lò đốt rác thải sinh hoạt. Các địa phương tiếp tục phát động, tổ chức thực hiện tốt phong trào trồng cây bóng mát và trồng hoa bên lề đường trục xã, thôn, xóm. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 2.500 tuyến đường hoa với tổng chiều dài 2.670km.
Tại huyện Hải Hậu đã tập trung thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình huyện NTM kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”. Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành cơ bản 4 tuyến đường kiểu mẫu cấp huyện, tổng chiều dài 16km (có hệ thống điện chiếu sáng riêng biệt, cột đúc, bóng đèn led, dây điện chạy ngầm, đường có bồn hoa, trồng cây bóng mát đồng chủng loại); đã xây dựng được 2,27km tuyến đê kiểu mẫu tại xã Hải An, Hải Giang; 34/34 xã, thị trấn đều quan tâm cải tạo, nâng cấp lò đốt rác thải đảm bảo thân thiện với môi trường. Trong xây dựng NTM kiểu mẫu cấp xã đến nay 34/34 xã, thị trấn đều có 1 tuyến đường kiểu mẫu khu trung tâm dài 1km trở lên; tất cả xã, thị trấn có từ 1-2 tuyến đường hoa “xanh - sạch - đẹp kiểu mẫu” do Hội Phụ nữ tự quản, có chiều dài liên tục từ 1km trở lên nâng tổng số trên toàn huyện có 109 tuyến với 500km đường hoa; 31/34 xã, thị trấn có từ 1-2 mô hình cấp xóm phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình, có ít nhất 90% số hộ của xóm thực hiện, nâng tổng số trên toàn huyện có 266 mô hình cấp xã về phân loại và xử lý rác thải tại nguồn. Có 429/546 mô hình cấp xóm về quản lý, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn (bằng 78,6% số xóm) với quy mô trên 50% số hộ có mặt thường xuyên tại xóm tham gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND tỉnh đánh giá: So với tiêu chuẩn của các Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã, huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 tại các Quyết định 318/QĐ-TTg, 320/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8-3-2022 thì việc thực hiện tiêu chí môi trường của tỉnh ta còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa phù hợp với quy định và yêu cầu của thực tế. Cụ thể là: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương, nhất là các đơn vị cấp xã, cấp xóm chưa thực sự quyết liệt, chủ động, liên tục chỉ đạo, đôn đốc nên việc thực hiện kết quả đạt được chưa thực sự bền vững. Người dân một số địa phương còn chưa thực sự nắm rõ yêu cầu phân loại rác thải; phương pháp xử lý, tái khai thác, sử dụng rác thải hữu cơ một cách thiết thực, vì vậy chưa tích cực duy trì phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn. Trong khi đó, kinh phí cho công tác thu gom, xử lý rác thải còn thấp; hầu hết các địa phương chưa thực hiện đồng bộ các công đoạn sau khi người dân đã tiến hành phân loại rác tại nguồn; cụ thể là chưa tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý theo từng loại rác đã được phân loại. Nhiều công trình xử lý rác thải theo phương thức chôn lấp đã cơ bản hết công suất, nhiều lò đốt rác quy mô nhỏ đang xuống cấp, cần cải tạo, nâng cấp nhưng công tác quy hoạch, lựa chọn, bố trí quỹ đất để đầu tư các khu xử lý rác thải tập trung tại các địa phương rất khó khăn. Các bất cập, hạn chế này dẫn đến quá tải và không đảm bảo vệ sinh trong thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong một số làng nghề, một số khu sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản còn hạn chế. Đáng kể, hoạt động sản xuất của một số làng nghề như gia công cơ khí, tái chế kim loại, mạ; làng nghề nhuộm tẩy, làng nghề mây, tre đan; làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, trong đó một số làng nghề đã bị ô nhiễm cục bộ về khí thải, nước thải sản xuất. Tiến độ thi công các công trình cấp nước sạch tập trung tại một số địa phương còn chậm.
Để giải quyết các bất cập kể trên, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tăng cường áp dụng các giải pháp phù hợp, thiết thực với bối cảnh hiện nay. Trong đó, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về trách nhiệm, quyền lợi của các cấp ủy, chính quyền và người dân trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Đẩy mạnh hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện tiêu chí môi trường theo các quy định của tiêu chí 17 về môi trường và tiêu chí 18 về chất lượng môi trường sống theo quy chuẩn của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã, huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Chú trọng xác định từng nhóm chủ thể riêng biệt, gồm nhóm gây ô nhiễm và nhóm bị ảnh hưởng, tác động do ô nhiễm; nhóm cần được ưu đãi hỗ trợ và nhóm cần áp dụng các biện pháp xử lý, chế tài có tính răn đe cao... để có phương án, phương pháp vận động, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện tiêu chí môi trường phù hợp, hiệu quả.
Nhân rộng các mô hình cộng đồng dân cư làm tốt công tác BVMT và làm đẹp cảnh quan nông thôn ngày càng "sáng - xanh - sạch - đẹp"; nâng cao hiệu quả, hoạt động của công tác phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn. Các địa phương cần kết hợp giải quyết các bất cập trong công tác BVMT, nhất là xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu chăn nuôi, các vùng nuôi trồng thủy sản… theo hướng kiên trì, mềm dẻo và linh hoạt, có huy động người dân vào cuộc, có kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở để bảo đảm sự bền vững thông qua việc đưa các quy định về BVMT và xây dựng cảnh quan vào các quy ước, hương ước của thôn, xóm, phát động thường xuyên, liên tục phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp”... để các hộ gia đình, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nghiêm túc thực hiện. Nâng cao vai trò giám sát cộng đồng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT trong khu dân cư. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực trong xã hội, thu hút đầu tư xây dựng cảnh quan và các công trình cung ứng nước sạch nông thôn, xử lý chất thải nông nghiệp, công nghiệp và cải tạo, nâng cấp các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở các xã, thị trấn trở thành khu xử lý rác thân thiện môi trường, đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện, liên vùng theo quy hoạch. Tăng cường hội nhập quốc tế trong giải quyết những khó khăn về môi trường, trong đó, đặc biệt huy động nguồn lực và kế thừa, tiếp nhận các ứng dụng khoa học, công nghệ để xử lý các vấn đề về chất thải, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp bền vững, hòa thuận với thiên nhiên.
Bằng việc gia tăng các giải pháp kể trên, các ngành, các địa phương hướng tới mục tiêu thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có: 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy